Mấy năm trước lúc tôi mới về làm dâu thì nhà chồng có đông người lắm. Già trẻ lớn bé 7 người chen chúc trong cái nhà 3 tầng 40 mét vuông, tưởng là rộng nhưng đi lại sinh hoạt đụng nhau khá chật.
Thấy bất tiện quá nên sau đó không lâu gia đình anh trai chồng dọn ra ngoài mua chung cư. 4 người chuyển đi một lúc khiến nhà cửa rộng rãi hẳn. Tuy gánh thêm một đống nợ nhưng anh chị vẫn vui lắm, bởi không phải chịu cảnh tranh nhau nhà vệ sinh với xếp hàng chờ tắm mỗi ngày nữa.
Giờ nhà còn mỗi vợ chồng tôi với bố mẹ già. Lịch sinh hoạt được rút gọn hơn trước, ban ngày chúng tôi đi làm thì bố mẹ ở nhà, buổi tối cùng nhau ăn bữa cơm rồi nghỉ ngơi. Hàng tháng vợ chồng tôi thống nhất gửi mẹ 4 triệu tiền chợ, còn lại hóa đơn điện nước chúng tôi trả. Lương hưu bố mẹ ít nên ông bà tự giữ lại tiêu tùy ý.
Thi thoảng vợ chồng anh trai dắt các cháu về nhà chơi, hoặc có dịp vui vẻ quan trọng thì cả gia đình kéo nhau đi ăn hàng. Mấy anh chị em chúng tôi thường chủ động đứng ra chia nhau các khoản phí ăn chơi đó, ai cũng sòng phẳng nên chưa bao giờ mâu thuẫn nhau chuyện tiền nong.
Riêng về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thì nhà tôi được vía rất hòa thuận. Mẹ chồng hiền nên tôi với chị dâu chẳng gặp áp lực gì. Khi có việc như giỗ chạp thì mẹ chồng chủ trương thuê đặt cỗ với rửa bát hết, không ai phải đụng tay vào làm gì cho mệt. Tết mẹ cũng không gọi chị em tôi bắt qua dọn dẹp nấu nướng, nếu tụ tập ăn uống thì cả nhà cùng xúm hết vào làm. Ở nhà chồng tôi không có chuyện trọng nam khinh nữ, không bao giờ có cảnh đàn ông ngồi chơi còn đàn bà phải nai lưng ra quán xuyến mọi việc.
Đấy, cơ bản thì cuộc sống làm dâu của tôi nó như vậy. Hoàn toàn bình thường và không có sóng to gió lớn gì cả.
Tuy nhiên bình yên đến mấy thì cũng vẫn có drama. Mà người khơi mào cho những vụ thị phi trong nhà tôi lại chính là bố chồng mới ngược đời chứ!
Bố chồng tôi là cán bộ về hưu nên nếp sống của ông kỷ luật lắm. Hàng ngày cứ 5h là ông dậy chạy bộ ở công viên gần nhà, 6 rưỡi đèo vợ đi chợ, 7 rưỡi về ăn sáng, sau đó ông khởi động quét sân dọn dẹp một vòng từ trong ra ngoài. 8h vợ chồng tôi đi làm, chiều về luôn có ông bà ngồi đợi cơm nước sẵn.
Lúc ăn cơm bố chồng tôi có thói quen mở tivi xem tin tức thời sự. Ông không thích vừa ăn vừa nói, nhưng khi thấy vấn đề nào đó khó chịu là ông đặt bát đũa xuống và phân tích khá dài dòng. Ông nhận xét mọi thứ theo quan điểm cá nhân, hầu hết là đối lập với người khác và sẵn sàng tranh cãi để bảo vệ ý kiến.
Mọi người nghĩ đó là chuyện bình thường đúng không? Ban đầu tôi cũng nghĩ thế. Nhưng mà khổ, cái tệ nhất ở đây không phải là chuyện nêu ý kiến, mà là bố chồng tôi rất ngang! Ông luôn tự cho là mình đúng và ai bảo ông sai thì ông sẽ phản biện tới cùng.
Hồi đầu khi mới về làm dâu, thi thoảng tôi cũng góp vài câu trao đổi cùng bố chồng cho rôm rả bữa cơm. Nhưng càng về sau tôi càng nhận ra bố chồng cực bảo thủ, ngồi tranh cãi với ông rất vô bổ và bực mình. Ông lại còn có tật nói dai nữa. Cái gì ông đam mê thì ông sẽ nói hàng tiếng đồng hồ dù không ai có nhu cầu muốn nghe.
Từ lúc anh trai chồng chuyển đi thì mấy mẹ con tôi phải chịu đựng tật nói nhiều của bố “căng” hơn trước. Chắc càng già càng khó tính nên hôm nào bố chồng cũng cãi nhau với… MC thời sự. Người ta đọc thông tin gì là bố tự phản bác cái đó, mẹ con tôi nháy nhau ăn nhanh rồi đứng dậy trước cho đỡ đau đầu.
Rồi hôm nay chồng tôi khiến cả nhà dở khóc dở cười vì lỡ chọc vào cơn nói nhiều của bố. Tivi đang phát bản tin gì đó có nhắc đến tiền nước sinh hoạt, chồng tôi buột mồm than rằng hóa đơn nước tháng này tăng thêm mấy chục. Bố chồng liền hỏi bao nhiêu khối nước. Chồng tôi đáp 14 khối, tăng thêm 2 khối so với tháng trước.
Thấy bố chồng cau mày là tôi thấy không ổn rồi. Y rằng ông bắt con trai mở hóa đơn nước ra xem bằng được. Rồi ông ngồi tính toán xem 1 khối chia ra bao nhiêu tiền, chia theo đầu người xem mỗi thành viên trong nhà dùng hết bao nhiêu khối.
Lẩm bẩm một hồi xong bố chồng kêu cả nhà dùng nước tốn kém quá. Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, chiều tối về chỉ có mỗi tắm rửa. 2 ông bà già ở nhà chẳng làm gì mấy, không thể nào tốn đến mức hơn chục khối nước được.
Lúc ấy bác hàng xóm sang chơi ngồi uống nước chè và đánh cờ với bố. Nghe chuyện tiền nước xong bác ấy cứ cười, còn đùa rằng: "Nhà ông tắm cho cả đàn bò à mà tiêu tốn từng ấy nước".
Bố chồng nghe hàng xóm châm chọc vậy thì bực lắm. Mẹ con tôi vội nói đỡ mấy câu bảo chắc tháng trước chưa rét, trời nóng nực nên vừa đun nước uống vừa tắm rửa nhiều hơn tháng này. Rồi 2 đứa cháu nhà anh chồng sang ngủ lại chơi, có thêm chúng nó nên tốn hơn một chút. Hơn nữa tổng tiền nước chồng tôi thanh toán chỉ có hơn trăm nghìn, chưa đến mức quá đắt để kêu than.
Tuy nhiên bố chồng nghe không lọt tai. Ông kiên quyết cho rằng cả nhà đang “lãng phí tài nguyên thiên nhiên”, nâng cao quan điểm thành nhiều thứ đao to búa lớn. Rồi ông tuyên bố từ bây giờ cả nhà phải tiết kiệm nước triệt để. Đặc biệt chuyện tắm rửa vệ sinh thì tắm một lần mỗi tuần là đủ, còn hàng ngày chỉ lấy một chậu nước ra lau người là được rồi (?!?)
3 mẹ con tôi giãy nảy lên phản đối. Cả ngày làm bao nhiêu việc, ra đường bụi bặm đủ thứ bám vào người nữa, không tắm rửa sạch sẽ thì chịu sao được? Sống giữa thủ đô chứ có phải thổ dân trong rừng đâu mà phải kham khổ đến mức ấy!
Chúng tôi bỏ lên phòng kệ cho bố ngồi lảm nhảm. Lát sau tôi định đi tắm để chuẩn bị ra ngoài cà phê thì phát hiện ra vòi nước không chảy. Chồng chạy xuống nhà kiểm tra thì phát hiện bố khóa luôn van tổng vào không cho ai dùng. Bảo là hôm nay mới rửa sân xong nên tốn nước quá, sáng sớm mai dậy mở nước cho cả nhà dùng sau.
Thế rồi một cuộc tranh cãi nổ ra. Bố chồng nhất quyết bọc kín cái van lại không cho ai sờ vào. Ông mắng con trai là “sống không biết tiết kiệm”, rồi cố chấp bắt mọi người nhịn dùng nước, đi vệ sinh thì múc tạm từ cái xô nước thừa cạnh máy lọc ra dùng.
Cuối cùng vợ chồng tôi phải chở nhau ra nhà nghỉ để tắm nước nóng. Chồng bực dọc bảo từ mai đi tìm nhà thuê để dọn ra riêng, chứ sống với bố kiểu này anh không chịu đựng nổi. Có mỗi hóa đơn nước hơn trăm nghìn mà bố đã cư xử trái khoáy vậy rồi. Sau này ai biết ông còn khù khoằm thế nào nữa?
Tiểu Ngạn