Câu chuyện cho thấy từ ngày AI xuất hiện, việc làm tin giả trở nên dễ hơn bao giờ hết

Thứ ba, 26/11/2024 - 13:43

Táo ma, cá mập, và niềm tin bị xói mòn bởi trí tuệ nhân tạo.

Câu chuyện thứ nhất: Quả táo ma

Hôm 23/11 vừa qua, có một fanpage Facebook đăng tải bài viết về “táo ma”, một quả táo tạo thành từ băng trong suốt, xuất hiện sau một đợt rét kinh hoàng. Câu chuyện hấp dẫn, đính kèm một hình ảnh ấn tượng đã khiến bài đăng nhanh chóng viral trên internet. Ở thời điểm bài viết này được thực hiện, bài đăng nói trên đã nhận về hơn 46.000 lượt tương tác cảm xúc, 940 lượt chia sẻ và 563 bình luận.

Câu chuyện cho thấy từ ngày AI xuất hiện, việc làm tin giả trở nên dễ hơn bao giờ hết- Ảnh 1.

Bài đăng về quả táo ma có độ lan tỏa mạnh mẽ trên Facebook - Ảnh chụp màn hình.

Tuy nhiên, những bình luận nổi nhất trong bài viết trên đều có ý chỉ trích nội dung về quả “táo ma”. Đa số cho rằng nội dung cần được kiểm chứng rõ ràng trước khi đăng tải, hàm ý cho rằng bài viết kia đưa tin sai sự thật.

Câu chuyện cho thấy từ ngày AI xuất hiện, việc làm tin giả trở nên dễ hơn bao giờ hết- Ảnh 2.

Đa số người bình luận không tin vào câu chuyện này - Ảnh chụp màn hình.

Thực tế, sự kiện “táo ma” này đã được nhiều trang tin uy tín đăng tải từ hồi 2019, trong đó có CNN và Forbes. Dẫn lời từ một người dân Michigan có tên Andrew Sietsema, các bài báo kể lại về việc một cơn mưa buốt giá đã đổ xuống vườn táo, và gây ra hiện tượng kỳ lạ.

Tôi đoán rằng trời đủ lạnh để lớp băng bao phủ quả táo chưa tan chảy, nhưng lại đủ ấm để phần táo bên trong biến thành dạng nhão hoàn toàn (táo có nhiệt độ đông đá thấp hơn nước)”, thợ làm vườn Sietsema chia sẻ với CNN. “Và khi tôi cắt tỉa cây, nó sẽ bị rung lắc trong quá trình đó, khiến phần nhão trượt ra khỏi đáy của ‘quả táo ma’.”

Bình luận về hiện tượng kỳ lạ này, nhà khí tượng học của CNN, Judson Jones cho hay: “Một cơn mưa buốt giá có thể biết mọi thứ nó chạm vào thành đá lạnh. Trong trường hợp này, thì đó là táo già chưa được hái”.

Trò chuyện với tạp chí Forbes về sự kiện kỳ lạ này, William Shoemaker - chuyên gia làm vườn về hưu, công tác tại Đại học Illinois - đưa ra lời giải thích. Ông chỉ ra rằng những quả táo bị bỏ lại sau mùa thu hoạch đã trải qua hiện tượng lạnh tới cực đoan.

Câu chuyện cho thấy từ ngày AI xuất hiện, việc làm tin giả trở nên dễ hơn bao giờ hết- Ảnh 3.

Quả "táo ma" xuất hiện sau một đợt lạnh tại Michigan, Mỹ - Ảnh: Andrew Sietsema.

Bên cạnh một hiện tượng tương đương như ướp xác, chúng cũng có thể bị thối”, ông giải thích. “Điều này xảy ra khá thường xuyên với những quả táo bị bỏ lại trên cây. Chúng giữ được hình dáng, nhưng phần bên trong lại hóa lỏng thành một thứ như sốt táo”.

Khi nhiệt độ của nhưng quả táo này giảm xuống khoảng -18°C, cấu trúc của chúng bị phá vỡ, và một quả táo có thể “phun ra phần ruột thối rữa của mình ra ngoài”. Mặc dù có người thắc mắc tại sao những quả táo này không đóng băng hoàn toàn trong đợt cực lạnh, Shoemaker giải thích rằng táo có hàm lượng axit đáng kể, nên phải rất lạnh thì chúng mới đóng băng hoàn toàn.

Đây chắc chắn là một điều độc đáo, nhưng tôi đoán rằng chuyện này đã từng xảy ra trước đây, nhưng có lẽ nó chưa bao giờ xuất hiện trước mặt báo giới”, ông nói thêm.

Câu chuyện thứ hai: Săn cá mập

Vài ngày trước khi câu chuyện về táo ma xuất hiện trên Facebook, một trang khác đăng tải một câu chuyện cuốn hút, rùng rợn về một con tàu đánh cá Đức đã chạm trán với cá mập khổng lồ megalodon - sinh vật đã bị tuyệt chủng từ lâu.

Chuyện kể rằng đầu thứ kỷ 20, một nhóm ngư dân người Đức đã bắt thành công con cá mập khổng lồ, chỉ với “những dụng cụ thô sơ như lao móc, dây thừng và một chút liều lĩnh”. Khi họ mang được con thủy quái về bờ, nhóm ngư dân đã làm kinh ngạc cả giới khoa học, và lập tức trở thành “huyền thoại” trong lịch sử hiện đại.

Ở thời điểm bài viết này được thực hiện, câu chuyện ly kỳ này nhận về hơn 21.000 lượt tương tác cảm xúc, 936 lượt chia sẻ và tới hơn 1.200 lượt bình luận.

Câu chuyện cho thấy từ ngày AI xuất hiện, việc làm tin giả trở nên dễ hơn bao giờ hết- Ảnh 4.

Giống câu chuyện táo ma bên trên, đại đa số người bình luận lập tức chỉ ra rằng câu chuyện và tấm ảnh đều là sản phẩm của trí tưởng tượng. Thực tế, đã có người chỉ ra được rằng ảnh này do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo nên.

Lần này, nhóm người bình luận “bóc phốt” câu chuyện đã đúng. Bức ảnh và câu chuyện này lần đầu tiên được đăng tải bởi tài khoản Instagram thefantasycreatures hồi tháng 1/2024, và nhận về tới hơn 8.000 lượt thả tim.

Tuy nhiên, khác với bài đăng trên Facebook, những bài đăng của tài khoản thefantasycreatures (tạm dịch là: những sinh vật huyền ảo) đều được AI tạo ra. Trong phần mô tả, tài khoản này nêu rõ mục đích của mình: “Tưởng tượng ra những thế giới mới: giải phóng những sinh vật huyền ảo tạo ra bởi AI”. Họ thẳng thắn thừa nhận nội dung mình đăng tải là sản phẩm tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo. 

Trang Facebook kia đã chia sẻ nội dung này mà không đính chính. Họ đăng thông tin giả mà coi như đó là một câu chuyện có thật.

Câu chuyện cho thấy từ ngày AI xuất hiện, việc làm tin giả trở nên dễ hơn bao giờ hết- Ảnh 5.

Bài đăng gốc được đăng tải trên Instagram - Ảnh chụp màn hình.

Câu chuyện cho thấy từ ngày AI xuất hiện, việc làm tin giả trở nên dễ hơn bao giờ hết- Ảnh 6.

Trong phần mô tả, tài khoản thefantasycreatures nêu rõ rằng nội dung mình đăng tải đều do AI tạo ra - Ảnh chụp màn hình.

Và chiếc hộp Pandora mang tên “Trí tuệ nhân tạo”

Hai câu chuyện vừa kể, một là tin thật và một là tin giả, có hai điểm chung lớn.

Đầu tiên, chúng đều là bài đăng với mục đích tăng tương tác cho trang Facebook. Chúng đều đã đạt được mục đích, khi mỗi bài đăng thu hút tới hàng chục nghìn lượt tương tác, giúp chỉ số của trang tăng trưởng vượt trội.

Và chúng ta có thể tìm thấy điểm chung thứ hai nằm tại phần bình luận. Đa số người dùng Facebook đều nghi ngờ về tính xác thực của thông tin được đăng tải, những bình luận cho thấy người dùng không còn tin tưởng hoàn toàn vào những nội dung “thú vị” được đăng tải trên internet.

Tuy nhiên chỉ có nhận định về câu chuyện săn cá mập là đúng. Bên cạnh nội dung phi lý đến nực cười, một số người tinh tường nhận ra được rằng cấu trúc mặt của người trong ảnh phi thực tế, khiến họ kết luận được ngay rằng ảnh này do AI tạo ra.

Câu chuyện cho thấy từ ngày AI xuất hiện, việc làm tin giả trở nên dễ hơn bao giờ hết- Ảnh 7.

Nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy tấm ảnh có nhiều điểm phi lý - Ảnh: thefantasycreatures.

Câu chuyện cho thấy từ ngày AI xuất hiện, việc làm tin giả trở nên dễ hơn bao giờ hết- Ảnh 8.

Một người dùng chỉ ra những điểm khiến họ khẳng định rằng ảnh do AI tạo ra - Ảnh chụp màn hình.

Nhưng cớ gì mà người ta cũng nhận định như vậy về câu chuyện quả táo ma? Hình ảnh quả táo được làm bằng băng trong suốt độc đáo đến ... đáng ngờ, đã khiến đại đa số người bình luận nghi ngờ về độ chân thực của nó.

Và đây cũng là hệ lụy tới sau “vụ nổ” mang tên trí tuệ nhân tạo.

Từ khi AI biết vẽ tranh theo yêu cầu của con người, những nội dung kỳ lạ, siêu thực liên tục xuất hiện trên internet. Ban đầu, cư dân mạng đón chào nó như một dạng nội dung mới, thú vị, sinh ra từ một công nghệ mới mẻ. Dần dà, những nội dung dạng này gây ra nhiều tranh cãi từ nhiều phía, thậm chí làm dấy lên cả một làn sóng tẩy chay mạnh mẽ và vẫn tồn tại đến tận bây giờ.

Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi tin giả, hay cụ thể là những tấm ảnh do AI tạo ra, chân thực tới mức đánh lừa được những con mắt tinh tường nhất? Vẫn chưa cơ quan nghiên cứu AI nào có câu trả lời. Ngành công nghệ đã mở toang “chiếc hộp của Pandora”, sức mạnh vượt trội của trí tuệ nhân tạo đã thoát ra ngoài và mang theo những hệ lụy khó lường.

Câu chuyện cho thấy từ ngày AI xuất hiện, việc làm tin giả trở nên dễ hơn bao giờ hết- Ảnh 9.

Bức tranh "Pandora" của danh họa John William Waterhouse - Ảnh: Public Domain.

Việc tạo tin giả nay đang trở nên ngày một dễ: chỉ với một tấm ảnh gây ấn tượng mạnh, kèm theo một loạt những câu từ dễ nghe do một chatbot soạn thảo, một bài đăng đã ra đời. Hai ví dụ ở đầu bài viết, một thật - một giả, mới chỉ là hai câu chuyện vô thưởng vô phạt, không ảnh hưởng tới ai. Nhưng một khi xuất hiện một câu chuyện có thể ảnh hưởng tới các cá nhân hay tổ chức, rồi lại có độ lan tỏa mạnh như hai bài viết kia, thì hậu quả khôn lường.

AI đã làm xói mòn niềm tin của người dùng internet trước các nội dung trên mạng. Thực tế mà nói, người dùng mạng cũng nên có thói quen cảnh giác này khi sử dụng internet, để tránh mù quáng tin vào những tin giả đang ngày một tràn lan.

Nhưng vấn đề này tồn tại hai mặt. Việc cảnh giác trước nội dung đăng trên mạng là đúng, nhưng để niềm tin xói mòn tới mức nặng lời đả kích cả sự thật, thì sự cảnh giác lại phản tác dụng.

Câu chuyện cho thấy từ ngày AI xuất hiện, việc làm tin giả trở nên dễ hơn bao giờ hết- Ảnh 10.

Những nội dung AI này không làm hại ai, nhưng chẳng lẽ ta lại đợi "mất bò mới lo làm chuồng"? - Ảnh chụp màn hình.

Suy cho cùng, mỗi người dùng internet cần sở hữu kỹ năng cơ bản của một thám tử online, tự đi điều tra xem nội dung đang hiện hữu trước mắt là thật hay giả. Trong hai câu chuyện về quả táo ma và săn cá mập, chỉ với vài từ khóa là sự thật đã được phơi bày.

Cụm từ “quả táo ma” dẫn tới một loạt bài báo, đăng tải bởi những nguồn tin uy tín như CNN hay Forbes. Trong khi đó, từ khóa “Seesturm” (tên con thuyền đánh cá trong câu chuyện bịa) và “megalodon” ngay lập tức dẫn chúng ta tới trang Instagram thefantasycreatures, nơi đăng tải toàn nội dung AI tạo ra.

Trong thần thoại Hy Lạp, khi chiếc hộp của Pandora được mở toang, tai ương đã thoát ra và lan tràn khắp thế giới. Tuy nhiên, khi cô nàng Pandora tò mò hối hận, nhìn lại vào trong hộp, cô nhận thấy bên trong còn sót lại hy vọng. Đó cũng là thứ chúng ta cần trong thời đại internet nhiễu nhương: hy vọng vào những quy chế chặt chẽ hơn trong quản lý nội dung online, hy vọng về sự tỉnh táo của người dùng trước những nội dung AI ngày một chân thực.

Kim