Châu Âu bày tỏ lo ngại về an ninh bảo mật trên xe Trung Quốc

Thứ ba, 08/10/2024 - 19:11

Không lâu sau khi chính phủ Mỹ đề xuất dự thảo luật cấm hoàn toàn các thiết bị và phần mềm Trung Quốc xuất hiện trên xe điện bán tại Mỹ, đến lượt Liên minh châu Âu cũng đề xuất một quy định tương tự.

Sau khi chính phủ Mỹ thông báo ý định cấm công nghệ Trung Quốc xuất hiện trong các ô tô có kết nối internet trên đường của Mỹ vào thứ Hai, các quan chức Châu Âu cũng bày tỏ lo ngại tương tự về nguy cơ gián điệp, giám sát và phá hoại từ những chiếc "máy tính trên bánh xe" này, như Ủy viên kỹ thuật số EU Margrethe Vestager mô tả.

Bà Vestager nhấn mạnh rằng một ô tô kết nối internet "có thể ghi lại mọi thứ về vị trí của nó và truyền dữ liệu đó cho những ai có quyền truy cập". Bà cho biết các cơ quan của EU "đang xem xét vấn đề này, cùng với các chuyên gia an ninh kinh tế" và "việc điều tra xem liệu công nghệ này có thể bị lạm dụng về mặt an ninh hay không là chính đáng".

Châu Âu bày tỏ lo ngại về an ninh bảo mật trên xe Trung Quốc- Ảnh 1.

Sự tập trung vào công nghệ ô tô Trung Quốc mở ra một mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh kỹ thuật đang diễn ra giữa Mỹ, Trung Quốc và các khu vực khác về việc kiểm soát các công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo, chip vi xử lý và 5G.

Động lực của cuộc cạnh tranh này là nỗi lo về gián điệp, phá hoại, các chiến thuật cưỡng ép kinh tế và gián đoạn chuỗi cung ứng. Điều này cũng diễn ra trong bối cảnh Châu Âu đang áp dụng thuế thương mại đối với xe điện được cho đang nhận được trợ giá từ chính phủ, nhằm ngăn chặn xe điện Trung Quốc tràn ngập thị trường EU.

Trong khi đó, các quan chức Châu Âu đang âm thầm tìm kiếm các biện pháp nhằm hiểu rõ hơn và khắc phục những rủi ro từ công nghệ Trung Quốc trong ô tô. Một hướng đi đang được phát triển là dự thảo luật về "bộ công cụ chuỗi cung ứng ICT" mà các quan chức an ninh mạng đang hoàn thiện trong những tuần tới. Tài liệu này sẽ bao gồm các biện pháp liên quan đến xe điện kết nối internet cũng như năng lượng tái tạo.Quy định này cũng tương tự như quy định 5G Security Toolbox trước đây của EU đã dẫn đến hàng loạt lệnh cấm và loại bỏ thiết bị của Huawei khỏi mạng lưới 5G của châu Âu.

Tuy nhiên, những "bộ công cụ" này là tài liệu không ràng buộc và phụ thuộc nhiều vào sự sẵn sàng của các chính phủ quốc gia trong việc biến chúng thành các hạn chế nghiêm ngặt. Ngoài ra, EU trong những năm gần đây đã thông qua một loạt luật và quy định về chính sách an ninh mạng trong các lĩnh vực quan trọng như giao thông vận tải và quản lý dữ liệu từ các thiết bị kết nối. Tuy nhiên, những quy định này chưa được sử dụng để nhắm vào các quốc gia hoặc nhà cung cấp cụ thể.

Châu Âu bày tỏ lo ngại về an ninh bảo mật trên xe Trung Quốc- Ảnh 2.

Bà Margrethe Vestager, Ủy viên Liên minh châu Âu, đã gọi xe điện là những cỗ máy tính trên bốn bánh xe

Trong khi Mỹ có thể hành động dựa trên cơ sở an ninh quốc gia, Brussels phải để các quyết định như vậy cho các thủ đô châu Âu. Greta Peisch, cựu cố vấn chung của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, nhận xét: "Mỹ đang áp dụng cách tiếp cận an ninh quốc gia nhiều hơn, và EU không nhất thiết có công cụ đó để triển khai".

Trước đó, một quy định mới về an ninh mạng cho ô tô đã có tại Châu Âu. Quy định có hiệu lực từ tháng 7 đã hạn chế các mẫu xe có sẵn trong EU. Theo quy định này, các nhà sản xuất phải triển khai hệ thống quản lý an ninh mạng bảo vệ dữ liệu người dùng. Quy định này đã góp phần làm giảm số liệu bán hàng của xe Trung Quốc trong tháng 8, theo nhà phân tích ô tô châu Âu Matthias Schmidt.

Tuy nhiên quy định mới cũng ảnh hưởng đến chính các hãng xe ở châu Âu khi hãng Porsche (công ty con của Volkswagen) phải rút mẫu xe xăng mới của họ, Macan ra khỏi thị trường do quy định này.

Bên cạnh đó, các đại diện trong ngành công nghiệp ô tô của khối này cảnh báo rằng các biện pháp của Mỹ có thể gây tổn thất đáng kể cho ngành ô tô – vốn đóng góp lớn cho kinh tế Châu Âu. Nếu đề xuất cấm thiết bị Trung Quốc của Mỹ được thông qua, các nhà sản xuất châu Âu có thể buộc phải tìm nhà cung cấp mới nếu họ đang sử dụng các bộ phận của Trung Quốc trong xe xuất khẩu sang Mỹ.

Người phát ngôn Ủy ban Châu Âu Thomas Regnier cho biết EU sẽ "theo dõi chặt chẽ" đề xuất của Mỹ và bất kỳ "tác động trực tiếp hoặc gián tiếp" nào của nó. Ông nói thêm rằng Brussels sẽ "tăng cường trao đổi" với Washington sau cuộc họp trước đó vào cuối tháng 7.

Nguyễn Hải