Thời gian vừa qua, khoa Nhiễm (Bệnh viện đa khoa Khu vực Thủ Đức) tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp mắc phải hội chứng Steven Johnson. Trong số các bệnh nhân, đa phần các trường hợp có nguyên nhân do tự ý dùng thuốc, tự mua các thuốc để uống mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Đơn cử như trường hợp, bệnh nhân nữ N.T.Q.N, 38 tuổi (TP.HCM) nhập viện trong tình trạng xuất hiện nhiều mụn nước, bóng nước ở da, quanh miệng…, qua khai thác bệnh sử, tiền sử sử dụng thuốc của bệnh nhân trước đó, các bác sĩ ghi nhận: “vài ngày trước đó, bệnh nhân có tự ra nhà thuốc gần nhà mua thuốc trị viêm họng (có kháng sinh không rõ loại) để uống…”. Sau uống, bệnh thấy xuất hiện các biểu hiện trên và mức độ ngày càng nghiêm trọng nên nhập viện. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi hội chứng Steven - Johnson (SJS), được điều trị tích cực sau 5 ngày, các sang thương bóng nước khô dần, không lan rộng và sau đó tình trạng lâm sàng bệnh nhân ổn định hơn, được các bác sĩ cho xuất viện.
Hội chứng Stevens-Johnson (SJS) là những phản ứng dị ứng nặng của cơ thể, tác nhân thường gặp là các loại thuốc. Đây hội chứng hiếm gặp, tỷ lệ khoảng 1 đến 7 trường hợp trên 1000 người mỗi năm, tuy nhiên gần đây sự xuất hiện của hội chứng trên ngày càng phổ biến. Bệnh đặc trưng bởi sự xuất hiện các vùng da đỏ tím, đau rát, lan rộng, tạo bọng nước, hoại tử, trợt da và bắt đầu hồi phục trong nhiều ngày sau đó. Các sang thương chủ yếu tập trung ở da và các hốc tự nhiên của cơ thể như mắt, mũi, miệng, sinh dục khiến cho người bệnh đau đớn, ăn uống khó khăn. Trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong (tỷ lệ tử vong nằm trong khoảng từ 20 đến 25%)
Thuốc là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến SJS và tất cả các loại thuốc đều có nguy cơ gây dị ứng với những mức độ khác nhau. Các thuốc gây dị ứng hay gặp nhất là:
- Thuốc điều trị gout: tăng acid uric máu như Allopurinol.
- Nhóm kháng sinh: cotrimoxazol, sulfamid, nhóm kháng sinh penicillin, fluoroquinolones, cephalosporins,...
- Nhóm thuốc chống co giật: phenytoin, carbamazepin, barbiturat.
- Thuốc kháng viêm không steroid: Diclofenac, Ibuprofen, Ketorolac,…
- Các loại vacxin, huyết thanh kháng độc tố, các loại dịch truyền đặc biệt là dịch truyền cao phân tử và các chế phẩm từ máu dùng để truyền như: hồng cầu lắng, khối tiểu cầu, huyết tương tươi,…
Bên cạnh đó, hội chứng Stevens-Johnson (SJS) còn bắt nguồn từ một số nguyên nhân khác như: mắc bệnh truyền nhiễm (do vi khuẩn, vi rút,..), mắc ký sinh trùng, bệnh suy giảm miễn dịch, rối loạn nội tiết trong thời kỳ mang thai/rối loạn kinh nguyệt,..
Hội chứng Stevens-Johnson phần lớn gây ra bởi thuốc, vì vậy khó có thể dự đoán cơ thể bạn có phản ứng dị ứng này trong tương lai. Do đó, nếu có tiền sử dị ứng với thuốc cần báo với bác sĩ để được chỉ định thuốc hợp lý. Quan trọng hơn, bạn không nên tự ý mua và sử dụng các thuốc cần kê đơn, các thuốc đông y, thảo dược không rõ tính chất dị ứng.
BS Huỳnh Minh Nhựt