Từ khi được ra mắt vào 2022, chiếc ống kính Sigma “Art” 24-70mm f/2.8 dành cho hệ máy Sony E-Mount nhanh chóng nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ người dùng. Lý do đơn giản đó là chiếc ống kính này có dải tiêu cự thường xuyên dùng, được đánh giá cao về chất lượng ảnh cũng như rẻ hơn tới 1000 USD so với ống kính của hãng là Sony 24-70 f/2.8 G-Master.
Vào giữa năm nay, Sigma tiếp tục dựa trên sự thành công của ống kính này để tung ra chiếc Sigma 24-70mm F/2.8 DG DN II mà chúng ta có ngày hôm nay.
Thiết kế cứng cáp và mang vẻ “chuyên nghiệp”
Trong tất cả các thương hiệu sản xuất ống kính, Sigma nổi lên là một hãng có thiết kế đơn giản nhưng “chuyên nghiệp”, cùng chất lượng hoàn thiện vỏ ngoài rất tốt.
Với một ống kính thuộc phân khúc “Art” tức là cao nhất của Sigma, không có nghĩa lý gì mà 24-70mm f/2.8 II không được hoàn thiện với tiêu chuẩn tương ứng. Lens có phần khung được làm bằng kim loại, với phần vỏ ngoài được hoàn thiện bằng nhựa cứng, cao su mềm ở các nút bấm và vòng xoay.
Ở gần ngàm nhất ta có vòng xoay chỉnh khẩu độ, cho cảm giác xoay cứng tay và có từng nấc khá rõ rệt.
Ta cũng có thể loại bỏ khấc xoay bằng 1 công tắc ở cạnh bên, hướng tới những bạn quay phim cần chuyển khẩu độ để chỉnh ánh sáng một cách mượt mà.
Dịch lên một chút, ta sẽ có vòng zoom từ 24mm là tiêu cự rộng giống với camera thường của smartphone cho tới 70mm - một quãng telephoto ngắn. Vòng xoay của Sigma cùng chiều với ống kính Canon, nên sẽ ngược lại so với ống kính zoom của Sony hay Tamron.
Xung quanh vòng zoom này ta cũng có 2 nút bấm tùy chỉnh, cho phép điều khiển các chức năng khác nhau có thể đặt ở trong máy ảnh. Ví dụ như nhiếp ảnh gia sản phẩm có thể đặt là nút chuyển giữa lấy nét tay / lấy nét tự động; hay nhiếp ảnh gia sự kiện có thể đặt thành nút lấy nét mắt (Eye AF) chẳng hạn.
Trên thân ống kính vẫn chưa hết tính năng! Cuối cùng, ta có một công tắc để khóa vòng zoom, tránh hiện tượng ống kính bị tuột ra khi đeo trên cổ hoặc để vào cặp. Đây là một khóa “mềm”, tức là khi khóa và xoay vòng zoom mạnh tay 1 chút thì nó cũng sẽ nhả ra để thao tác nhanh khi chụp!
Lens có đường kính mặt trước là 82mm, đường kính tiêu chuẩn của những ống kính 24-70 f/2.8 và khá nhiều ống kính zoom chuyên nghiệp khác.
Ngàm ống kính tất nhiên là được làm bằng kim loại, ngoài ra cũng có một miếng gioăng cao su mỏng để kháng nước thâm nhập vào trong.
Một trong những nâng cấp đáng kể nhất trong chất lượng hoàn thiện của Sigma 24-70 f/2.8 II so với thế hệ đầu tiên đó là trọng lượng được giảm từ 835g xuống còn 735g. Chỉ 90g nghe thì ít, nhưng khi gắn lên máy ảnh Sony (thường là nhẹ) sẽ tạo cảm giác cân bằng hơn, cũng là 90g mà bạn không phải cầm trong suốt buổi chụp.
Ưu điểm về thiết kế nói chung của thế hệ trước cũng được Sigma 24-70 f/2.8 II tiếp nối. Ống kính được sơn hoàn toàn màu đen với ký tự màu trắng, rất đơn giản và phù hợp với kiểu thiết kế của các máy ảnh Sony.
Chất lượng ảnh cao, nhưng không phải hoàn hảo
Là dòng ống kính cao cấp của Sigma, các sản phẩm thuộc dòng “Art” vẫn thường được đánh giá cao về chất lượng ảnh. Với Sigma 24-70mm f/2.8 II, nếu soi một cách ‘chi li’ từng chút một thì ta vẫn tìm thấy một số yếu điểm nhỏ.
Đầu tiên, ở tiêu cự 24mm ảnh có hiện tượng lồi nhẹ ở tâm, nên những đường thẳng sẽ bị bẻ cong ở giữa.
Hiện tượng này giảm nhiều khi zoom tới tiêu cự 35mm, ảnh gần như phẳng hoàn toàn và các đường thẳng đã thẳng trở lại.
Chuyển tới 50mm, ta bắt đầu thấy một chút hiện tượng ảnh lõm nhẹ vào bên trong, nhưng vẫn khá phẳng và chụp trên thực tế sẽ không thể hiện quá rõ ràng.
Zoom hết cỡ tới 70mm, hiện tượng lõm ảnh cũng nặng hơn so với 50mm, nhưng như đã đề cập thì chụp ở điều kiện thông thường sẽ không thể hiện rõ được bằng ảnh “lồi” ở 24mm.
Cũng ở tiêu cự 24mm và mở khẩu lớn hết cỡ (f/2.8), ống kính có hiện tượng tối nhẹ ở các viền. Hiện tượng cong ảnh cũng như tối viền ở ống kính zoom đa dụng nhìn chung là những hiện tượng không thể tránh khỏi được, thường cũng dễ sửa lại được bằng các phần mềm hậu kỳ.
Một trong những điểm Sigma từ trước đến nay vẫn làm rất tốt đó là kiểm soát quang sai. Chụp một tấm kim loại từ góc chéo, và mở khẩu độ lớn nhất tới f/2.8 và ta phải soi khá kỹ mới có thể thấy được 1 chút viền màu tím đậm ở vùng ngoài nét, có thể nói là rất sạch.
Sử dụng ống kính với các trường hợp thực tế cho đỡ khô khan! Với chụp ảnh sản phẩm, Sigma 24-70mm f/2.8 đem tới sự đa năng khi có thể zoom trong 1 khoảng tiêu cự tiêu chuẩn để dễ chụp nhiều góc khác nhau. Màu sắc hình ảnh có độ trung tính cao, khi đặt đúng Cân bằng trắng thì hình ảnh gần như không cần phải chỉnh sửa lại nhiều.
Ống kính có thể lấy nét gần nhất ở 24mm với độ phóng đại 1:2.7, nhưng với chụp ảnh sản phẩm với các thiết bị nhỏ như smartphone thì tôi zoom tới 70mm để hình ảnh phẳng nhất. Ở tiêu cự này, độ phóng đại bị giảm xuống 1:4 (sản phẩm thật nhỏ bằng 1 phần 4 trên ảnh), chưa đạt tới mức macro nhưng cũng khá ổn.
Ra đường chụp ảnh, Sigma 24-70mm f/2.8 có tốc độ lấy nét rất nhanh và không thua kém gì so với những ống kính của chính Sony. Với các ống kính từ bên thứ 3 như Sigma, máy ảnh Sony sẽ bị giới hạn trong việc chụp liên tục chỉ tối đa 15 fps, nhưng dòng máy tôi dùng còn không chụp được nhanh đến vậy nên cũng không phải vấn đề!
Nếu như để đánh giá một cách khắt khe về chất lượng ảnh của Sigma 24-70mm f/2.8 II thì với ảnh chân dung có hậu cảnh phức tạp, bokeh (vùng mờ) đôi khi không được mềm và có hiện tượng mắt mèo. Khá nhiều ống kính, trong đó có cả ống kính Prime của Sony cũng có hiện tượng này nên rất khó để trách Sigma với 1 ống kính Zoom được.
Toát lên vẻ chuyên nghiệp
Bên cạnh một vài yếu điểm nhỏ, Sigma 24-70mm f/2.8 DG DN II thể hiện mình là một ống kính chuyên nghiệp từ thiết kế bên ngoài, chất lượng hoàn thiện cho tới trải nghiệm khi chụp. Điều này thể hiện qua mức giá 29.99 triệu Đồng của nó. Đây thực sự là một khoản đầu tư đối với bất cứ nhiếp ảnh gia nào.
Nhưng nhìn rộng ra 1 chút, chiếc Sony 24-70 f/2.8 G-Master đang có giá lên tới hơn 40 triệu Đồng! Đem tới chất lượng sử dụng cao như vậy với giá bán chưa tới 75% của hàng hãng, ta đâu còn lý do gì để phàn nàn nữa?
Tham khảo thêm về ống kính Sigma 24-70mm f/2.8 DG DN II cho Sony E-mount:
- Shopee
M.Đức