Trước đây khi chưa sinh con, tôi luôn tưởng tượng mình sẽ là một bà mẹ hoàn hảo, vừa đi làm vừa chăm con, lại giữ gìn nhan sắc chu đáo. Tôi đã đọc quá nhiều câu chuyện về các mẹ bỉm sữa xuống dốc khi nuôi con, khiến đủ loại bi kịch khác nhau kéo đến làm gia đình không còn hạnh phúc nữa.
Tôi sợ bị rơi vào hoàn cảnh như thế nên nói trước với chồng rằng chỉ đẻ 1-2 đứa thôi. Chồng nhất định phải phụ tôi trông con, làm việc nhà, cùng tôi san sẻ trách nhiệm vun đắp tổ ấm để không ai phải chịu áp lực một mình. Anh ấy đồng ý ngay, và thực tế đã chứng minh rằng chồng tôi giữ lời hứa rất tốt.
Chỉ có tôi là người duy nhất đi lệch với dự tính của bản thân. Dù đọc bao nhiêu cuốn sách dạy cách làm cha mẹ, tập bao nhiêu buổi Yoga để rèn luyện sự bình tâm thì tôi vẫn không kiềm chế được cơn nóng giận khi có các con ở nhà.
Cô giáo gọi điện mách tội gì là tôi quát mắng chúng không thương tiếc, đứa nào bị phạt viết kiểm điểm là tôi cho nhịn cơm luôn. Dạy chúng học bài mà dốt quá là tôi cũng la hét ầm ĩ, cầm roi quật ghế khiến chúng khóc ầm lên theo. Ngày nào làm mẹ cũng như một cuộc chiến, tôi không mắc trầm cảm sau sinh nhưng từ lúc đẻ 2 đứa xong thì tôi nóng nảy như một quả bom vậy.
Dù chồng con nhắc nhở vô số lần, mọi người xung quanh cũng khuyên tôi nên bình tĩnh mỗi khi dạy con, nhưng thực sự tôi không thể kìm được cơn tức giận khi đối diện với lũ trẻ. Con gái lớn năm nay lớp 6 rồi, con trai út thì lớp 3, chúng cũng khá tự giác và ngoan ngoãn nhưng việc học thì không tốt lắm. Chưa kể thằng nhỏ nhà tôi hay nghịch ngầm, có lần nó mắc lỗi lớn khi đi ăn hàng với bố mẹ nên tôi đánh nó trước mặt nhiều người. Về nhà tôi đã xin lỗi nó, an ủi con liên tục, nhưng hôm khác nó đi thi được 4 điểm thì tôi lại “lên cơn” đâu vào đấy.
Chồng thậm chí đã đưa tôi đi khám để tìm giải pháp cho việc kiểm soát sự nóng giận. Vốn dĩ tôi ngày xưa không có tính xấu như vậy, từ lúc nuôi dạy 2 đứa con thì mới bùng phát ra. Chính tôi cũng sợ hãi năng lượng tiêu cực của mình, sợ nó ảnh hưởng đến tâm lý của 2 con nên dần rơi vào trầm cảm. Bác sĩ hỗ trợ thuốc và một số phương pháp giúp tôi an thần, ngoài ra ông ấy còn nói chuyện riêng với chồng tôi nữa.
Chẳng biết bác sĩ nói gì mà tôi thấy chồng có vẻ khá vui. Tự tôi thấy mình ngày càng cư xử chẳng ra làm sao, nhưng chồng rất kiên nhẫn và chưa từng bỏ rơi vợ một mình. Bởi thế nên tôi quyết tâm phải tự chữa bệnh cho tốt, trở về đúng nghĩa một người mẹ, một người vợ khiến chồng con yêu thương chứ không phải sợ hãi.
Ngày đầu tiên sau khi đi khám về, tự dưng sáng ngủ dậy tôi thấy lũ trẻ hò reo ầm ĩ. Hỏi có chuyện gì thì chúng rụt rè không dám nói. Chồng tôi liền thông báo một tin chấn động: “Anh cho các con nghỉ lớp học thêm tối rồi, từ giờ không cần thêm thắt gì nữa, ở nhà bố dạy”.
Tôi lập tức gào lên rằng ai cho phép anh làm vậy, sao không bàn bạc với em đã tự ý quyết định, rồi không học thêm thì làm sao con theo kịp bạn bè. Tôi lại rơi vào tình trạng mất kiểm soát ngôn ngữ, cảm xúc cũng rối loạn theo khi bỗng dưng chồng ngắt thói quen sinh hoạt mỗi ngày của cả gia đình. Con nghỉ học thêm thì tôi phải ở nhà chăm lo cho chúng nó, thay vì được ngồi cà phê lê la đến 9h tối đợi đón chúng về. Như thế thì tôi còn căng thẳng hơn ấy chứ chữa bệnh sao được?!?
Kệ cho tôi nói một tràng xong chồng bình tĩnh khoanh tay bảo từ giờ tôi cứ làm việc riêng của mình. Việc chăm sóc dạy dỗ lũ trẻ anh sẽ phụ trách. Anh chỉ nhờ tôi nấu mỗi bữa tối và giặt đồ cho 3 bố con thôi, còn lại tôi cứ nghỉ ngơi để chồng lo hết.
Tôi rất khó chịu trong lòng nhưng vì đang điều trị sức khỏe tâm lý của chính mình nên đành miễn cưỡng nghe theo lời chồng nói. Ngồi ở cơ quan mà tôi cứ ám ảnh chuyện con cái không học thêm thì sẽ bị đúp lớp, học ngày càng dốt và tương lai thế nọ thế kia. Tâm sự với bạn thân thì nó mắng tôi là nghĩ ngợi quá đáng, bắt tôi vui vẻ lên và bớt suy diễn vớ vẩn đi.
Rồi chuỗi ngày nếp sống của tôi bị đảo lộn bắt đầu. Giờ lũ trẻ chỉ học theo thời khóa biểu trên lớp mà thôi. Tiền học thêm hàng tháng trước đây của các con được chồng tôi chuyển sang mấy lớp dạy vẽ, mua vé vào khu thể thao chuyên nghiệp dành cho trẻ em và mấy bộ dụng cụ làm vườn. Tôi ngứa ngáy tay chân mồm miệng lắm nhưng cố im lặng kệ xem 3 bố con được tích sự gì.
Không ngờ sau 2 tháng vợ chồng tôi hoán đổi vai trò dạy con thì kết quả nhận về quá bất ngờ. Kết thúc học kỳ 1 xong tôi đi họp phụ huynh cho con gái lớn, cô giáo khen thưởng con đạt vị trí top 2 xuất sắc, chỉ đứng sau mỗi bạn lớp trưởng. Trong khi trước đó con tôi lực học chỉ ở mức ổn, xếp cuối top 10 chứ chưa bao giờ được thành tích gì đáng nể. Đã thế cô còn đưa thêm quà chúc mừng của nhà trường vì con được giải Nhất cuộc thi vẽ cấp thành phố, kèm huy chương lưu niệm chuyến đại diện lớp đi thi năng khiếu qua mạng của con.
Thằng út thì chồng họp xong về phấn khởi tặng tôi lá cờ thi đua hạng Nhất của con. Thằng bé tham gia câu lạc bộ bóng đá ở lớp, lần đầu tiên thi đấu giao lưu với trường khác đã mang chiến thắng rực rỡ về cho khối lớp 3. Điểm thi của con trai cũng cao hơn hẳn mọi khi, tôi vui đến mức bật khóc.
Tất cả sự kiện này của các con tôi đều không hay biết gì. Hàng ngày các con ăn sáng xong là xách balo ra ngoài bố chở đi học, về nhà là ở trong phòng hí hoáy chơi với bố. Chúng không còn phải thức muộn đến 10-11h khuya để làm bài tập nữa. Tôi chỉ thấy chồng dạy chúng chơi cờ vua, ra ban công bới đất trồng hoa với rau củ, cuối tuần thì đưa con ra ngoài chơi thể thao.
Hóa ra chồng áp dụng phương pháp dạy con hoàn toàn ngược lại với tôi. Mẹ ép chúng nhồi nhét kiến thức, không cho phép thừa quỹ thời gian vào những việc mẹ cho là vô bổ. Riêng bố thì đề cao chuyện cân bằng giữa học và chơi, ưu tiên phát triển những thứ các con yêu thích, giúp chúng tự tìm ra ưu điểm bản thân và theo đuổi lĩnh vực chúng giỏi nhất. Tôi sai mà cứ tự cho là mình đúng. May mà có chồng giúp tôi sửa chữa lỗi lầm...
Giờ tôi mới biết con gái lớn có tài vẽ đẹp nấu ăn ngon, còn con trai mình có thể lực dẻo dai khéo léo. Một đứa đam mê nghệ thuật, còn một đứa giỏi thể thao. Chúng được ăn ngủ đủ, được làm việc mình thích, thế nên tinh thần sảng khoái đầy sáng tạo, tiếp thu trên lớp cũng nhanh hơn, khiến hiệu suất học tập tăng cao hơn. Trước đây tôi ép chúng gò bó quá mức, không cho chúng có thời gian thở chứ đừng nói đến chuyện giải trí. Tôi chê bai những bậc cha mẹ cho con nghịch điện thoại, luôn nghĩ rằng phải tập trung học hành từ bé thì lớn lên mới có tương lai tốt đẹp.
Tôi đã dạy con sai cách, và chính điều đó khiến tôi trở thành một bà mẹ đáng sợ suốt ngày chỉ la hét bực dọc. Giờ lũ trẻ cứ về nhà là được ăn bữa tối đúng giờ, có cơm ngon canh ngọt trong bếp, được thoải mái chia sẻ những chuyện vui trong ngày với nhau mà không phải vội vàng xếp sách vở tới lớp học thêm với miếng bánh mì nuốt vội nữa. Chồng cũng lên kế hoạch cho các con đi cắm trại ở ngoại thành mỗi cuối tuần, mới 3 chuyến thôi nhưng gia đình tôi đã có những khoảnh khắc vui vẻ tuyệt vời chưa từng thấy.
2 chị em nó cũng hòa thuận với nhau hơn hẳn trước đây. Chúng tự chỉ bảo lẫn nhau, chia sẻ với nhau tất cả mọi thứ chứ không tranh giành tố cáo nhau với bố mẹ nữa. Tối tắm rửa xong chúng tự giác học bài, ôn bài, hoặc chuẩn bị những gì cần cho buổi học hôm sau. Chồng tôi cho phép các con chơi máy tính 40 phút mỗi tối, 10h lên giường đi ngủ. Sau đó là khoảng thời gian riêng tư của 2 vợ chồng.
Hôm qua chồng hỏi một câu làm tôi sững sờ: “Dạo này soi gương em có thấy mình khác không?”. Quả đúng là những vết nám sạm đã biến mất từ bao giờ rồi. Nếp nhăn cũng không thấy đâu nữa, leo lên cân cũng thấy số nhảy từ 48 lên 55. Tôi chợt nhận ra dạo này mình cười nhiều hơn, hẹn hò bạn bè đi cà phê xem phim nhiều hơn, được khen xinh đẹp trẻ trung nhiều hơn. Và đương nhiên là chẳng còn quát nạt ai nữa. Mỗi ngày tôi chỉ thích tan làm về đi chợ và nghĩ xem nấu món ngon gì cho 3 bố con.
Hạnh phúc hóa ra đơn giản như thế. Tự do chưa chắc đã là điều tệ, giờ tôi kệ cho chồng dạy con thôi. Anh không chỉ giỏi giang mà còn rất tinh tế, vậy mà chung sống bao năm tôi không hề nhận ra. Tôi luôn cho rằng đàn ông không đủ khéo để nuôi dạy con cái, thế nên tôi cứ quy cho chồng mỗi trách nhiệm kiếm tiền và phụ vợ dọn dẹp nhà cửa.
Chồng không chỉ dạy con thành công, mà anh còn dạy cho tôi bài học làm mẹ làm vợ thật nhẹ nhàng ý nghĩa. Biết vậy nghe lời chồng sớm hơn. Cảm ơn chồng thật nhiều!
Tiểu Ngạn