Clip: Cụ bà bán trái cây mưu sinh giữa Sài Gòn
Hình dáng một cụ bà gầy nhỏ với cái lưng còng, đôi mắt mờ đục, đội trên đầu chiếc nón mê, chiếc khăn bịt kín mặt để che đi cái nóng rát của Sài Gòn đẩy một xe lớn chất đầy hoa quả dọc đường Nguyễn Sơn, Thoại Ngọc Hầu từ lâu đã chẳng còn xa lạ với người dân quận Tân Phú (TP.HCM).
"Ở quê mình không có đất vườn, khó sống lắm, lên đây sống dễ..." - Ngoại Út bùi ngùi nói về lý do rời bỏ quê hương để sống không nhà, không người thân giữa Sài Gòn vồn vã ở cái tuổi "cổ lai hy" này - "Buồn tủi chứ, người ta có cha mẹ anh chị em như vậy, mình không có chồng con gì chăm hết..."
Dù đã ngoài 80 nhưng ngoại Út vẫn ngày ngày mưu sinh bằng việc bán trái cây dạo ven đường. Toàn bộ số trái cây này đều do một ngôi chùa tại Vĩnh Long gửi lên cho ngoại làm vốn. Cứ khi nào bán hết số trái cây, ngoại Út lại được chia vài trăm ngàn đồng làm tiền chi tiêu hàng ngày. Số tiền tuy nhỏ nhưng cũng đủ để ngoại chắt bóp chi tiêu mỗi ngày.
Bất kể nắng mưa, ngoại vẫn cần mẫn chầm chậm đẩy chiếc xe lớn gấp nhiều người mình. Ai đến ngoại cũng chỉ cười rồi để khách tự nhặt đồ và thậm chí là tự tính tiền. Cũng có lúc gặp người không thật thà, lén lấy trái cây, bùng tiền hay bỏ đi mất nhưng ngoại cũng đều không để trong lòng. Bởi cuộc đời vẫn cho ngoại gặp những người thật thà, thương ngoại rất nhiều.
Xe trái cây của Ngoại...
Theo lời ngoại, nhờ tình thương của người dân nơi đây mà ngoại có thể sống bao năm qua.
"Ngoại sống nhờ dân trong phố này, người ta thương ngoại lắm. Thấy ngoại tội nghiệp nên người ta hay ghé mua đồ, dăm ba ngàn cũng cho mình, đó là tình thương của người ta. Nhưng cho dăm ba chục thì ngoại lấy chứ nhiều thì không lấy. Ai cũng phải làm cực khổ lắm mới có được đồng tiền, ngoại biết chứ"
Nói về bà cụ, anh Phan Văn Đại (Tân Phú) - người dân nơi đây cũng cho hay, "Bà cụ ít nhận tiền lắm, ai mua trái cây là bà ấy mừng chứ còn ít lấy tiền người ta. Thấy bà cụ vậy mọi người cũng hay giúp đỡ lắm, đẩy xe lúc chân đau rồi này kia."
Những sự giúp đỡ, dù giản đơn nhưng cũng khiến tuổi già của ngoại bớt phần nào hiu quạnh. Giơ vạt áo cười hiền hậu, ngoại vui vẻ kể là thành phẩm ngoại tự may lại từ vải được cho. Đây cũng là niềm vui của ngoại Út tuổi xế chiều:
"Người ta cho vải ngoại may để mặc này, nhiều lắm. Ở không buồn, may hoài vậy đó."
Sài Gòn vẫn vội vã, xô bồ người xe qua lại như vậy, nhưng cũng vẫn dịu dàng ấp ôm, để những mảnh đời còn nhiều khốn khó một chốn để nương tựa, để tìm về.