
Trong một bước tiến công nghệ đáng chú ý, một nhóm nhà khoa học vừa trình diễn thành công hệ thống hiển thị hologram 3D đầu tiên trên thế giới cho phép người dùng chạm và tương tác trực tiếp bằng tay - không cần kính chuyên dụng, không cần thiết bị hỗ trợ haptic phức tạp.
Theo báo cáo từ New Atlas, hầu hết các hệ thống hologram hiện nay được tạo ra bằng kỹ thuật gọi là swept volumetric display, trong đó hình ảnh được chiếu liên tục ở các độ cao khác nhau lên một bề mặt dao động cứng (gọi là diffuser) với tốc độ lên tới 3.000 lần mỗi giây. Kết quả là hình ảnh có thể "lơ lửng" trong không gian mà không cần kính 3D. Tuy nhiên, điểm yếu nằm ở chính bề mặt dao động này: ngay khi người dùng chạm vào, hiệu ứng thị giác sẽ sụp đổ, thậm chí có thể gây nguy hiểm vật lý do tốc độ dao động cực cao.

Để giải quyết vấn đề đó, nhóm nghiên cứu do TS. Elodie Bouzbib từ Đại học Công lập Navarra (Tây Ban Nha) dẫn đầu đã thay thế mặt khuếch tán cứng bằng một lớp chất liệu đàn hồi có khả năng co giãn. Vật liệu mềm này không chỉ an toàn khi tiếp xúc mà còn chính là điểm mấu chốt để cho phép người dùng thực sự chạm vào hình ảnh 3D.
Kết quả là một hệ thống có thể phản hồi các cử chỉ quen thuộc như chụm hai ngón, xoay, kéo - tương tự khi thao tác trên màn hình điện thoại cảm ứng 2D, nhưng nay là với ảnh nổi 3D trong không gian. Hệ thống xử lý hình ảnh phía sau sẽ tự điều chỉnh để hình ảnh vẫn chính xác khi bị tương tác trực tiếp.
Trong quá trình thử nghiệm, đa số 18 người tham gia đánh giá rằng việc dùng tay chạm trực tiếp “tự nhiên và chính xác” hơn nhiều so với dùng chuột 3D – một công cụ thường được dùng để tương tác với ảnh nổi hiện nay.
Dù công nghệ vẫn đang trong giai đoạn đầu và cần được hoàn thiện thêm, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng tiềm năng ứng dụng là rất lớn - đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, bảo tàng, trưng bày hoặc bất kỳ không gian nào muốn hiển thị thông tin 3D một cách sinh động và trực quan.
Được biết, nghiên cứu đã được đăng tải trên nền tảng học thuật HAL. Nhóm nghiên cứu cũng chuẩn bị trình bày công nghệ này tại Hội nghị CHI 2025 diễn ra cuối tháng này tại Nhật Bản.
Anh Việt