Dạy con học chưa bao giờ là... nhiệm vụ dễ dàng cả. Bởi để có thể kèm con học mỗi tối, phụ huynh cần đầu tư nhiều thời gian và công sức cho con. Thậm chí, nhiều người còn nhận xét dạy con học là công việc khá áp lực, mệt mỏi. Kiến thức tiểu học đúng là dễ thật, nhưng đôi khi vẫn khiến phụ huynh... tranh cãi toàn vì những lý do khó hiểu.
Một người mẹ trẻ tại Trung Quốc mới đây đã chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội và nhận được sự quan tâm của nhiều người. Theo đó, người mẹ này chia sẻ rằng có 1 câu bài tập dễ ợt, nhưng con lại làm sai. Đáng nói, câu hỏi này cả lớp đều có điểm, duy con của vị này là ngoại lệ.
Cụ thể, bài yêu cầu đặt phép tính với dữ kiện cùng hình ảnh: "Trên bờ có 6 con vịt, hỏi tổng cộng có bao nhiêu con vịt?".
Với bài toán này, con trai đưa ra đáp số là "6 + 2 = 8", nhưng lại bị giáo viên gạch đi. Sau khi kiểm tra bài tập về nhà của con, phụ huynh đã tình cờ phát hiện ra lỗi sai này. Lúc đầu, người mẹ cũng không khỏi thắc mắc tại sao phép tính đơn giản như vậy lại bị cô giáo gạch sai, nhưng sau khi xem xét kỹ lưỡng, phụ huynh đã phát hiện ra cái con đang thiếu sót.
Thay vì chỉ ra luôn con sai ở đâu, người mẹ này trước tiên hỏi con lý do tại sao lại đặt phép tính là "6 + 2 = 8".
Con trai giải thích, trên bờ có 6 con vịt (theo dữ kiện đề bài), dưới sông có 2 con vịt. Vậy nên, đáp án đúng phải là "6 + 2 = 8".
Người mẹ từ tốn: "Đáp án đúng phải là '6 + 1 = 7', con biết lý do tại sao không?".
Cậu bé vẫn không phục và cãi: "Con nghĩ không thể là 7 được, rõ ràng có 2 con vịt dưới sông cơ mà?".
Thấy vậy, người mẹ giải thích, đúng là ở dưới sông có 2 con vật nhưng chúng không phải đều là vịt, mà là 1 con vịt và 1 con ngỗng. Con ngỗng có kích thước to hơn các con còn lại, mà đề bài yêu cầu tính số vịt, nên đáp án đúng phải là "6 + 1 = 7".
Liên quan đến bài toán này, nhiều phụ huynh tỏ ra không quá hài lòng vì cho rằng ra đề kiểu như vậy chẳng khác nào đánh đố học sinh khi vừa yêu cầu các con phải vừa làm toán vừa phải đọc hiểu, suy luận kỹ càng. Nhiều học sinh khi làm toán, đặc biệt là các bài toán cấp 1, các con sẽ bắt tay vào tính toán luôn mà không xem xét kỹ đến các "bẫy" được đặt để trong bài.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cách đặt đề bài mới mẻ như thế này thực chất có thể giúp học sinh rèn luyện tư duy sáng tạo và khả năng quan sát. Hơn nữa, những kiến thức thường thức như phân biệt vịt hay ngỗng đều rất đơn giản mà lại phù hợp với lứa tuổi tiểu học, giúp các em vừa học toán vừa biết thêm kiến thức về thế giới.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về bài toàn này?
Đông