Quản trị công ty (QTCT) được xem là một thước đo năng lực cạnh tranh, là nền tảng tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp khi thực thi chiến lược Phát triển Bền vững. Việc nâng cao mặt bằng QTCT của từng doanh nghiệp và của Thị trường Chứng khoán Việt Nam trong khu vực cũng đang được các doanh nghiệp ưu tiên đưa vào chiến lược phát triển trong 2025 và những năm tới.
Nhằm thúc đẩy thị trường tài chính và chứng khoán Việt Nam trở nên minh bạch và hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng được nâng hạng vào năm 2025, Diễn đàn Thường niên về Quản trị Công ty lần thứ 7 (AF7) với chủ đề “Đầu tư vào Quản trị Công ty Chiến lược thu hút Nhà đầu tư có trách nhiệm trong xu thế Quốc tế hoá thị trường” sẽ được tổ chức vào ngày 05/12/2024 tại TP. Hồ Chí Minh.
Đây là sự kiện về Quản trị Công ty (QTCT) tích hợp với ESG và Phát triển Bền vững được VIOD tổ chức với sự đồng hành của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Cục Kinh tế
Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cùng hỗ trợ chuyên môn của hai Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Hà Nội (HNX).
ESG kết hợp với văn hóa quản trị công ty mới tạo được sự phát triển bền vững
Năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng QTCT tại Việt Nam. Khi các yêu cầu về QTCT ngày càng gia tăng, việc đầu tư vào quản trị hiệu quả gắn với ESG không chỉ là lựa chọn mà đã trở thành nhu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết và các công ty đại chúng.
Trong xu thế thị trường được quốc tế hóa, các quỹ đầu tư quốc tế và các nhà đầu tư cá nhân là người nước ngoài đang tập trung và dịch chuyển các khoản đầu tư bền vững vào những doanh nghiệp cam kết thực thi QTCT tốt và minh bạch, QTCT được đánh giá là một kênh rất quan trọng để dẫn vốn vào thị trường, vào doanh nghiệp.
QTCT (yếu tố G) gắn với ESG giờ đây đã trở thành một thước đo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong việc tạo niềm tin đối với thị trường, các nhà cung cấp, và là công cụ đo lường hành động và cam kết của doanh nghiệp đối với tạo tác động tới môi trường (yếu tố E) và xã hội (yếu tố S). Đó cũng là nền tảng tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp khi thực thi chiến lược Phát triển Bền vững.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) nhấn mạnh, việc đầu tư vào quản trị công ty có vai trò quan trọng và tích cực đến các doanh nghiệp. Đặc biệt, khi ESG kết hợp với văn hóa quản trị công ty sẽ tạo được sự phát triển bền vững.
Bà Hà Thu Thanh cho biết, việc đầu tư vào quản trị sẽ tăng cường năng lực cạnh tranh mềm của doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh mềm là hệ thống quản trị công ty, nơi tính minh bạch được rõ ràng, quản trị rủi ro được gọi tên. Đồng thời, lợi ích toàn diện của doanh nghiệp được tăng lên nhiều và vượt lên sự tuân thủ. Trong quản trị công ty, tuân thủ là tất cả các quy trình, làm đúng, làm đủ, nhưng vượt lên trên sự tuân thủ là làm tốt hơn, làm thật hay.
Không chỉ các doanh nghiệp mà các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý, đối tác, khách hàng, các tổ chức xếp hạng, cộng đồng xã hội và người lao động cũng quan tâm tới quản trị công ty.
“Đầu tư vào quản trị công ty là một chiến lược đầu tư vô cùng thông minh, thu hút các nhà đầu tư có trách nhiệm, bên liên quan có trách nhiệm. Nếu doanh nghiệp tham gia quỹ giá trị toàn cầu khi xuất khẩu, nhập khẩu, chuỗi cung ứng toàn cầu, đầu tư vào quản trị công ty không còn là một lựa chọn, mà chắc chắn là một hành động”, Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) chia sẻ.
Công bố sáng kiến VNCG50 - Bộ tiêu chí đánh giá thực hành QTCT dành cho các doanh nghiệp niêm yết
Theo ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), về quản trị công ty, ở cấp khu vực, Việt Nam đang tham gia 7 kỳ đánh giá chương trình thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN (ACGS). Việt Nam liên tiếp giữ thứ hạng thấp trong cả 7 kỳ đánh giá và điểm quản trị công ty bình quân luôn dưới mức trung bình. Năm 2024, Việt Nam chỉ có 69 doanh nghiệp được lựa chọn do yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh và chất lượng báo cáo.
Trước bối cảnh này, yêu cầu nâng cao chất lượng và mặt bằng QTCT cho Việt Nam cần được thực sự coi trọng như một mục tiêu chiến lược quan trọng và cần được ưu tiên hàng đầu.
Tại diễn đàn lần này, VIOD cũng lần đầu tiên công bố sáng kiến VNCG50. Là đối tác chuyên môn có kinh nghiệm tham gia đánh giá QTCT cho cả VLCA và ACGS trong nhiều năm, VIOD đã đưa ra sáng kiến xây dựng bộ chỉ số VNCG50 và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) ủng hộ.
VNCG50 là bộ thẻ điểm được xây dựng dựa trên các chỉ số đánh giá của ACGS theo các thông lệ tốt, đồng thời dựa trên thực tiễn về QTCT tại Việt Nam. VNCG50 được đánh giá bởi Hội đồng do VNX chủ trì, gồm các thành viên là các chuyên gia đến từ các Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đại diện quỹ, công ty chứng khoán và chuyên gia độc lập.
Theo ông Phan Lê Thành Long, đây là bộ tiêu chí đánh giá thực hành QTCT dành cho các doanh nghiệp niêm yết, chủ yếu dựa trên các thông lệ tốt trong khu vực, từ đó giúp đề cử 50 doanh nghiệp Việt Nam tiên phong và cam kết đảm bảo các thực hành QTCT theo thông lệ tốt.
Thẻ điểm VNCG50 nhằm mục tiêu giúp doanh nghiệp niêm yết Việt Nam cải thiện thực hành QTCT theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, thu hẹp khoảng cách thực hành quản trị công ty của Việt Nam với khu vực Đông Nam Á, nâng điểm ACGS lên mức trung bình. Từ đó nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, tăng tính minh bạch và thu hút nhà đầu tư.
Minh Nguyệt