Cách đây một thời gian, một người đã chia sẻ câu chuyện về việc từ bỏ công việc ổn định để khởi nghiệp của mình. Sau khi tốt nghiệp, anh vào làm tại doanh nghiệp lớn với mức lương cao nhất từng đạt được là hơn 20.000 NDT (khoảng 70 triệu đồng) mỗi tháng.
Tuy nhiên, không hài lòng với cuộc sống thiếu sự đột phá, anh quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp. Nhưng khởi nghiệp đâu dễ dàng như anh tưởng, sau nhiều lần thử nghiệm đều thất bại, cuối cùng, anh không còn lựa chọn nào khác, buộc phải đi giao đồ ăn.
Khi kể về trải nghiệm từ bỏ công việc để khởi nghiệp một cách mù quáng, ánh mắt anh không giấu được sự thất vọng và hối hận.
Đối với phần lớn những người bình thường, chúng ta không có đủ năng lực và may mắn để liều lĩnh chấp nhận rủi ro. Vì vậy mọi người nên tránh việc mạo hiểm không cần thiết và trân trọng công việc hiện tại của mình.
Hãy chăm chỉ làm việc, dù có vất vả hay chịu một chút thiệt thòi, vẫn tốt hơn là phải đối mặt với khó khăn tài chính và cảm giác bất an của thất nghiệp.
Sự tôn trọng
Một nữ diễn viên từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng cô rất trân trọng công việc của mình ở phim trường: “Dù công việc lương không cao nhưng tôi vẫn rất trân trọng, không muốn từ bỏ chiếc ‘bát cơm sắt’ này”.
Với vị trí hiện tại, dù nữa diễn viên hoàn toàn không cần lo lắng về việc ăn mặc hay chi tiêu, nhưng cô vẫn giữ thái độ trân quý đối với công việc.
Chúng ta nên học cách tôn trọng công việc mình đang làm. Làm việc chăm chỉ và có thu nhập ổn định hàng tháng sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái và có cảm giác an toàn.
1. Tôn trọng công việc
Trước đó, trên MXH có một bài viết gây xôn xao trong thời gian dài. Một người làm việc tại một công ty lớn vì không chịu được áp lực công việc nên đã quyết định xin nghỉ việc mà không có sự chuẩn bị gì.
Sau khi nghỉ việc, anh liên tục gửi đi nhiều bản CV nhưng không nhận được hồi âm nào.
1 tháng thất nghiệp trôi qua, cuối cùng anh hối hận: "Tại sao tôi lại từ bỏ công việc ổn định để rồi rơi vào tình trạng thất nghiệp?".
Anh dùng chính trải nghiệm của mình để khuyên mọi người đừng vội vàng từ bỏ công việc.
Trong cuộc sống, có rất nhiều người như vậy, họ không trân trọng một công việc ổn định, để rồi tuyệt vọng khi thất nghiệp. Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên nghiêm túc với công việc của mình. Vì đối với những người bình thường như bạn và tôi, gia đình cần chúng ta và chúng ta cần công việc để nuôi sống gia đình.
2. Tôn trọng công ty
Khi George mới gia nhập Texas Instruments, trong khi người khác đi làm với tâm trạng uể oải như đến nơi chịu khổ thì ông lại luôn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết.
Nhiều người không hiểu tại sao. George giải thích: “Rất đơn giản, sự nghiệp của tôi và sự nghiệp của công ty gắn liền chặt chẽ với nhau”.
Theo quan điểm của anh, sự phát triển và trưởng thành của bản thân không thể tách rời nền tảng của công ty. Thực tế đúng như vậy, anh liên tục được bầu là “nhân viên ngôi sao” của công ty trong 5 năm liền và cuối cùng được thăng chức.
Tôn trọng công ty, tổ chức thực chất là tôn trọng chính mình. Mối quan hệ giữa bạn và công ty cũng giống như những đồng đội cùng chiến đấu, sát cánh với nhau.
Những năm cùng đồng hành với công ty, bạn chịu áp lực và đạt thành tích, bạn mới có thể giữ được công việc của mình.
3. Tôn trọng sếp của bạn.
Có người nói: “Mấy năm gần đây, sếp nhỏ thì lo lắng, sếp cấp trung thì cố gắng gồng gánh, còn sếp lớn thì mất ngủ với áp lực”. Câu nói này có thể hơi phóng đại, nhưng không thể phủ nhận rằng những năm gần đây, các sếp thực sự gặp khó khăn và áp lực tinh thần họ chịu đựng là điều không tưởng.
Bạn có thể không biết rằng, khi bạn đang lướt mạng, chểnh mảng công việc thì sếp của bạn đang bận rộn khắp nơi tìm kiếm khách hàng;
Bạn có thể không biết rằng, khi bạn chờ mong ngày lĩnh lương thì sếp của bạn đang ký một tờ giấy vay tiền;
Bạn có thể không biết rằng, khi bạn lo lắng về những vấn đề cá nhân của mìn thì sếp cũng đang đau đầu vì tiền thuê văn phòng, tiền điện nước và lương nhân viên…
Trong thời điểm khó khăn này, nếu sếp của bạn vẫn chịu áp lực để không sa thải nhân viên hay không giảm lương, bạn nên cảm ơn sếp.
Chính họ đã giúp bạn có một công việc ổn định.
Thay đổi
Inamori Kazuo từng nói: “Thái độ của một người đối với công việc sẽ quyết định hướng đi trong cuộc đời của người đó”. Đặc biệt trong cuộc sống luôn thay đổi, không nên cho phép bản thân lười biếng hay buông thả.
Nếu bạn cho rằng mình đã có một công việc, rồi suốt ngày làm qua loa, làm việc đối phó thì sớm muộn bạn cũng sẽ bị đào thải.
Tôn trọng công việc cần bắt đầu từ việc thay đổi thái độ làm việc.
1. Không lười biếng
Thầy hiệu trưởng của một Học viện quản lý từng đưa ra một quan điểm: Vận hành một công ty giống như chia bánh.Khi công ty có lợi nhuận, bánh lớn thì việc có thêm một người chia bánh không thành vấn đề. Nhưng khi bánh không đủ để chia, những nhân viên lười nhác, vô kỷ luật sẽ bị sa thải.
Nếu bạn đang có một công việc ổn định, hãy trân trọng nó và nỗ lực để đảm bảo bạn vẫn có phần bánh của mình.
Không có công ty nào trọng dụng những người không làm gì và những người làm việc đối phó sẽ sớm bị đuổi việc.
Từ bây giờ, hãy làm việc một cách tận tâm, không qua loa, không lười biếng, hãy cố gắng làm tốt nhất, chuyên sâu nhất những việc bạn đảm nhận.
Hãy là một người đáng tin cậy, làm việc có trách nhiệm và khiến sếp yên tâm. Chỉ khi bạn chứng minh được giá trị của mình, bạn mới có thể nắm bắt những cơ hội tốt.
2. Đừng phàn nàn
Một kênh truyền thông nổi tiếng từng chia sẻ câu chuyện của một nữ độc giả. Cô làm copywriter trong một công ty, công việc rất căng thẳng và cô thường xuyên thức khuya, làm thêm giờ.
Một lần, sau khi cô vất vả sửa đi sửa lại một bài viết hơn chục lần, đồng nghiệp lại lén lấy bài của cô để sử dụng và nhận hết công lao về mình. Khi phàn nàn với sếp, cô bị chỉ trích là nhỏ mọn.
Dù trong lòng rất ấm ức, cô không nói một lời than phiền, hôm sau vẫn đi làm như bình thường, cô vẫn mỉm cười đối diện với đồng nghiệp mình không thích.
Bạn bè thương cô bất bình thay, nhưng cô lại rất tỉnh táo và nói: “Hiện tại thị trường khó tìm việc, nếu chuyển việc, tôi có thể không nhận được mức lương như bây giờ. Nếu không tìm được công việc phù hợp, hậu quả thật khó lường”.
Mỗi công việc đều ẩn chứa những áp lực. Dù bạn phàn nàn nhiều đến đâu thì việc quan trọng nhất lúc này vẫn là hoàn thành tốt công việc hiện tại.
Nếu bạn vẫn có một công việc, vẫn có thu nhập ổn định, vẫn trả được tiền nhà, tiền xe, vẫn lo được việc học cho con cái thì hãy ngừng than phiền và trân trọng điều đó.
Hãy biến những cảm xúc bất mãn thành hành động, động lực để phát triển bản thân.
3. Không yếu đuối
Trong công việc, chúng ta không nên quá mong manh, “dễ vỡ”, đừng để một câu nói phê bình của sếp hay nhận xét của đồng nghiệp làm bản thân cảm thấy tổn thương, "vỡ vụn" tinh thần.
Hãy để bản thân mình trở nên mạnh mẽ hơn, từ bỏ sự phù phiếm và lòng tự ái, đừng để những việc nhỏ tác động lớn đến cảm xúc của bạn.
Dù làm việc ở đâu, hãy luôn giữ cho mình một tinh thần mạnh mẽ, tập trung hoàn thành công việc. Đó mới là sự khôn ngoan lớn nhất.
Những năm gần đây, hãy trân trọng công việc của mình. Đừng chỉ biết phàn nàn mà không thay đổi, luôn chê bai nhưng lại không muốn rời đi, chiếm chỗ mà không muốn làm việc.
Theo Toutiao
Minh Nguyệt