Bài chia sẻ của một tác giả về buổi họp lớp sau khi được đăng tải trên Toutiao (MXH Trung Quốc) đã thu hút nhiều sự chú ý.
***
Mang theo mong đợi về dịp gặp lại các bạn cũ, cuối tuần trước, tôi đã tham gia buổi họp mặt bạn học cấp 2. Đây là dịp kỷ niệm 25 năm tốt nghiệp của chúng tôi. Trước đó 1 tháng, lớp trưởng đã bắt đầu bàn về chuyện họp lớp này trong nhóm bạn học, thông báo về buổi họp mặt và kéo theo các bạn cán bộ lớp để lập nhóm chuẩn bị. Cách làm của anh ấy không khác so với hồi đi học.
Đây cũng không phải là lần đầu tôi tham gia họp lớp. Lần đầu tiên tôi đi họp lớp là vào năm thứ 5 sau khi tốt nghiệp. Dù chỉ là một bữa cơm tối tại nhà một người bạn, nhưng đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp. Mỗi người góp một chút tiền mua gà, vịt và rau. Lớp trưởng còn đặc biệt mang đến một chai rượu ngon. Lúc đó, công việc, cuộc sống của mọi người vẫn có nhiều sự tương đồng với nhau.
Trước khi buổi họp lớp lần này diễn ra, tôi có chút mong đợi và lo lắng. Tôi đã cắt tóc và là phẳng chiếc áo sơ mi mà mình ít khi mặc để khoác lên người. Dù có tiền hay không, tạo ấn tượng tốt với mọi người cũng là biểu hiện của thái độ nghiêm túc.
Khi đến địa điểm họp lớp, tôi mới biết mỗi người phải đóng 600 NDT (khoảng 2,1 triệu đồng). Hoạt động không chỉ có ăn uống mà còn có nửa ngày đi du lịch.
Trong buổi họp lớp, mọi người bắt đầu trò chuyện và bàn luận. Có bạn học than vãn: “Làm chủ cũng không dễ, chẳng biết ngày nào sập tiệm mà thành kẻ nghèo”. Còn lớp trưởng nói: “Đừng nói những chuyện này nữa, nhìn lớp phó của chúng ta, A Trân, cô ấy lấy được chồng đại gia”.
Rồi nhiều câu chuyện ít ai biết đến lại được kể ra như những “mẩu chuyện hài”. Nhìn có vẻ như một buổi họp lớp diễn ra rất trọn vẹn, nhưng lại khiến tôi có cảm xúc lẫn lộn, ngổn ngang.
Sau buổi họp lớp, tôi đã quyết định không liên lạc với 2 kiểu bạn học sau đây.
Sau khi tham gia buổi họp lớp, tôi chọn lọc lại danh sách bạn bè trên MXH. Tôi cũng âm thầm tắt thông báo từ nhóm bạn học, sau này, việc có xem các tin nhắn của họ hay không cũng không còn quan trọng. Việc không còn liên hệ nữa khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Đầu tiên, tôi xóa liên lạc với những người bạn thường xu nịnh bạn học giàu có và có hành động không tôn trọng bạn học khó khăn. Hồi còn đi học, chúng tôi đều đứng trên cùng một vạch xuất phát, cùng nhau nỗ lực để thi vào một trường đại học tốt. Dù điều kiện gia đình có khác nhau, nhưng chúng tôi cũng không quá quan trọng điều kiện vật chất.
Sau nhiều năm tốt nghiệp, bạn bè mỗi người ở một tầng lớp riêng, điều đó cũng không có gì lạ. Nhưng nhiều bạn lại thiếu tôn trọng bạn học khó khăn, trong khi lại ra sức nịnh bợ bạn học giàu thì quả thật là khó hiểu.
Những người bạn học không tôn trọng tôi, tôi sẽ xóa liên lạc với họ. Dù họ có thành đạt, giàu có đến đâu, cũng không liên quan đến tôi. Tôi đoán rằng, ngay cả khi tôi nhờ họ giúp đỡ, cũng chỉ nhận lại sự lạnh nhạt mà thôi.
Thứ hai, là những bạn học thích khoe khoang giàu có. Trong buổi họp lớp lần này, nhiều bạn học cũ đã tận dụng dịp này để để khoe khoang về tiền bạc và địa vị, còn cố ý khoe trong nhóm bạn học mà không để ý đến cảm nhận của mọi người. Thậm chí, có những bạn học lại cố tỏ ra giàu có.
Sau trải nghiệm đi họp lớp sau 25 năm, tôi cuối cùng cũng hiểu rằng, khi tuổi tác ngày càng lớn, tôi càng có ít bạn thân hơn.
Tôi nghĩ, một buổi họp lớp vui vẻ đúng nghĩa nên là như thế này: Các bạn học cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp trong quá khứ, cùng giúp đỡ những bạn học khó khăn, cùng nhau ăn một bữa cơm để hàn huyên trò chuyện.
Buổi họp lớp lại không diễn ra ý nghĩa, vui vẻ như cách mà tôi mong muốn. Sau buổi họp lớp lần này, tôi cũng đã quyết định sẽ không tham gia những buổi họp lớp một lần nào nữa.
Theo Toutiao
Minh Nguyệt