Khu bảo tồn thiên nhiên Khương Đường (thuộc cao nguyên Khương Đường, Tây Tạng, Trung Quốc) là khu bảo tồn thiên nhiên nằm ở “vùng đất không người” lớn nhất của Trung Quốc. Khương Đường trong tiếng Tây Tạng có nghĩa "vùng hoang dã phía Bắc".
Với tổng diện tích 298.000 km2, Khương Đường là khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Trung Quốc, khu bảo tồn thiên nhiên có độ cao trung bình cao nhất và cũng là khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn lớn thứ hai thế giới chỉ sau Vườn quốc gia Greenland.
Ở độ cao trung bình 5.000 mét, không khí nơi đây vô cùng khắc nghiệt với lượng oxy chỉ bằng 40% so với đồng bằng, không khí loãng, nhiệt độ trung bình năm luôn dưới 0 độ và lượng mưa chỉ có 150mm/năm.
Riêng những đặc điểm môi trường này cũng khiến vùng đất xinh đẹp trở thành nơi con người không thể sinh sống. Không chỉ là sự bất tiện trong sinh hoạt, mắc chứng chứng say độ cao mà việc sống ở nơi đây còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ của con người.
Cùng với đó, hệ sinh thái sa mạc cao nguyên là môi trường lý tưởng cho nhiều loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng sinh sống. Khu bảo tồn thiên nhiên Khương Đường được mệnh danh là “thiên đường của động vật hoang dã” với 10 loài động vật hoang dã được bảo vệ cấp 1 quốc gia và 21 loài động vật hoang dã được bảo vệ cấp 2 quốc gia.
Vào tháng 11 năm 2017, Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Khương Đường đã ban hành việc cấm tất cả các đơn vị hoặc cá nhân tự ý vào khu bảo tồn. Chính vì vậy, việc con người xâm nhập vào khu vực bảo tồn thiên nhiên này là bất hợp pháp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Dù thời tiết khắc nghiệt nhưng khu vực cao nguyên Khương Đường vẫn có một số ngôi làng của dân du mục nằm rải rác các vùng ven. Tuy nhiên, việc di chuyển khó khăn cũng như chính sách di dân ở vùng có độ cao lớn của Tây Tạng khiến số dân khu vực này cũng ngày càng hạn chế.
Nguồn: Baidu, xiaohongshu, thepaper
Phạm Trang