Điện thoại di động gây ung thư não, sự thật thế nào?

Thứ tư, 14/08/2024 - 20:24

Điện thoại đã trở thành món đồ bất ly thân của nhiều người. Nhiều chuyên gia cũng đã nghiên cứu tác hại của món đồ công nghệ này với sức khỏe. Trong đó, một số nghiên cứu chỉ ra điện thoại có thể gây ung thư.

Điện thoại di động (smartphone) đã trở thành vật dụng thiết yếu đối với nhiều người trong việc duy trì sự liên lạc, là phương tiện làm việc, giải trí. Do đó, với một số người, điện thoại di động gần như là vật bất ly thân, thậm chí cả trong lúc ngủ. Bên cạnh những tiện ích phục vụ nhu cầu của con người thì vấn đề điện thoại di động ảnh hưởng tới sức khỏe từ trước đến nay vẫn luôn là vấn đề nhiều người quan tâm.

Thêm bằng chứng về nguy cơ gây ung thư từ điện thoại di động

Nghiên cứu có tên “Cơ chế oxy hóa các hoạt động sinh học do sóng tần có cường độ bức xạ thấp” được đăng tên tạp chí Electromagnetic Biology&Medicine đã đưa ra những số liệu về ảnh hưởng của sóng tần bức xạ thấp (RFR) tới các tế bào sống.

Theo tiến sỹ Igor Yakymenko, đồng tác giả nghiên cứu, sự mất cân bằng trao đổi chất, hay còn gọi là căng thẳng oxy hóa do việc tiếp xúc thường xuyên với sóng RFR có thể gây bệnh ung thư và nhiều loại bệnh khác.

“Kết quả nghiên cứu là lời cảnh báo rõ ràng về những nguy cơ thực sự của loại sóng bức xạ này với sức khỏe con người,” tiến sỹ Yakymenko khẳng định.

Điện thoại di động gây ung thư não, sự thật thế nào?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ông nói rằng việc dùng điện thoại di động 20 phút mỗi ngày trong vòng 5 năm có thể làm tăng nguy cơ u não lên 3 lần. Nếu dùng điện thoại di động mỗi ngày một tiếng đồng hồ trong vòng 4 năm, nguy cơ mắc ung thư tăng lên từ 3-5 lần.

“Các số liệu của nghiên cứu được rút ra từ những người lớn đã dùng điện thoại tối đa suốt 10 năm khi đã trưởng thành. Kết quả có thể rất khác khi xét với những trẻ em đã bắt đầu dùng điện thoại di động từ khi còn nhỏ, khi cơ thể nhạy cảm hơn rất nhiều với các tác nhận gây hại.” Ông nói thêm. 

Mối liên hệ giữa việc dùng điện thoại di động và bệnh ung thư đã tăng lên trong những năm qua, nhất là khi điện thoại di động ngày càng trở nên phổ biến. Theo Hiệp hội Viễn thông và Internet Hoa Kỳ, ở Mỹ, số người dùng điện thoại di động đã tăng gấp 3 trong khoảng thời gian năm 2000-2010. Năm 2011, Cục Nghiên cứu ung thư Quốc tế thuộc Tổ chức Y tế Thế giới đã cho rằng việc dùng điện thoại di động “có khả năng gây ung thư,” sau khi xem xét các bằng chứng khoa học về chủ đề này.

Điện thoại di động gây ung thư não, sự thật thế nào?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Điện thoại di động được giải oan gây ung thư não

Tuy nhiên, sau khi đọc báo cáo của IARC, Trung tâm nghiên cứu Ung thư của Anh đã chỉ ra rằng nghiên cứu vẫn còn những điểm chưa thuyết phục: “Không có khả năng là dùng diện thoại di động sẽ gây u não, nhất là khi chưa đưa ra được giải thích về mặt sinh học.” Dù vậy, trung tâm này cũng nói rằng vẫn chưa đủ bằng chứng để khẳng định chắc chắn sóng điện từ không hề gây ảnh hưởng gì đến con người.

Còn các nhà khoa học Australia sau 30 năm nghiên cứu kết luận không có mối liên hệ giữa điện thoại di động và nguy cơ ung thư não. Nghiên cứu này đã được đăng tải trên tạp chí Cancer Epidemiology.

Điện thoại di động gây ung thư não, sự thật thế nào?- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Kết luận trên được đưa ra sau khi Đại học Sydney (Australia) hoàn thành nghiên cứu trên 19.858 đàn ông và 14.222 phụ nữ bị ung thư não từ năm 1982-2012, Business Standard đưa tin.

Theo đó, các nhà khoa học phát hiện tỷ lệ sử dụng điện thoại di động tại Australia tăng từ 9% năm 1993 lên 90% năm 2012. Từ năm 1982, lượng bệnh nhân u não trong độ tuổi 20-84 nhiều lên nhưng không đáng kể, chủ yếu tập trung ở nam giới từ 70 tuổi. Điện thoại di động chỉ được giới thiệu vào năm 1987 nên không thể dẫn đến sự gia tăng các trường hợp ung thư não. Cách giải thích hợp lý nhất là y học tiên tiến giúp chẩn đoán nhiều ca bệnh hơn.

Bên cạnh đó, nhóm tác giả so sánh tỷ lệ ung thư não thực tế với tỷ lệ ung thư não nếu điện thoại di động quả thật dẫn đến bệnh tật. Kết quả, con số ghi nhận chính thức chỉ là 1.435 trường hợp u não trong khi con số dự đoán là 1.866.

"Điện thoại di động sản xuất bức xạ phi ion hóa với năng lượng thấp, chỉ đủ để làm nóng các electron", tác giả Simon Chapman từ Đại học Sydney kết luận.

Không phải tất cả các loại bức xạ đều có hại

Tiến sỹ Howard Fine, Giám đốc Trung tâm Ung thư Não tại Trung tâm Y tế NewYork-Presbyterian Weill Cornell, giải thích “bức xạ” là thuật ngữ mô tả nhiều loại năng lượng, một vài trong số đó có thể gây nguy hiểm.

Bom nguyên tử hay máy chụp X-quang là hai ví dụ điển hình của thiết bị phát ra bức xạ ion hóa. Nếu sử dụng thường xuyên hay ở liều lượng cao, loại năng lượng này có thể tách các electron khỏi các nguyên tử trong cơ thể, phá hủy DNA hoặc gây ra ung thư cho con người.

Tiến sỹ Caffrey khẳng định năng lượng của điện thoại thông minh là loại bức xạ không ion hóa, không gây hại tới sức khỏe: “Rất nhiều người nghĩ rằng loại bức xạ nào cũng giống nhau, nhưng thực tế không phải vậy. Các nghiên cứu đã chứng minh các tia bức xạ phát ra từ điện thoại di động không gây tổn hại tới DNA.”

Điện thoại di động gây ung thư não, sự thật thế nào?- Ảnh 4.

Vào tháng 9/2023, cơ quan chức năng Pháp khi kết luận điện thoại iPhone 12 của Apple phát ra bức xạ điện từ cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Sau đó, Apple đã phải đưa ra biện pháp khắc phục bằng bản cập nhật phần mềm iOS mới. 

Tuy nhiên, dù tin điện thoại di động có thể gây ung thư não hay không thì người dùng vẫn cần phòng ngừa nguy cơ trước vấn đề này.

Kenttt