Tôi năm nay 40 tuổi. Khi mẹ tôi mất, tôi vẫn còn nhỏ, mới chỉ 7-8 tuổi, tôi biết và ghi nhớ được một số thứ nhưng vẫn không thể thay đổi được gì, để rồi dẫn đến những ký ức thật đau lòng mà đến giờ tôi vẫn không muốn nhớ lại.
Sau khi mẹ mất, tôi sống với ông bà nội. Lúc đó, bố tôi chạy khắp nơi kiếm sống nên chỉ có thể để tôi ở nhà cho ông bà chăm. Nhưng ông bà không thích tôi, chỉ thiên vị anh họ tôi. Mỗi khi có đồ ăn ngon, anh họ tôi đều được ăn trước, tôi chỉ có thể ăn đồ thừa lại, khi nào anh họ có chuyện gì cần giúp đỡ, anh ấy sẽ gọi tôi trước tiên. Suốt năm tháng ấu thơ, vì chơi với anh họ nhiều nên tôi được nuôi dạy không khác gì một cậu bé.
Lúc nào tôi cũng mong bố về, vì chỉ khi bố về, tôi mới cảm nhận được tình thương của một ông bố dành cho con. Ông sẽ mua quà, đồ ăn, nước ngọt cho tôi, tất cả những thứ đó tôi đều chưa nhìn thấy bao giờ. Bố còn cõng tôi đi chợ, mua cho tôi thật nhiều quần áo mới.
Tuy nhiên, niềm hạnh phúc ngắn ngủi đó đã bị tan vỡ bởi sự xuất hiện của hai người phụ nữ. Năm thứ ba sau khi mẹ tôi qua đời, bố tôi mang về hai người, một người là mẹ kế của tôi còn một người là con gái bà ấy.
Mẹ kế của tôi là một người phụ nữ vất vả. Đây là điều mà mãi đến khi lớn lên tôi mới biết. Nơi mẹ kế từng sống là một vùng quê rất nghèo. Vừa đến thời thiếu nữ thì bà đã bị gia đình ép gả cho một người đàn ông lớn tuổi. Mãi mấy năm sau, bà sinh được một cô con gái. Gia đình chồng cũ không ưa bà, thường xuyên ghẻ lạnh, có khi còn đánh mắng, mẹ kế phải gánh hết trách nhiệm lao động nặng lên vai. Cuối cùng, sau nhiều năm nỗ lực và đấu tranh, mẹ kế ly hôn. Bởi vì em gái còn nhỏ nên mẹ kế chỉ có thể đưa em đi làm cùng để kiếm sống. Cuộc sống của hai mẹ con khá bấp bênh, bữa đói bữa no.
Sau này, bà gặp bố tôi ở một công trường xây dựng. Bố tôi cũng thương hai mẹ con họ nên giúp đỡ rất nhiệt tình, hai người đã quen nhau và hiểu hoàn cảnh của nhau, từ từ đến với nhau. Điều đáng nói là họ đã ở bên nhau gần một năm trước khi được bố đưa về nhà giới thiệu.
Bố tôi rất thích mẹ kế, một mặt là do mẹ kế tính tình hiền lành và rất quan tâm đến công việc gia đình, giúp đỡ và bầu bạn với bố tôi rất nhiều. Mặt khác, mẹ kế rất giỏi chịu khổ, dù là công việc đồng áng hay lao động chân tay bên ngoài bà đều làm được, cộng thêm những gì bà đã từng trải qua khiến bố tôi càng thương hơn. Sau khi mẹ kế và em kế đến nhà chúng tôi, gia đình chúng tôi đã thay đổi rất nhiều.
Đầu tiên, bố tôi xây nhà với sự giúp đỡ của ông bà và các chú để chúng tôi có thể sống riêng. Sau đó, bố tôi ở lại làng, buổi sáng làm ruộng hoặc vào thành phố làm thuê. Ngày nào bố cũng trở về nhà chứ không bôn ba như ngày trước nữa.
Nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy bố tôi có thái độ khác giữa tôi và em kế.
Khi đối xử với tôi, bố hầu như vẫn giữ thái độ như trước. Nếu có đồ ăn ngon, ông sẽ gọi tôi ăn. Khi có tiền tiêu vặt trong túi, ông sẽ cho tôi một ít. Mọi thứ có vẻ vẫn thế, không thay đổi gì. Nhưng nếu đặt tôi và em kế lại với nhau, sự khác biệt liền hiện ra rất rõ ràng.
Em gái kế nhỏ hơn tôi 3 tuổi, là một cô bé khá dễ mến. Ngày nào bố tôi đi làm về, ông cũng gọi con bé đầu tiên:
"Lan ơi, Lan ơi! Đang làm gì đấy con? Sao không ra chào chú?".
"Lan đâu rồi, chú mua kẹo vị táo Lan thích đây, mau ra ăn đi nào!”.
Sau đó, em kế chạy đến chỗ bố tôi, bố bế cô bé lên và hỏi hôm nay con đã làm gì, có học hành chăm chỉ không và có ngoan ngoãn không? Tôi cực kỳ ghen tị. Bởi vì bố chưa bao giờ ôm tôi như thế khi tôi bằng tuổi em gái nên đương nhiên tôi cảm thấy không thoải mái. Đôi khi tôi cũng mong bố đi làm về sẽ gọi tôi ra, ôm tôi và hỏi thăm chuyện trong ngày. Nhưng hy vọng cuối cùng vẫn là hy vọng, và điều đó đã không bao giờ xảy ra. Thay vào đó, giống như hầu hết những người bình thường, khi bước vào và thấy tôi đang làm bài tập, bố tôi chỉ thản nhiên hỏi:
"Mai đang học à con?".
Tôi ậm ừ, rồi cũng trả lời cho xong. Nếu trong túi bố có thứ gì ăn được thì bố sẽ đưa cho tôi. Sau đó bố đi rửa tay rồi trò chuyện với mẹ kế, sự quan tâm dành cho tôi cứ thế mà qua.
Sau đó là đến bàn ăn, kể từ khi mẹ kế và em kế vào nhà, con bé luôn ngồi giữa bố tôi và mẹ kế trong bữa ăn, còn tôi thì luôn ngồi cạnh bố. Em kế sẽ được ăn miếng đầu tiên, sau đó mới đến lượt tôi. Nếu tôi tỏ thái độ, bố sẽ luôn nói:
“Con là chị cả, con phải học cách nhường nhịn em gái mình”.
Tôi không nói gì nữa và mọi chuyện vẫn cứ trôi đi như vậy.
Sau này, khi tốt nghiệp cấp 2, tôi vào trường nghề để học chứ không lên cấp 3. Vì sống nội trú ở trường nên tôi chỉ về vào cuối tuần. Họ càng ngày càng giống một gia đình hoàn hảo, còn tôi thì như người thừa ra. Mỗi lần về nhà, tôi luôn thấy họ nói chuyện cùng nhau rất sôi nổi. Mẹ kế đang nấu ăn, em gái đang làm bài tập, còn bố thì đang dọn dẹp, sửa chữa đồ đạc ở nhà. Ngay cả khi xem TV, ba người cùng xem một bộ phim truyền hình, trò chuyện về các nhân vật trong phim và nội dung của bộ phim đó. Tôi chưa xem nên đương nhiên là tôi không có đề tài chung nào để nói với họ.
Ngoài ra, tôi cũng thấy em kế của mình có rất nhiều quần áo mới, nhiều hơn so với khi tôi bằng tuổi em ấy. Cứ như vậy, tôi cảm thấy rất thất vọng với gia đình này và rất oán giận cha tôi. Rõ ràng tôi là con gái ruột của ông ấy, nhưng tôi lại cảm thấy em kế của tôi mới là con gái ruột thực sự của bố.
Sau này, tôi trở nên ít nói và thậm chí còn nhốt mình trong phòng khi về đến nhà. Họ tưởng tôi đang ở tuổi dậy thì bất ổn, nhưng không ai nghĩ họ chính là lý do khiến tôi trở nên như vậy.
Sau khi tốt nghiệp trường kỹ thuật, tôi rời nhà và chọn làm việc ở trong thành phố. Họ không ngăn cản tôi, tôi cũng chỉ về nhà vào mấy dịp lễ, về vài hôm rồi lại đi. Bố tôi ngoài việc hỏi tôi có đủ tiền tiêu không thì cũng không hỏi han gì thêm.
Về phần em kế của tôi, con bé học giỏi hơn tôi rất nhiều. Nó đã đỗ vào cấp 3 và đỗ cả đại học, khiến cho bố mẹ vô cùng tự hào. Để mừng em kế vào đại học, bố tôi đã tổ chức tiệc linh đình tại nhà, mời tất cả họ hàng, bạn bè và nói với mọi người:
“Con gái tôi đấy, tương lai xán lạn phải biết!”.
Vâng, đó là con gái ông ấy, còn tôi là con gái ai?
Tôi cảm thấy mình như con nuôi, không thể ngẩng cao đầu trước mặt người thân, cũng không thể ngẩng đầu lên trước mặt bố đẻ của mình. Tôi lặng lẽ rời đi, tiếp tục công việc của mình, hẹn hò với một người đàn ông và đi đến kết hôn. Lúc tôi lấy chồng, đám cưới diễn ra khá suôn sẻ, vì căn bản bố tôi chẳng có yêu cầu đao to búa lớn hay đưa ra số tiền thách cưới quá lớn gì. Ngược lại, khi em kế tôi kết hôn, bố tôi lại chọn lên chọn xuống, tìm người có điều kiện phù hợp nhất mới đồng ý cho cưới, vì em kế là sinh viên đại học, có trình độ cao. Tất cả những điều đó, tôi đều bỏ qua, mắt không thấy, tâm không phiền.
Sau đó, tôi và chồng sống ở thành phố, bố và mẹ kế sống ở quê. Trên mạng xã hội, bố tôi thường xuyên đăng ảnh đi du lịch cùng gia đình của mình, đương nhiên là vắng mặt tôi. Tôi chỉ lặng lẽ lướt qua, trong tim dâng lên nỗi chua xót khó tả. Nếu mẹ tôi còn sống thì tốt biết bao, người trong ảnh sẽ là tôi và mẹ chứ không phải hai người lạ khác.
Tôi đã từng nghĩ rằng mối quan hệ giữa tôi và bố cứ như vậy mãi, chỉ cần bố tôi vẫn khoẻ mạnh là được. Ai ngờ, người con riêng mà ông yêu thương cả đời đến cuối cùng lại khiến ông thất vọng tột độ.
Năm kia, mẹ kế tôi bị bệnh mất. Sau đám tang, bố tôi sống một mình ở căn nhà cũ, ông nói vợ chồng em gái tôi sống ở gần đây nên có gì con bé sẽ đến chăm sóc ông, không cần tôi phải lo lắng. Cho đến năm ngoái, bố gọi điện cho tôi, bảo tôi đưa ông đi khám bác sĩ, bởi ông cảm thấy không khỏe. Lúc đầu tôi bảo bố gọi cho em gái đưa ông đi khám, nếu có vấn đề gì cần phẫu thuật thì tôi sẽ quay lại, bởi tôi ở thành phố xa xôi, không tiện đi lại. Nhưng bố lưỡng lự rồi nói:
“Con bé đi công tác chưa về, bố không tự đi được, chân tay bố yếu lắm không cử động nổi”.
Tôi không từ chối mà vội vã về nhà. Tôi kiểm tra bố từ trong ra ngoài. Bệnh nghiêm trọng đến nỗi bố tôi không thể sử dụng được hai chân dù có phẫu thuật, thậm chí làm phẫu thuật còn làm tổn thương cơ thể ông. Nếu tình trạng trở nên tồi tệ hơn, bố tôi chỉ có thể uống thuốc từ từ để duy trì. Dù vậy, sau này bố tôi có thể sẽ không thể đi lại được. Nếu không thể đi lại thì bố tôi không thể sống một mình được mà cần người chăm sóc.
Tôi đã kể chi tiết bệnh tình của bố cho em kế. Chúng tôi đã bàn cách để chăm sóc cho bố tôi trong thời gian sắp tới, nhưng điều bố tôi không ngờ tới là em kế đã buột miệng nói ra câu này:
“Nếu chú không tự ở một mình được thì đến viện dưỡng lão đi. Viện dưỡng lão ở gần nhà mình không quá đắt đỏ, lại có nhân viên chăm sóc nên chú không phải lo đâu!”.
Nghe vậy, bố tôi sững sờ, bởi ông luôn tin rằng chỉ có những người già không có con mới vào viện dưỡng lão, ông vào viện dưỡng lão đồng nghĩa với việc con của ông là đứa bất hiếu, vào viện dưỡng lão không khác gì ăn rồi nằm chờ chết, ông không muốn sống như vậy. Bố nhất quyết muốn ở cùng chúng tôi, chỉ cần ở gần cũng được, miễn là chúng tôi có thể đến chăm sóc ông hàng ngày.
Nhưng em kế lại nói:
“Gia đình con không khá giả, bố mẹ chồng con ở nhà nên cũng rất chật chội. Hơn nữa, thuê một ngôi nhà gần cũng rất tốn kém. Con thực sự nghĩ rằng sống trong viện dưỡng lão vẫn tốt hơn. Chúng con thỉnh thoảng có thể đến thăm chú”.
Bố tôi hoàn toàn thất vọng. Tôi có thể thấy vẻ mặt cô đơn và im lặng của ông.
Dù bố tôi có nói đi nói lại rằng ông không muốn thì em kế cũng không thay đổi quyết định và khăng khăng cho rằng sống trong viện dưỡng lão là tốt nhất. Cuối cùng, chúng tôi tan rã trong sự không mấy vui vẻ. Tôi cảm thấy bất lực không thể diễn tả bằng lời. Đối với em kế, bố tôi không còn là cha của con bé nữa, sau khi mẹ kế qua đời, mối quan hệ của con bé với gia đình chúng tôi trở nên ít thân thiết hơn. Nhưng dù thế nào đi nữa thì bố cũng là bố ruột của tôi. Em kế của tôi có thể phớt lờ ông ấy, nhưng tôi thì không.
Nhưng nghĩ lại tình yêu của bố dành cho em kế và sự bỏ bê lạnh nhạt của ông bao năm qua, tôi thực sự không biết liệu bây giờ mình có nên hả hê khi nhìn thấy bố như thế này hay không, hay việc vội vã chăm sóc ông là không đáng.
Cuối cùng, bố tôi quyết định sống tạm ở quê một thời gian, tôi sẽ cân nhắc xem nếu ông thực sự không thể sống một mình được nữa, tôi sẽ đón ông lên ở cùng để tiện bề chăm sóc.
Bố tôi đã yêu thương con gái riêng của vợ kế cả cuộc đời, nhưng cuối cùng người khiến ông thất vọng lại là cô con gái đó. Đến khi đau ốm, ông mới nhớ ra tôi, cô con gái ruột duy nhất của ông. Nhưng có lẽ bố chỉ nhớ ra sự hiện diện của tôi, chứ chưa từng nhớ ra mình đã đối xử với chính con ruột của mình như thế nào. Đã từ lâu, tôi hỏi thăm, quan tâm ông chỉ vì đó là nghĩa vụ, trách nhiệm, vì ông là bố đẻ của tôi, chứ không phải vì tôi muốn như thế.
Bố tôi đã phạm phải sai lầm lớn, và giờ là lúc ông phải trả giá cho sai lầm đó. Chỉ tiếc, cuộc đời không có hai chữ “giá như”. Còn tôi, tôi vẫn sẽ chăm sóc và hiếu kính với bố hết mực, để sau này không phải hối hận vì đã giẫm vào vết xe đổ của bố mình.
Việt Hằng