Đã là học sinh thì chắc sẽ không còn quá xa lạ với sổ lưu bút, đặc biệt là đối với học sinh cuối cấp. Trong từng trang giấy của cuốn sổ này là thông tin cá nhân, kèm những lời chúc, những câu đùa vui và cả những tâm sự chân thành của các thành viên trong lớp. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát cẩn thận thì đôi khi những cuốn sổ lưu bút lại gây ra ấn tượng xấu với người lớn.
Tờ Sohu đưa tin, một ông bố tại Trung Quốc mới đây đã phát hoảng sau khi đọc lưu bút của cô con gái đang học lớp 6 và chuẩn bị chuyển cấp lên lớp 7. Được biết, trong hệ thống giáo dục của đất nước tỷ dân, cấp tiểu học sẽ kéo dài từ lớp 1 đến lớp 6. Con của vị này đã chuẩn bị một cuốn sổ để các bạn cùng lớp viết lưu bút cho mình như một cách để kỉ niệm quãng thời gian cấp 1 sắp trôi qua và đón chờ một cấp học mới.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như trong lúc xem thử cuốn lưu bút này, ông bố không bất ngờ phát hiện "bí mật xấu" ẩn giấu trong đó. Theo đó, ông bố đã được phen tá hỏa vì bên trong nhiều trang lưu bút của con có rất nhiều từ ngữ tục tĩu do các bạn trong lớp viết. Có nhiều từ đến ngay cả người lớn như ông đọc lên cũng ngượng mồm. Ông bố không thể tin được những lời lẽ đó được viết ra bởi bạn học của con gái mình - những học sinh mới 11-12 tuổi.
Ngay sau đó, người bố đã chụp lại những dòng chữ trong cuốn lưu bút của con và đăng tải lên nhóm lớp phụ huynh, kèm dòng tin nhắn: "Đây là cách cư xử của mấy bạn nam trong lớp, 6 năm học giáo dục công dân các em đã học được cái gì vậy? Xin hỏi phụ huynh của các em này, con cái các vị viết lưu bút cho các bạn học khác thế à?".
Sau khi đăng tải lên MXH, chủ đề "trẻ em nói bậy" cũng nhanh chóng dậy sóng. Người thì đồng cảm với phụ huynh này vì con cái của họ cũng thường xuyên "chửi thề", người thì lo lắng trước hành vi văng tục chửi bậy của học sinh hiện nay đang vô cùng nhức nhối, nó đòi hỏi mọi người cần hành động thiết thực để hạn chế tình trạng trên.
Cha mẹ nên làm gì khi phát hiện con nói bậy, có hành vi lệch chuẩn?
Khi phát hiện con mình có hành vi văng tục, chửi bậy, cha mẹ cần phải bình tĩnh và không nên phản ứng một cách nóng giận hay quá khắt khe, vì điều này có thể làm tăng thêm mâu thuẫn và phản kháng từ trẻ. Đầu tiên, cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân đằng sau hành vi này, liệu có phải do trẻ bắt chước từ bạn bè, truyền thông hay do cảm xúc tiêu cực không được giải toả. Việc lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của trẻ sẽ giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng và sẵn lòng chia sẻ.
Sau khi hiểu rõ nguyên nhân, cha mẹ nên giáo dục trẻ về tầm quan trọng của việc gìn giữ ngôn từ và ảnh hưởng của nó đến bản thân và người khác. Việc này có thể được thực hiện thông qua các cuộc đối thoại mở cửa, với tư cách là những người hướng dẫn thay vì chỉ trích. Khuyến khích trẻ phát triển vốn từ ngữ phong phú và kỹ năng giao tiếp tích cực là một cách tiếp cận hiệu quả.
Đồng thời, cha mẹ cần làm gương cho con bằng cách không sử dụng ngôn ngữ tiêu cực hay thô tục trong giao tiếp hàng ngày, dù là trong gia đình hay ngoài xã hội. Thiết lập môi trường gia đình lành mạnh, nơi mà tình yêu thương, sự tôn trọng lẫn nhau là nền tảng, sẽ giúp trẻ học cách kiềm chế và biểu đạt cảm xúc của mình một cách lành mạnh.
Hãy luôn nhắc nhở trẻ về các quy tắc ứng xử và hậu quả nếu vi phạm, nhưng cũng không quên khen ngợi khi trẻ thể hiện sự tiến bộ. Cha mẹ có thể sử dụng các hình thức kỷ luật tích cực như phần thưởng và hình phạt hợp lý để khuyến khích và duy trì hành vi tốt trong thời gian dài.
Cuối cùng, không nên ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ giáo viên hay các chuyên gia tâm lý nếu cảm thấy cần thiết. Việc này có thể cung cấp thêm những chiến lược giáo dục hiệu quả và hỗ trợ trẻ điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực.
Theo Sohu
Đông