Đột quỵ ở tuổi 39
Vào tối 18/4, nữ giáo viên Mỹ Krista Figari, 39 tuổi, đi ngủ như mọi đêm khác. Tuy nhiên, vào khoảng 4h45 sáng hôm sau, cuộc sống của cô đã thay đổi.
"Tôi nhớ mình đã thức dậy và làm theo thói quen thường ngày. Tôi dọn giường, và đột nhiên, tôi loạng choạng sang bên trái và ngã xuống sàn", cô nói với Healthline. "Tôi không thể đứng dậy. Tôi thực sự không thể cử động, nâng, cảm nhận được chân, cánh tay, bàn tay của mình. Toàn bộ bên trái không hoạt động được".
Khi Figari cố gắng hiểu chuyện gì đang xảy ra, cô bò đến tủ đầu giường và dùng tay phải với lấy điện thoại di động. Cô cố gọi cho anh họ sống gần đó và người quản lý tòa nhà nhưng không ai trả lời.
Người quản lý gọi lại và ngay lập tức đến căn hộ của cô, nhưng anh không thể vào trong do cửa chính đang khóa.
"Đó là lúc tôi sử dụng Siri để gọi 911", Figari nói.
Khi cảnh sát đến, họ cũng không thể mở cửa chính, vì vậy người quản lý tòa nhà đã tìm cách vào nhà qua cửa sổ.
"Khi anh ấy vào nhà, anh ấy mở cửa chính, và những người cấp cứu đã đưa tôi đến bệnh viện", Figari nói.
Clip nữ giáo viên đột quỵ ở tuổi 39.
Khi Figari đến Trung tâm Y tế New York-Presbyterian/Weill Cornell, các bác sĩ đã nhanh chóng chẩn đoán cô bị đột quỵ. Loại đột quỵ mà cô trải qua được gọi là đột quỵ khi thức dậy.
Đột quỵ khi thức dậy là một loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi các triệu chứng được phát hiện khi một người thức dậy sau giấc ngủ. Mặc dù đột quỵ không thể đoán trước và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng khoảng 20% các trường hợp đột quỵ là đột quỵ khi thức dậy.
Đột quỵ khi thức dậy được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
"Nếu bệnh nhân đến khám trong vòng 4,5 giờ sau khi có triệu chứng đầu tiên, họ có thể được điều trị bằng thuốc làm tan cục máu đông - thuốc tiêu sợi huyết", Nicholas Janocko, tiến sĩ, bác sĩ thần kinh tại Bệnh viện NewYork Presbyterian, nói với Healthline.
Bác sĩ Janocko, người đã điều trị cho Figari, cho biết: "Chúng tôi đã chụp MRI khẩn cấp cho cô ấy… chúng tôi có thể sử dụng các tính năng hình ảnh để chứng minh rằng đột quỵ của cô ấy mới khởi phát và chúng tôi có thể tiến hành điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết một cách an toàn".
Sau khi điều trị, Figari ở lại bệnh viện trong bốn ngày để theo dõi.
Trong khi quá trình phục hồi sau đột quỵ thường bao gồm vật lý trị liệu, trị liệu nghề nghiệp và trị liệu ngôn ngữ, nữ giáo viên không cần bất kỳ phương pháp nào trong số này.
"Trong vòng ba ngày, hầu hết các cử động của tôi đã trở lại, và tình trạng liệt đã biến mất, về cơ bản tôi đã hồi phục hoàn toàn. Tôi không cần bất kỳ phương pháp phục hồi chức năng nào", cô nói.
Nguy cơ đột quỵ gia tăng ở người trẻ
Theo Healthline, đột quỵ ở những người dưới 50 tuổi chiếm khoảng 10% trong số tất cả các trường hợp đột quỵ.
Bác sĩ Janocko cho biết tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ đang gia tăng theo thời gian, chủ yếu là do sự gia tăng các yếu tố nguy cơ như:
- Béo phì
- Huyết áp cao
- Mỡ máu cao
- Bệnh tiểu đường
- Ngưng thở khi ngủ
- Hút thuốc
- Lạm dụng chất gây nghiện.
Vì sao Figari chia sẻ clip bị đột quỵ?
Figari lắp đặt camera trong căn hộ để quan sát chú chó của mình lúc cô không ở nhà.
Sau khi ra viện, cô phát hiện ra rằng camera đã ghi lại cảnh cô bị đột quỵ.
"Tôi mừng vì mình có video này vì tôi có thể nhìn thấy cảnh tượng này... Vì tôi ở một mình nên video này xác thực câu chuyện của tôi", Figari nói.
Nữ giáo viên chia sẻ câu chuyện của mình vì cô muốn mọi người biết rằng đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai và nó có thể ảnh hưởng đến họ theo những cách khác nhau.
"Ngay cả khi bạn cảm thấy một điều nhỏ nhặt... nếu bạn cảm thấy có điều gì đó không ổn, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ", cô nhắn nhủ. "Tôi nghĩ rằng chúng ta thường cho rằng mình bất khả chiến bại và chỉ vì chúng ta chưa đến một độ tuổi nhất định, điều đó không thể xảy ra với chúng ta. Nhưng bạn không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra".
(Theo Healthline)
Trà My