Gặp dấu hiệu này khi nhìn, rất có thể bạn đang bị sa sút trí tuệ, các nhà thần kinh học khuyên làm một việc

Thứ tư, 20/11/2024 - 16:09

Đôi mắt có thể tiết lộ rất nhiều về sức khỏe của bộ não. Thật vậy, các vấn đề ở mắt có thể là một trong những dấu hiệu sớm nhất của sự sa sút trí tuệ.

Đi cùng với lão hóa là một loại bệnh, đó cũng là lý do tại sao chẳng ai muốn bước vào giai đoạn này của cuộc đời. Tim mạch, loãng xương, giảm thính lực, sa sút trí tuệ... được biết đến là những bệnh phổ biến nhất của tuổi già. Trong số những bệnh này, tình trạng sa sút trí tuệ có vẻ xuất hiện sớm nhưng nhiều khi mọi người lại không để ý.

Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2024 của đại học Loughborough (Vương quốc Anh) đã phát hiện ra rằng, trước khi chứng sa sút trí tuệ được chẩn đoán, một số bệnh nhân có thể có triệu chứng ở mắt.

Gặp dấu hiệu này khi nhìn, rất có thể bạn đang bị sa sút trí tuệ, các nhà thần kinh học khuyên làm một việc- Ảnh 1.

Nhưng chứng sa sút trí tuệ chính xác là gì? Những dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ là gì? Dấu hiệu sớm ở mắt cảnh báo chứng sa sút trí tuệ là như thế nào?

Sa sút trí tuệ là gì?

Tiến sĩ Brooke T. Johnson, bác sĩ nhãn khoa thần kinh của Endeavour Health, nói rằng, sa sút trí tuệ là một thuật ngữ chung chỉ sự suy giảm chức năng nhận thức ở mức nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày.

"Nó ảnh hưởng đến trí nhớ, tư duy, định hướng, hiểu biết, khả năng tính toán, năng lực học tập, ngôn ngữ và phán đoán", TS Brooke T. Johnson nói.

Loại sa sút trí tuệ phổ biến nhất là bệnh Alzheimer. Ngoài ra còn có một số loại sa sút trí tuệ khác được TS Johnson liệt kê bao gồm: Chứng sa sút trí tuệ mạch máu, sa sút trí tuệ thể Lewy hoặc một dạng sa sút trí tuệ hiếm gặp được coi là biến thể thị giác...

Gặp dấu hiệu này khi nhìn, rất có thể bạn đang bị sa sút trí tuệ, các nhà thần kinh học khuyên làm một việc- Ảnh 2.

Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ chung chỉ sự suy giảm chức năng nhận thức ở mức nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày. Ảnh Monty Rakusen/Getty

Mối liên hệ giữa thay đổi thị lực và chứng sa sút trí tuệ sớm

Tiến sĩ Johnson giải thích mối liên hệ giữa chứng sa sút trí tuệ và thị lực của một người như sau: "Chứng sa sút trí tuệ có thể ảnh hưởng đến thùy trán và thái dương (của não), gây ra các vấn đề về nhận dạng đối tượng. Một số thay đổi thị lực có thể là dấu hiệu sớm của chứng sa sút trí tuệ, bao gồm mất độ nhạy tương phản, nhận diện màu sắc, độ sắc nét và nhận dạng đối tượng", cô nói.

Các triệu chứng này cũng có thể là do những bệnh về mắt khác gây ra. Chúng có thể xảy ra trước khi sự suy giảm trí nhớ xuất hiện. Theo nghiên cứu "Tầm nhìn có thể dự đoán chứng mất trí nhớ 12 năm trước khi được chẩn đoán - nghiên cứu mới" của đại học Loughborough, mất độ nhạy thị giác có thể dự đoán chứng mất trí nhớ 12 năm trước khi bệnh được chẩn đoán. Vì vậy, kiểm tra thị lực có thể phát hiện sớm sự sa sút trí tuệ.

Các dấu hiệu sớm khác của chứng sa sút trí tuệ

Ngoài thay đổi ở thị lực là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ sớm, TS Johnson nói rằng có một số biểu hiện khác cũng được coi là dấu hiệu cảnh báo tình trạng này. Chúng bao gồm thay đổi tâm trạng, khó tìm từ để nói, đặt sai đồ vật, bị lạc trong các khu vực quen thuộc và không có khả năng hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc - đặc biệt là những nhiệm vụ đòi hỏi chức năng điều hành, như cân bằng sổ sách hoặc đa nhiệm...

Gặp dấu hiệu này khi nhìn, rất có thể bạn đang bị sa sút trí tuệ, các nhà thần kinh học khuyên làm một việc- Ảnh 3.

Ảnh: Getty

Nhận ra các dấu hiệu sớm của chứng sa sút trí tuệ quan trọng thế nào?

Tiến sĩ Johnson nói rằng không có cách chữa trị chứng mất trí nhớ, nhưng nếu phát hiện sớm sẽ có lợi nhiều hơn.

"Khi được phát hiện sớm, người bệnh có thể thay đổi lối sống và có những phương pháp điều trị phù hợp giúp làm chậm tiến trình bệnh. Một số thay đổi lối sống nên được thực hiện bao gồm tập thể dục thể chất và tinh thần, kết nối xã hội, có chế độ ăn uống lành mạnh, có giấc ngủ chất lượng tốt, cắt giảm hút thuốc, hạn chế tiêu thụ rượu...", cô nói.

Tại sao bạn nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa

Thay đổi thị giác có thể báo hiệu chứng mất trí sớm, nhưng bên cạnh đó, Tiến sĩ Johnson nói rằng, tuổi tác tăng lên cũng sẽ kéo theo một số rối loạn ở mắt, chẳng hạn như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng. Những tình trạng này gây suy giảm thị lực, có thể ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Chính vì vậy, TS Johnson nói rằng, điều quan trọng là phải đi gặp bác sĩ nhãn khoa hàng năm để nắm bắt tình trạng sức khỏe của mình tốt hơn, nhất là với người có bệnh tiểu đường và tăng huyết áp.

Tiến sĩ Johnson nhấn mạnh rằng không phải tất cả các vấn đề về trí nhớ đều là sa sút trí tuệ và một số bệnh có thể dễ dàng điều trị. Vì vậy, nếu bạn lo lắng về trí nhớ của mình, điều quan trọng là cần đi khám ngay.

TT