Những ngày đầu tháng 9, khi cơn bão số 3 chưa đổ bộ, những cây đào được trồng ở khu vực phường Nhật Tân và phường Phú Thượng hứa hẹn mang lại một năm bội thu cho bà con. Bởi, thời điểm này đã qua những khó khăn, vất vả của đầu vụ, cây đào đã dường như hoàn tất giai đoạn chăm, bón.
Thế nhưng, khoảng 1 tuần trước, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 khiến mực nước sông Hồng dâng cao, khu vực trồng đào ngập trắng trong thời gian dài. Đến khi nước rút, những công sức và hy vọng của người dân trồng đào cũng tan biến theo dòng nước khi hàng nghìn cây đào bị thối rễ, chết rũ.
Theo ghi nhận của chúng tại vườn hoa Phú Thượng vào chiều ngày 16/9, gần 90% số gốc đào đã bị chết khô do ngập sâu trong nước, nhiều hộ mất trắng.
Đứng từ phía xa nhìn những cây đào chết rũ, bà Lê Thị Hồi (77 tuổi, trú tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) không khỏi đau đớn, xót xa. Bởi, kể từ khi trồng đào đến nay, bà Hồi và những người dân trồng đào ở Phú Thượng chưa từng bị thiệt hại nặng như vậy.
"Mất trắng rồi, không còn gì cả", bà Hồi ngậm ngùi nói. Sau đó, bà Hồi đưa tay chỉ về hướng những cây đào chết rũ và cho biết: "Gia đình tôi trồng hơn 400 gốc đào cành, chỉ còn vài tháng nữa đến Tết là đem bán nhưng sau khi nước ngập sâu trong nhiều ngày, gia đình tôi mất trắng".
Hàng ngàn cây đào bám đầy bùn đất, chết khô
Bà Hồi tâm sự, như mọi năm Tết đến, gia đình bà lại chặt đào đi đem bán. Tùy vào mẫu mã đào cành sẽ có giá khác nhau, giá dao động từ 800.000 đồng đến 1.500.000 đồng. Với số lượng hơn 400 gốc đào cành, gia đình bà Hồi thu về gần nửa tỷ đồng.
"Cả năm trông chờ vào vườn đào mà giờ chẳng còn gì. Tôi định mua đào giống để khắc phục nhưng nhiều nơi cũng bị ảnh hưởng, chẳng có để mua.
Trước mắt, tôi tính cưa và chặt bỏ gốc đào đi rồi trồng ít rau để ăn. Đến khi có đào giống, tôi mới trồng lại", bà Hồi nghẹn ngào nói.
Cách đó không xa là vườn đào của anh Nguyễn Khương Quảng (42 tuổi, ngụ phường Phú Thượng) cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh Quảng cho biết, gia đình anh trồng gần 500 gốc đào huyền, mỗi cây có tuổi thọ từ 2 năm trở lên.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất làng Phú Thượng, rồi lối nghề cha mẹ trồng đào, nhưng chưa bao giờ anh Quảng cảm thấy chua xót như năm nay.
"Từ nhỏ đến bây giờ, đây là lần đầu tiên vườn đào của tôi bị thiệt hại lớn như vậy. Gần 500 cây đào huyền bị chết. Không chỉ riêng nhà tôi, ở đây nhà nào cũng như vậy, dường như mất trắng", anh Quảng cho hay.
Nhớ lại thời điểm nước dâng cao, anh Quảng kể: "Hôm đó nước sông Hồng dâng lên nhanh lắm. Tôi phải thường xuyên chạy ra xem tình hình thế nào. Khi thấy nước dâng cao, tôi nhanh chóng vận chuyển hết đồ ở trong lều đi.
Như trước đây, nước lên nhanh và cũng rút nhanh lắm nên cây đào không bị ảnh hưởng. Nhưng lần này nước dâng cao, ngập sâu khoảng 4-5 ngày bắt đầu mới rút khiến cây bị chết. Một vài cây đào còn phần ngọn nhưng cũng chẳng thế cứu được vì bị thối rễ.
Quá xót xa, bà con nơi đây cả năm trông chờ vào vườn đào nhưng giờ mất trắng. Chẳng ai muốn điều này xảy ra nhưng thiên nhiên gây ra chúng tôi đành phải chấp nhận".
Những cây đào còn sót lại cũng khó có thể cứu
Nhiều hộ dân đã bắt đầu cưa, chặt cây và đào gốc cây đào
Theo những người dân nơi đây cho biết, trước thực trạng trên, các hộ dân bị ảnh hưởng đã được đăng kí hỗ trợ vay vốn để khôi phục.
"Năm nay, nhà nào bị thiệt hại ít cũng phải hơn 100 triệu đồng. Đối với những người trồng đào thế, vườn đào của họ có những gốc hơn 10 năm tuổi, thiệt hại phải hơn 1 tỷ đồng.
Mặc dù được vay vốn nhưng phải mất 2 đến 3 năm bà con mới khôi phục được lại như cũ và trả hết khoản vay", một người dân trồng đào làng Phú Thượng cho hay.
Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết, ước tính khoảng 105 ha đất và hàng chục ngàn gốc hoa đã bị ảnh hưởng.
VÂN ĐỨC