Rau củ muối là thực phẩm quen thuộc, được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên quá trình thực hiện hoặc sử dụng sai cách có thể dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường. Bà Lưu (51 tuổi, sống tại Quảng Đông, Trung Quốc) và con gái bà đều ngộ độc botulinum suýt mất mạng chỉ vì mắc 1 sai lầm khi muối rau củ.
Theo lời kể của bà Lưu, con gái bà lấy chồng xa và ít về thăm nhà. Gần đây khi cô trở về nhà và nói muốn ăn dưa chua, bà vội vã đi chợ mua vài loại rau cải về muối xổi. Ăn xong bữa tối với nhiều rau củ muối khoảng 2 giờ, bà Lưu bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi, buồn nôn và nôn mửa, mí mắt nặng trĩu. Bà uống thuốc tiêu hóa nhưng không đỡ, còn đau đầu và khó thở nên quyết định nhờ con gái đưa đi bệnh viện. Không ngờ, khi xuống nhà phát hiện con gái có các triệu chứng tương tự, mức độ còn nghiêm trọng hơn mình.
Ngay lập tức, bà Lưu gọi cấp cứu và cố gắng hô hoán hàng xóm sang giúp đỡ. Sau đó, bà cùng con gái được đưa đến Bệnh viện Nhân dân số 12 Quảng Châu. Tại đây, cả hai người được kết luận là ngộ độc botulinum và nhanh chóng được cấp cứu để bảo toàn tính mạng.
Tiến sĩ Chen Yunchao, trưởng khoa chăm sóc tích cực của bệnh viện cho biết, nguyên nhân ngộ độc botulinum của hai mẹ con bà Lưu chính là món bắp cải muối họ đã ăn. Hóa ra, vì muốn tiết kiệm thời gian, lại tiếc rẻ hũ nước dưa muối cũ nên bà Lưu chỉ bỏ thêm bắp cải vào muối. Bà thừa nhận đã làm việc này không ít lần nhưng lần này nghiêm trọng hơn vì khi kiểm tra thấy nước dưa muối cũ bị đóng váng, có mùi chua khó chịu vẫn tiếp tục sử dụng. May mắn là đến bệnh viện kịp thời, hiện tại tình trạng của hai mẹ con đã bắt đầu ổn định.
Những thực phẩm dễ gây ngộ độc botulinum
Theo giải thích của Tiến sĩ Chen, ngộ độc botulinum gây ra bởi vi khuẩn có tên là clostridium botulinum. Đây là một loại vi khuẩn kỵ khí, có thể tồn tại trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm cả các thực phẩm được muối chua không đúng cách. Ông cũng nhắc nhở rằng việc tái sử dụng lại nước muối rau củ cũ là sai lầm nhiều người mắc phải, tưởng là vô hại và tiết kiệm nhưng nguy cơ gây bệnh tiêu hoá, ngộ độc botulinum rất cao.
Bên cạnh rau củ muối, còn một số thực phẩm phổ biến khác dễ gây ngộ độc botulinum được ông nhắc đến như:
- Thực phẩm đóng hộp hoặc đóng gói kín, đặc biệt là thịt, cá, hải sản, và các sản phẩm sữa.
- Các loại thịt chế biến sẵn như giăm bông, xúc xích và giò chả.
- Thực phẩm không được nấu chín hoặc bị để lâu ngày dẫn đến ôi thiu.
- Thực phẩm lên men như kim chi, natto…
- Với trẻ em, việc tiêu thụ mật ong cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ này.
Khi vào cơ thể, độc tố botulinum tác động lên hệ thần kinh, gây ra nhiều triệu chứng và có thể gây suy hô hấp, tử vong. Các triệu chứng ngộ độc botulinum cần chú ý bao gồm:
- Mệt mỏi, yếu cơ.
- Sụp mí mắt, mờ mắt.
- Khó nuốt, khàn giọng.
- Khó thở.
- Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng.
- Đau đầu.
Điểm yếu của độc tố botulinum là nó thường bị phá hủy khi đun nóng liên tục ở 100°C trong 10 phút. Vì vậy, khi tiêu thụ thực phẩm lên men, thực phẩm đóng hộp, đông lạnh hãy nhớ hâm nóng hoàn toàn trước khi ăn.
Ngoài ra, Tiến sĩ Chen cũng nhắc nhở chúng ta không nên ăn quá nhiều rau củ muối vì không tốt cho sức khỏe. Cũng nên tránh những sai lầm khi chế biến và ăn rau củ muối như: dùng lại nước muối rau củ cũ, không đảm bảo vệ sinh rau củ và nước, dùng quá nhiều muối, ăn rau củ muối chữa kỹ hoặc để quá lâu…
Nguồn và ảnh: The Paper, Weixin
Ngọc Ái