Từ năm 2008 đến nay, Trung tá, nhà báo Hoàng Trường Giang (Báo Quân đội Nhân dân) đã trực tiếp khởi xướng vận động, tổ chức xây dựng các điểm trường, nhà bán trú, nhà ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, hệ thống điện mặt trời, phòng đọc sách…(34 công trình, thường dao động từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng/điểm). Đồng thời tài trợ học bổng, tặng trang thiết bị đồ dùng học tập, chăn áo ấm, đồ dùng sinh hoạt hoặc hỗ trợ thiên tai lụt bão, chống dịch Covid-19, hoặc hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn.
Trung bình mỗi năm, anh huy động, trao tặng tài trợ từ 1,5 - 2 tỷ đồng. Đối tượng thụ hưởng chính là các trường lớp vùng sâu, vùng xa, thầy cô, học sinh nơi vùng cao biên giới hoặc gia đình các đồng chí, đồng đội trong lực lượng vũ trang có hoàn cảnh khó khăn. Về địa bàn là một số tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn… rồi sau này mở rộng vào Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, tới Bà Rịa - Vũng Tàu.
Toàn bộ chuỗi hoạt động nằm trong dự án "Thắp lên một que diêm" đã giúp đỡ cho hàng vạn đứa trẻ vùng cao có cơm ăn áo mặc, được viết tiếp giấc mơ đến trường…
Trường lớp là lều lán, quốc lộ là sân chơi, quần áo là da thịt, giày dép là đôi chân trần
Sinh và lớn lên ở tỉnh Lai Châu, Trung tá, nhà báo Hoàng Trường Giang đã gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số ngay từ khi còn nhỏ. Như bao đứa trẻ vùng cao khác, anh thấu hiểu những khó khăn, vất vả nơi đây. Sau này khi ra trường, anh có nhiều cơ hội đi công tác tại các tỉnh Tây Bắc, mỗi lần nhìn những đứa trẻ ngồi ven đường nghịch đất cát, tắm sông tắm suối, ngồi sưởi lửa trong màn sương mù mùa đông đều khiến anh xúc động, như thấy hình ảnh của bản thân trước đây.
Anh chia sẻ, với những đứa trẻ vùng cao, trường lớp là lều lán, quốc lộ là sân chơi, quần áo là da thịt, giày dép là đôi chân trần và con đường đến lớp là 5 - 10km đi bộ nên anh càng thấu hiểu những thua thiệt của các em. Vì thế, anh nhận thấy cần có trách nhiệm giúp đỡ những em nhỏ vùng cao. Anh từng có quãng thời gian ngắn thực tập tại cơ quan báo chí thuộc tỉnh Lai Châu, anh ấp ủ mơ ước ở lại quê hương công tác.
"Tôi yêu cuộc sống vùng cao, tuy vất vả thật đó nhưng rất trong sáng, an lành, con người hồn hậu, chân chất. Nhưng cuộc sống đôi khi phải lựa chọn và phải tạm gác lại mơ ước. Khi về Hà Nội, tôi vẫn đau đáu nghĩ về nơi mình sinh ra và lớn lên, nghĩ về đầu nguồn sông Đà, về nơi núi cao mây mù. Tôi thấy mình cần có trách nhiệm với vùng cao, không chỉ với Lai Châu mà với các tỉnh miền núi phía Bắc", anh tâm sự.
Nhà báo Trường Giang bồi hồi kể: "Hình ảnh những đứa trẻ ngồi co ro bên lề đường trên dãy Hoàng Liên Sơn, cố gắng nhóm lửa để sưởi trong mùa đông đại hàn năm 2008 khiến tôi nhớ mãi khôn nguôi. Năm ấy, cả miền Bắc đóng băng, trâu bò chết như ngả rạ, cha mẹ thì bán thịt bên lề đường, những đứa trẻ ngồi cạnh đốt lửa khiến tôi nảy ra tên gọi cho dự án 'Thắp lên một que diêm'.
Và mỗi người chúng ta chỉ cần như một que diêm thắp lên thì sẽ góp phần sưởi ấm cho những phận đời khó khăn, yếu thế".
Sau này khi hoạt động trong cơ quan báo chí, rồi vào môi trường quân đội, nhà báo Trường Giang càng có nhiều cơ hội đặt chân đến mọi vùng miền, chứng kiến cuộc sống còn thiếu thốn, vất vả của đồng bào, chiến sĩ trên mảnh đất hình chữ S thân thương. Anh muốn giúp những đứa trẻ vùng cao trong mùa đông giá lạnh, thêm tấm áo ấm, đôi giày, đôi tất, chiếc mũ len... Mọi thứ bắt đầu từ những điều giản đơn đó. Sau này, anh phát triển thêm nhiều mô hình có tình bền vững, dài hơi hơn, nhiều người được thụ hưởng hơn.
Cũng giống như những người trẻ khác, khi bắt đầu làm việc gì đó cũng gian truân vì phải loay hoay từ đầu. Đối với làm thiện nguyện lại càng khó khăn hơn vì không có giáo trình, trường lớp đào tạo, cũng không có khuôn mẫu cho các hoạt động thiện nguyện. Làm thiện nguyện chỉ đơn giản là hành động xuất phát từ trái tim, tấm lòng của người muốn giúp đỡ người khác.
Khó khăn lớn nhất của nhà báo Trường Giang khi ấy là không có nhiều mối quan hệ. Chỉ mới đi làm 1 - 2 năm nên với anh, kinh nghiệm sống ít, kiến thức xã hội ít và mối quan hệ lại càng ít. Và đặc biệt trong công tác xã hội, điều khó nhất là gây dựng lòng tin với mọi người. Anh phải khắc phục bằng cách mất công nhiều hơn và đi làm những việc lặt vặt nhiều hơn.
Bên cạnh những người ủng hộ, động viên cũng có không ít người cho rằng anh chỉ đang chạy theo phong trào, thích thể hiện bản thân, chỉ là sự hăng máu nhất thời của tuổi trẻ và sẽ nhanh chóng trôi qua. Cũng có người cho rằng anh "đèo bòng", "ôm rơm nặng bụng", hoặc thực hiện với động cơ không tốt. Bỏ ngoài tai những lời ác ý, anh vẫn miệt mài cống hiến.
Chúng ta tồn tại vì những gì nhận được nhưng sống bằng những gì cho đi
Trung tá, nhà báo Hoàng Trường Giang rất thích quan điểm của Thủ tướng Anh Winston Churchill: "Chúng ta tồn tại vì những gì nhận được nhưng sống bằng những gì cho đi".
Với suy nghĩ ấy đã giúp anh thực hiện công tác tình nguyện một cách công khai, minh bạch. Sau khi đã thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện nhỏ, anh cùng nhóm bạn quyết định xây dựng những điểm trường ở vùng cao cùng các công trình đi kèm như nhà bếp, nhà bán trú, nhà vệ sinh, nhà đa năng, hệ thống nước sạch, điện mặt trời, lò đốt rác,... Khi mở rộng quy trình, khó khăn lớn nhất là đi tìm nguồn kinh phí. Còn về công tác tổ chức, anh có lợi thế vì bản thân vừa là nhà báo, vừa là quân nhân nên được sự giúp sức nhiều từ địa phương. Hơn thế, vì sinh ra và lớn lên ở vùng cao nên anh hiểu rất rõ về văn hoá, nếp sống của đồng bào vùng cao. Nhờ vậy, nhiều điểm trường được lập ra với chi phí phải chăng, không quá tốn kém.
Giai đoạn 2 của dự án từ khoảng 2018 đến nay, nhóm đối tượng được mở ra không chỉ còn là trẻ em vùng cao biên giới, vùng sâu vùng sa mà còn là gia đình cán bộ, chiến sĩ công tác trong quân đội có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự, biên phòng các tỉnh, thành phố; Ban chỉ huy các đơn vị, các cấp trong toàn quân.
Theo đó mục tiêu mỗi năm trung bình hỗ trợ 3 - 5 trường học ở vùng cao, biên giới, vùng sâu vùng xa với kinh phí từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Đồng thời hỗ trợ con em, gia đình cán bộ chiến sĩ trong quân đội có hoàn cảnh khó khăn từ 300 - 500 triệu đồng/năm. Tầm nhìn trong 5 năm tới sẽ tăng thêm nguồn lực mỗi năm khoảng 500 triệu đồng để mở rộng nhóm đối tượng được hỗ trợ, đồng thời tập trung thêm vào nội dung trao học bổng cho học sinh theo học nghề.
Phương châm hoạt động thiện nguyện của nhà báo Trường Giang suốt nhiều năm qua là thực hiện các chương trình quy mô vừa và nhỏ, mọi thứ trong tầm kiểm soát để không xảy ra những vấn đề phát sinh. Mọi bước, mọi khâu cũng được thực hiện minh bạch, rõ ràng, công khai, có sự chứng kiến và bảo hộ của nhiều bên.
Với nhà báo Trường Giang, làm thiện nguyện không phải việc "đao to búa lớn" hay cao siêu mà chỉ đơn giản như thấy lửa cháy thì lấy nước dập tắt.
"Tôi nghĩ đơn giản thôi, việc con người giúp đỡ lẫn nhau nó là một tất yếu tự nhiên trong quá trình tiến hóa của nhân loại. Như Margaret Mead - một nhà nhân chủng học nổi tiếng của Mỹ từng nói: 'Giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn là lúc nền văn minh nhân loại bắt đầu. Đừng bao giờ nghi ngờ một nhóm nhỏ những con người tử tế, tận tâm có thể thay đổi thế giới. Xét đến cùng, đó là tất cả những gì chúng ta có'", nhà báo Hoàng Trường Giang chia sẻ.
Giấc mơ ở Lản Nhì Thàng…
Hơn 16 năm gắn bó với công tác thiện nguyện, nhà báo Trường Giang có vô vàn những kỷ niệm xúc động. Mỗi nơi anh đi qua, mỗi điểm anh dừng chân, mỗi con người anh gặp đều để lại trong anh cảm xúc khó quên. Nhưng có lẽ, anh nhớ nhất là kỷ niệm năm 2013 - khi xây dựng điểm trường Mầm non ở Lản Nhì Thàng (xã Sì Lờ Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Từ đường quốc lộ đi bộ vào điểm trường theo đường mòn mất khoảng 4 tiếng. Điểm trường được xây dựng trong khoảng 4 tháng, diện tích hơn 80m2, được làm bằng gỗ vững chắc.
Đến đầu tháng 10, anh đến dự lễ khánh thành điểm trường trong không khí se lạnh, trời bắt đầu có sương mù. Nhà báo Trường Giang dự lễ chào cờ trên độ cao 2400m, điểm trường nằm trong khu rừng nguyên sinh. Tất cả người lớn đứng nghiêm trang giơ tay chào quốc kỳ, còn phía dưới, những đôi mắt to tròn của trẻ nhỏ ngước nhìn ngơ ngác là điều khiến anh nhớ mãi không quên.
Nhà báo Trường Giang nhớ lại: "Khi chúng tôi ra về được tầm 3 - 4km, bác trưởng bản chạy theo, dúi vào tay một chai rượu ngâm thảo quả, nói rằng đó là tình cảm của người dân địa phương gửi đến cho tôi. Và mùa đông năm đó cũng là đại hàn, băng phủ trắng khắp dãy Hoàng Liên Sơn, cô Hiệu trưởng gọi điện cho tôi, bật khóc xúc động vì không nghĩ năm nay, các con lại có điểm trường vững chắc, ấm áp như thế.
Mọi thứ cơ duyên tình cờ bắt đầu từ một bức ảnh - khi chúng tôi đi công tác và chụp tấm hình những đứa trẻ ngủ trưa phải nằm trên nền đất. Các con không có đủ chăn, chỉ đắp ngang ống chân, nhìn rất thương. Ngay sau khi về, tôi đã viết bài báo 'Giấc mơ ở Lản Nhì Thàng' và lập tức tôi nghĩ rằng, mình phải làm điều gì đó cho các em nhỏ".
Sau nhiều năm mê mải giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh, những miền đất gieo neo vất vả, tài sản lớn nhất mà nhà báo Trường Giang nhận được là vô vàn những lá thư tay, dòng tin nhắn, cuộc gọi điện, những món quà giản dị mà đầy ân tình gửi tới. Với những địa phương đã đi qua, những số phận đã giúp đỡ, Trung tá, nhà báo Trường Giang có một thói quen là giữ liên lạc rất lâu sau này, hoặc sẽ quay lại thăm hỏi, động viên ngay khi có thể. Anh nói rằng, đó như một cách để anh tri ân, cảm tạ cuộc đời, cảm tạ con người.
Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề "Cộng đồng kiến tạo" tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West , Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:
- Ra mắt ấn phẩm "Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam" – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
- Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:
PwC (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.
Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.
Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực
Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, Dân trí, Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TpHCM, Tiktok
Cổng thông tin Đề cử dự án vì cộng đồng cho Giải thưởng Human Act Prize 2024, chính thức mở từ ngày 23/9/2024. Tất cả quý vị đều có thể đề cử tại đây
Mỗi sáng kiến - dự án mà quý vị đề cử, sẽ góp phần kiến tạo, nâng bước cho các hoạt động vì cộng đồng và góp sức cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Ứng Hà Chi