Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao

Thứ sáu, 22/11/2024 - 18:56

Dẫu gió núi, sương mù hay những ngày mưa lũ chia cắt, thầy cô giáo trường PTDTBT - Tiểu học Tân Tiến vẫn bền bỉ bám trường, bám lớp, trở thành "ngọn đèn tri thức" thắp sáng tương lai cho bao thế hệ học trò nghèo vùng cao.

Dưới chân những dãy núi mờ sương của vùng cao, nơi con đường đến trường gập ghềnh đá sỏi và cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, có một người thầy đã bền bỉ suốt 32 năm bám trường, bám lớp.

Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 1.

Các em học sinh tại điểm trường Thâm Đình vui chơi

Đó là thầy Viên Văn Toàn (SN 1972), giáo viên chủ nhiệm lớp 2 tại điểm trường Thâm Đình thuộc trường PTDTBT – Tiểu học Tân Tiến (xã Yên Lỗ, huyện Gia Bình, Lạng Sơn). Mặc dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày, thầy Toàn vẫn đều đặn vượt qua những con dốc cheo leo, mang theo trong lòng một ước mơ giản dị: gieo mầm tri thức, đổi thay cuộc đời cho những đứa trẻ nơi đây.

Vừa là người thầy, vừa là người đồng hành của biết bao thế hệ học sinh, vượt qua muôn vàn khó khăn để đem lại con chữ cho các em. Giữa những khó khăn chồng chất, nụ cười của các em học sinh chính là động lực để thầy Toàn tiếp tục hành trình không mệt mỏi của mình.

Thầy giáo vùng cao gieo chữ bằng cả tình thương và nước mắt

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Toàn cho biết, trước đây, thầy là giáo viên tại trường PTDTBT - Tiểu học Thiện Long nhưng sau đó xin chuyển về điểm trường Thâm Đình dạy học.

“Khi chuyển về điểm trường Thâm Đình, tôi nhận thấy ở đây có quá nhiều khó khăn, đời sống của người dân còn rất nhiều thiếu thốn”, thầy Toàn nói.

Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 2.

Thầy Viên Văn Toàn

Theo lời kể của thầy Toàn, chỉ cách đây vài tháng, trong bán kính 5km quanh điểm trường Thâm Đình, sóng liên lạc từng được xem là điều xa xỉ. Bởi, nơi đây không có sóng, mọi liên lạc lúc bấy giờ đều phải nhờ “sóng miệng” hoặc đi bộ lên điểm cao để dò sóng.

“Có việc gì, gia đình nhắn tin qua người quen. Mỗi lần muốn gọi điện, tôi lại đi bộ xa để tìm sóng” thầy Toàn nói.

Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 3.

Nhìn về những ngôi nhà nằm giữa núi rừng, thầy Toàn lại thương cho hoàn cảnh các em học sinh của mình

Thời điểm bấy giờ, do việc liên lạc gặp nhiều khó khăn nên không ít lần khi thấy học sinh của mình vắng mặt, thầy Toàn đã tự đi xe máy đến tận nhà các em học sinh ấy để thăm hỏi.

"Có hôm, để đến nhà một em học sinh cách trường 9km, tôi mất tới hai tiếng đồng hồ. Nhà em học sinh ấy nằm sâu trong rừng, phải đi bộ qua mấy con suối mới đến được nơi ở.

Đến nơi là một căn nhà nhỏ, vào bên trong thì tôi thấy em học sinh của mình đang nằm co ro trong nhà. Hỏi ra mới biết bố mẹ đi làm xa, 3 chị em ở với bà. Do em học sinh của tôi bị ốm nên không thể đến lớp.

Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 4.

Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 5.

Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 6.

Những tiết học thường ngày của các em học sinh vùng cao

Nhìn học sinh của mình co ro trong nhà, không giường, không chăn, trải chiếu nằm trên nền đất, lòng tôi đau nhói. Khi liên lạc được với phụ huynh, tôi động viên họ về chăm sóc các cháu khỏe rồi tiếp tục đi làm”, thầy Toàn nhớ lại.

Nhìn về hướng các em học sinh ngồi dưới lớp, thầy nghẹn ngào bảo những học trò của thầy không chỉ thiếu thốn về vật chất mà nhiều em còn chịu những mất mát lớn về tinh thần. Có lần trong một tiết học, khi thầy Toàn áp dụng câu chuyện gia đình vào bài giảng, có em học sinh bật khóc chia sẻ rằng “bố mẹ em ly hôn rồi, giờ em ở với bố”.

“Nghe học trò kể, tôi vừa thương vừa xót xa. Những đứa trẻ ở đây đã quá thiệt thòi, chỉ mong các em có đủ tình thương của gia đình để có thêm nghị lực”, vừa dứt lời hai hàng nước mắt của thầy Toàn lặng lẽ rơi.

Những bước chân không mỏi của người thầy vùng cao

Hàng ngày, 5h00, khi mặt trời chưa ló dạng, thầy Toàn đã thức dậy để chuẩn bị đến trường. Với quãng đường 32km, dù trời mưa gió hay lạnh giá, dẫu có những hiểm nguy rình rập, người thầy ấy vẫn đến trường.

Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 7.
Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 8.

Đường đến trường vào ngày mưa cách đây vài năm trước khi chưa được đổ bê tông (Ảnh: GVCC)

Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 9.

Thầy cô giáo vượt qua đoạn đường lầy lội vào ngày mưa (Ảnh: GVCC)

Thầy Toàn bảo nhớ nhất là những ngày mưa lớn, đường trơn như đổ mỡ. Xe máy bị lún nửa bánh, thậm chí không cần dùng chân chống cũng chẳng ngã vì bùn đất đã giữ chặt.

“Những năm trước, khi con đường vào trường chưa được đổ bê tông, vào những ngày trời mưa đi rất khó. Đường khó đi lắm, có hôm tôi đi ủng vào đến đây mà người bẩn hết. Đến trường lại phải tắm vội để kịp lên lớp mặc dù mùa đông không có nước ấm.

Khó khăn là thế, nhưng tất cả vì các em học sinh. Tôi chưa từng nghĩ đến việc bỏ cuộc”, thầy Toàn nói với ánh mắt ánh lên niềm tin mãnh liệt.

Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 10.

Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 11.

Nơi trú ngụ vào giữa trưa hoặc khi trời mưa lớn không thể về nhà của thầy Toàn và các thầy cô giáo trong trường

Thầy Toàn chia sẻ, thấy các em học sinh của mình ăn không đủ no, mặc không đủ ấm vì bố mẹ đi làm xa, gia đình khó khăn, thầy ước mong, bên cạnh bữa cơm bán trú do Nhà nước hỗ trợ, các em luôn nhận được sự giúp sức từ các mạnh thường quân để bữa ăn đủ chất dinh dưỡng hơn.

“Nhiều người hỏi tại sao tôi chọn nghề này, tôi chỉ nghĩ rằng: Vì con em thân yêu của chúng ta. Dù vất vả thế nào, tôi cũng sẽ cố gắng, vì các em vẫn đang chờ tôi mỗi ngày”, thầy Toàn mỉm cười nói.

Dành cả tuổi thanh xuân để mang từng con chữ đến với trẻ em vùng cao, thế nhưng suốt hơn 30 năm qua, với thầy Toàn, những món quà lớn lao đôi khi chỉ là bó rau xanh, quả mướp từ người dân vùng cao đem tặng.

“Món quà của học sinh nhân ngày 20/11 dù chỉ là một bông hoa nhỏ hay một lời chúc cũng khiến tôi xúc động vô cùng. Đó là tất cả tình cảm mà các học trò nghèo dành cho tôi.

Với tôi, chỉ cần các em chăm chỉ đến trường, đó đã là món quà ý nghĩa nhất”, thầy Toàn tâm sự.

Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 12.

Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 13.

Những tấm thiệp giản dị tự làm kèm lời chúc vô cùng ý nghĩa của các em học sinh gửi tặng thầy cô giáo nhân dịp 20/11

Cũng giống như thầy Toàn, thầy Nguyễn Văn Quỳnh (Hiệu trưởng trường PTDTBT – Tiểu học Tân Tiến) mỗi ngày phải vượt hơn 100km đường đèo để đến trường.

Thầy Quỳnh cho biết, các thầy cô dạy ở đây đều di chuyển quãng đường trên 20km mỗi ngày. Khoảng 1 năm trước, khi đường chưa được đổ bê tông, những ngày mưa, con đường đến trường trở lên gian nan đối với cả thầy cô giáo và học sinh.

“Vào những ngày mưa gió, đoạn đường đất đến trường gần 10km quá lầy lội, xe máy bình thường không thể đi qua được. Chúng tôi phải buộc xích vào bánh xe máy mới có thể đi được”, thầy Quỳnh chia sẻ.

Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 14.
Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 15.
Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 16.

Thầy Toàn cùng các thầy cô giáo chia cơm cho các em học sinh

Thầy Quỳnh bảo trước đây, điều thầy trăn trở nhất là hoàn cảnh của các em học sinh. Do nhiều em nhà cách trường khoảng 3km, không được hỗ trợ bữa trưa, phải vượt quãng đường xa về nhà ăn cơm giữa buổi. Những ngày mưa gió, đường sá khó khăn, bữa ăn thiếu thốn đã khiến không ít em nản lòng, thường về nhà giữa trưa xong chiều nghỉ học.

Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 17.

Chương trình “một triệu bữa ăn có thịt cho trẻ vùng cao” giúp cải thiện dinh dưỡng cho bữa ăn của các em học sinh nghèo vùng cao

“Nhiều em buổi sáng vẫn đi học bình thường, nhưng đến chiều thì nghỉ đột xuất. Khi thầy cô gọi điện hỏi thăm, đến nhà động viên, các em thường chia sẻ rằng vì đường xa, bữa ăn không đủ no, không đủ sức để tiếp tục đến lớp.

Thế nhưng, kể từ khi dự án “Một triệu bữa cơm có thịt” do thương hiệu CHIN-SU phối hợp cùng Quỹ Trò nghèo vùng Cao, đã giúp những em nhà dưới 4km được ăn bữa trưa tại trường.

Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 18.

Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 19.

Các em học sinh vui vẻ bên những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng

Những đóng góp thầm lặng đó đã giúp cải thiện dinh dưỡng mỗi bữa cơm của các em. Hơn hết, đó còn là sự động viên tinh thần, giúp các em vững bước đến trường”, thầy Quỳnh chia sẻ.

Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 20.
Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 21.
Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn của thầy giáo vùng cao- Ảnh 22.

Mặc dù đường đến trường đã được đổ bê tông, nhưng đối với các em nhà ở sâu trong rừng, núi, quãng đường đến trường vẫn gặp nhiều khó khăn, trắc trở

Tâm huyết và sự tận tụy của những người thầy, cô giáo vùng cao đã gieo hy vọng cho bao thế hệ học trò vùng cao. Họ không chỉ là người mang chữ, mà còn là ánh sáng, là niềm tin cho những ước mơ vượt qua nghịch cảnh.

Vân Đức - Ảnh: Lữ Phụng Tiên