Ngày 26/9, thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cho biết vừa tiếp nhận và điều trị cho ông N.V.C. (66 tuổi, trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ) vì sụt cân nhanh, liên tục khát nước. Người đàn ông này nặng 66kg, có khối cơ săn chắc, nhưng chỉ trong hơn 1 tuần đã giảm 2kg, cảm giác háo nước nên phải uống liên tục.
Nhận thấy sự bất thường nên ông C. quyết định đi khám bệnh. Ông không nghĩ rằng mình lại mắc bệnh lý đái tháo đường.
Kết quả xét nghiệm cho biết chỉ số đường máu tăng gấp 5 lần so với bình thường, HbA1c lên đến 14.6% (bình thường 4.2%-6.8%). Sau khi dò liều để đưa chỉ số đường máu trở về mục tiêu, bệnh nhân được duy trì phác đồ điều trị đái tháo đường, đồng thời, Bác sĩ tư vấn cho người bệnh chế độ dùng thuốc, chế độ ăn uống, sinh hoạt sau khi ra viện nhằm kiểm soát đường huyết và hạn chế biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra.
Bác sĩ Vi Thị Thùy Dung - Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cho biết, bệnh nhân mắc đái tháo đường dù ăn nhiều, uống nhiều nhưng vẫn sụt cân nhanh là do cơ thể thiếu insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả khiến đường trong máu tăng cao, lượng đường này lại không được vận chuyển đến tế bào để duy trì hoạt động, nên cơ thể sẽ lấy năng lượng từ mô mỡ đã tích lũy từ trước. Việc thiếu năng lượng khiến người bị tiểu đường luôn cảm thấy đói và thèm ăn, trong khi cân nặng bị sụt giảm.
Bệnh nhân luôn cảm thấy khát do đường trong máu tăng cao sẽ khiến Thận tăng cường hoạt động để thải đường ra ngoài kèm lượng nước tiểu đáng kể. Việc tiểu nhiều lần và mất nhiều nước khiến cơ thể luôn cảm thấy khát và uống nhiều hơn.
Vì vậy, khi có dấu hiệu "ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều", người bệnh cần đến cơ sở y tế để được Bác sĩ thăm khám.
Nam An