Bạn bị đau đầu, mẹ bạn bảo đó là do bạn chơi điện thoại quá nhiều. Bạn bị đau tay, mẹ bạn bảo đó là do bạn chơi điện thoại nhiều quá. Bạn bị đau bụng, mẹ bạn cũng bảo đó là do bạn chơi điện thoại.
Xin lỗi Hippocrates, logic của những bà mẹ Châu Á dường như muốn nói rằng: Điện thoại là nguồn gốc của mọi loại bệnh tật trên đời. Cứ như là trước thời đại của điện thoại thông minh con người chẳng bao giờ bị ốm.
Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, liệu trong một bối cảnh mà công nghệ len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống chúng ta, điện thoại có khiến loài người yếu đi hay không?
Hiện nay, các nghiên cứu khoa học đang dần làm sáng tỏ mối liên hệ giữa việc sử dụng thiết bị công nghệ và sức khỏe con người. Một số vấn đề như căng thẳng mắt kỹ thuật số (digital eye strain), rối loạn giấc ngủ do ánh sáng xanh từ màn hình, hay thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, đã được ghi nhận.
Tuy nhiên, để khẳng định việc "chơi điện thoại quá nhiều" là nguyên nhân trực tiếp khiến bạn bị ốm, câu trả lời không đơn giản như thế. Bài viết này sẽ cùng bạn phân tích sự thật đằng sau lời "dọa" quen thuộc từ mẹ, dựa trên các nghiên cứu khoa học uy tín.
Chúng ta sẽ xem xét các tác động cụ thể của điện thoại đến sức khỏe thể chất và tinh thần, đồng thời phân biệt rõ đâu là yếu tố thực sự gây hại, đâu chỉ là những hiểu lầm thường gặp. Liệu mẹ bạn có thực sự đúng khi "đổ lỗi" cho chiếc điện thoại, hay có những nguyên nhân sâu xa hơn ẩn sau tình trạng sức khỏe của bạn? Hãy cùng khám phá!
Cybersickness: Khi điện thoại thực sự khiến bạn "ốm"
Đã bao giờ bạn nhìn vào màn hình điện thoại liên tục trong một khoảng thời gian dài, bất kể là chơi game, xem phim hay lướt mạng xã hội, rồi bạn buộc phải bỏ nó xuống để dụi lại mắt, xoay xoay cổ và khớp tay cho đỡ mỏi hay chưa? Và rồi đột nhiên bạn thấy mình hơi hơi chóng mặt và buồn nôn.
Nếu đã từng rơi vào tình huống như vậy, thì bạn đang trải nghiệm một hiện tượng gọi là Cybersickness – hay còn gọi là "chứng chóng mặt không gian ảo". Hiện tượng này xảy ra do sự mất cân bằng giữa các tín hiệu giác quan mà não bộ nhận được.
Khi bạn nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại để chơi trò chơi, xem video, hay lướt mạng xã hội, mắt bạn liên tục nhận tín hiệu về chuyển động ảo. Tuy nhiên, cơ thể bạn lại không di chuyển tương ứng, dẫn đến xung đột giữa các giác quan.
Kết quả là cơ thể bạn sẽ xuất hiện các triệu chứng tương tự say tàu xe bao gồm:
- Chóng mặt và buồn nôn: Do tín hiệu từ mắt không khớp với sự vận động của tai trong (cơ quan giữ thăng bằng của cơ thể).
- Mỏi mắt: Do Thời gian nhìn màn hình kéo dài gây căng thẳng mắt, dẫn đến đau đầu và mất tập trung.
- Mất thăng bằng: Một số người thậm chí cảm thấy loạng choạng khi đứng dậy sau thời gian dài tập trung vào màn hình.
Một trong những thủ phạm chính khiến Cybersickness trở nên phổ biến hơn là sự gia tăng sử dụng điện thoại thông minh. Các nền tảng như TikTok, YouTube hay các trò chơi di động không chỉ thu hút người dùng trong thời gian dài mà còn thường xuyên sử dụng hiệu ứng hình ảnh phức tạp, dễ gây cảm giác "say".
Ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại cũng góp phần làm trầm trọng thêm triệu chứng này. Nó không chỉ làm rối loạn nhịp sinh học, gây mất ngủ, mà còn khiến mắt mệt mỏi nhanh hơn, dẫn đến nguy cơ Cybersickness cao hơn khi bạn tiếp tục sử dụng thiết bị.
Ngoài ra, bạn càng dễ mắc Cybersickness nếu điện thoại bạn bị "lag", xuất hiện các chuyển động giật khục hoặc xem video, chơi game với tốc độ khung hình thấp. Thời gian nhìn vào màn hình tất nhiên tỷ lệ thuận với nguy cơ bạn mắc Cybersickness.
Vì vậy, phần nào đó mẹ bạn đã đúng ở đây. Chơi điện thoại nhiều có thể khiến bạn bị ốm theo kiểu Cybersickness. Dù hội chứng này không phải là căn bệnh nghiêm trọng, nhưng nếu liên tục gặp phải, nó có thể ảnh hưởng đến năng suất làm việc, học tập và chất lượng cuộc sống.
Nhiều người cảm thấy mệt mỏi kéo dài, mất hứng thú, thậm chí gặp vấn đề về tâm lý như lo âu hay trầm cảm nhẹ sau thời gian sử dụng thiết bị.
Hội chứng ống cổ tay, "Tech Neck"
Nếu bạn bị đau cổ vai gáy hoặc đau tay, lời khuyên là đừng than phiền điều đó với mẹ, bởi một lần nữa, bà ấy đã đúng: Chơi điện thoại nhiều có thể khiến bạn gặp phải tất cả các triệu chứng này.
Hãy bắt đầu với "Tech Neck", đó là một thuật ngữ có nghĩa là "Cái cổ công nghệ", dùng để mô tả việc chúng ta phải cúi gằm cổ của mình xuống khi dùng điện thoại. Dần dần, nó sẽ khiến bạn bị gù và gây ra tình trạng đau nhức cổ vai gáy.
Một nghiên cứu cho thấy khi bạn dùng điện thoại và cúi đầu xuống 15 độ, áp lực lên cổ bạn sẽ tăng thêm khoảng 4-5 kg. Khi nhìn xuống màn hình ở góc 60 độ, cổ bạn phải chịu áp lực tương đương 27 kg – bằng trọng lượng của một chiếc lốp xe ô tô cỡ nhỏ!
Vì vậy, không có gì phải ngạc nhiên khi thế hệ chúng ta ngày càng bị đau cổ vai gáy vì sử dụng điện thoại di động. "Tech Neck" thường gây ra các triệu chứng như đau cổ, khó xoay hoặc ngửa đầu, chèn ép dây thần kinh dẫn đến đau đầu lan tỏa.
Ngoài ra, tư thế xấu khi sử dụng điện thoại cũng làm gia tăng nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ và cột sống lưng, dẫn đến những cơn đau mạn tính. Bạn sẽ cảm thấy ê ẩm, cứng đơ cơ thể mỗi khi dùng điện thoại lâu trong một tư thể.
Sau đó, lưng dưới bạn cũng bắt đầu đau, đặc biệt là ở vùng thắt lưng, bởi dùng điện thoại trong tư thế "Tech Neck" cũng thường làm cho cột sống bạn cong không tự nhiên. Căng thẳng sau đó lan tới hông, làm giảm khả năng vận động linh hoạt của bạn.
Về lâu dài, thói quen này có thể góp phần làm suy giảm mật độ xương, thoái hóa khớp và dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như đau thần kinh tọa.
Mọi chuyện thậm chí còn chưa chấm dứt ở đó. Trở lên phía phần trên của cơ thể, việc giữ điện thoại quá lâu trong lòng bàn tay có thể gây ra một hội chứng kỳ lạ khác gọi là "Carpal Tunnel Syndrome" dịch ra có nghĩa là "Hội chứng ống cổ tay".
Hội chứng này là một tình trạng xảy ra khi dây thần kinh giữa ở cổ tay bị chèn ép, dẫn đến cảm giác tê hoặc ngứa ran ở các ngón tay (đặc biệt là ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa). Cơn đau sau đó lan đến cánh tay, đặc biệt rõ rệt khi cầm hoặc sử dụng điện thoại trong thời gian dài.
Lâu dần, nó sẽ khiến sức mạnh bàn tay của bạn bị suy giảm, khiến các thao tác như cầm nắm trở nên khó khăn. Vì vậy, nếu mẹ bạn nhờ bạn với lọ gia vị cho bà trong bếp mà bạn lại làm rớt nó xuống đất, thì đó có thể dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị hội chứng ống cổ tay rồi. Mẹ bạn sẽ bảo: "Xem điện thoại cho lắm vào", không oan đâu!
Điện thoại và bệnh truyền nhiễm
Đau đầu, đau tay, đau cổ vai gáy có thể là do điện thoại di động, nhưng đau bụng, liệu có mối liên hệ trực tiếp nào ở đây không?
Hóa ra, các bà mẹ Châu Á một lần nữa đã lại đúng. Bạn thực sự có thể bị đau bụng vì chơi điện thoại. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bề mặt điện thoại thông minh là nơi lý tưởng cho vi khuẩn và virus phát triển.
Một nghiên cứu tại Anh cho thấy, trên bề mặt điện thoại trung bình chứa lượng vi khuẩn cao gấp 10 lần bệ toilet, bao gồm các loại vi khuẩn nguy hiểm như E. coli và Salmonella – hai tác nhân chính gây nhiễm trùng đường tiêu hóa và đau bụng.
Lý do rất đơn giản: điện thoại là vật dụng chúng ta chạm vào liên tục, mang theo khắp mọi nơi, từ nhà vệ sinh, quán ăn, phòng làm việc đến giường ngủ. Trong khi đó, việc vệ sinh điện thoại lại bị nhiều người bỏ qua. Bàn tay khi chạm vào điện thoại rồi tiếp xúc với miệng, đồ ăn, hoặc mặt sẽ dễ dàng đưa vi khuẩn vào cơ thể, gây ra các bệnh về tiêu hóa, từ đau bụng, tiêu chảy đến ngộ độc thực phẩm.
Ngày nay, nhiều người còn hay mang điện thoại vào nhà vệ sinh mà không để ý đó là một hành vi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong không gian kín và ẩm ướt, vi khuẩn và virus từ nước bắn hoặc không khí (như Norovirus, gây tiêu chảy và nôn mửa) dễ dàng bám vào bề mặt điện thoại. Khi bạn rời khỏi nhà vệ sinh, dù đã rửa tay, điện thoại vẫn giữ lại vi khuẩn và trở thành nguồn lây nhiễm tiềm ẩn.
Và rồi, bạn lại mang điện thoại lên bàn ăn, lướt mạng xã hội hoặc xem hoạt hình Thám tử lừng danh Conan trong khi ăn cơm. Sử dụng điện thoại trong khi ăn không chỉ làm giảm chất lượng bữa ăn mà còn tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Bàn tay bạn liên tục chạm vào điện thoại và đồ ăn, tạo cơ hội cho vi khuẩn trên điện thoại xâm nhập vào cơ thể. Đặc biệt, vi khuẩn Staphylococcus aureus, thường xuất hiện trên da và bề mặt điện thoại, có thể gây ra ngộ độc thực phẩm khi xâm nhập vào thức ăn.
Vì vậy, khi mẹ bạn nói "Ăn cơm thì bỏ cái điện thoại xuống", điều đó thực sự tốt cho sức khỏe của bạn. Ngoài ra, đừng quên rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, và thậm chí sau khi sử dụng điện thoại vì trên đó là một ổ vi khuẩn chẳng khác gì toilet nhà bạn.
Tóm lại, điện thoại di động có phải nguồn gốc của mọi bệnh tật không? Câu trả lời là: Không! Nhưng sử dụng nó quá nhiều có thể khiến bạn bị ốm không? Câu trả lời là: Có!.
Từ Cybersickness, hội chứng ống cổ tay, Tech Neck cho đến bệnh truyền nhiễm, điện thoại di động có thể làm suy giảm sức khỏe của bạn nếu bạn sử dụng nó một cách thiếu điều độ. Mẹ bạn đã đúng phần nào đó.
Vậy nên, lần tới, khi bà ấy "nhắc yêu" bạn: "Chơi điện thoại ít thôi!", tại sao bạn không thử bỏ chiếc điện thoại xuống một lúc, rời xa màn hình và dành sự quan tâm của bạn tới mẹ mình nhiều hơn chút?
Thanh Long