Khi những y bác sĩ, điều dưỡng "cấp cứu ngoài giờ"

Thứ năm, 01/08/2024 - 20:49

Vào những thời điểm khi con người đứng giữa ranh giới sinh tử, họ - những y bác sĩ, điều dưỡng - bỗng xuất hiện tựa một thiên thần, giành lại mạng sống quý giá ấy từ tay tử thần.

Sau giờ hành chính hoặc các ca trực đêm mệt mỏi, những y bác sĩ sẽ cởi chiếc áo blouse của mình để bắt đầu những giờ nghỉ ngơi cho bản thân. Họ - cũng như bao người khác, cũng cần thời gian bên gia đình, người yêu, đi du lịch... 

Và rồi trong trang phục dạo phố bình thường, họ vẫn chưa một phút nào ngơi nghỉ "nhiệm vụ". Những ca "cấp cứu ngoài giờ" xuất hiện đột ngột. Và các y, bác sĩ, các chiến binh không trong màu áo blouse ấy đã không ngần ngại đương đầu với "thần chết" để giành giật sự sống cho những người giữa lằn ranh mỏng manh....

"Chị đang cố gắng hết sức đây, chị là y tá nhi"

Vào ngày 12/7, mạng xã hội không ngừng xôn xao chia sẻ một đoạn video ghi lại hình ảnh trên chiếc taxi nhỏ, một sinh linh nhỏ bé chỉ mới 7 ngày tuổi đã may mắn thoát khỏi bàn tay tử thần trong gang tấc chính nhờ sự tận tâm của nữ điều dưỡng trẻ.

Có thể thấy trong đoạn clip, trước hoàn cảnh người mẹ của bé vẫn đang không ngừng hoảng loạn gào khóc khi thấy đứa con mới lọt lòng đứng trước ngưỡng cửa sinh tử, nữ điều dưỡng vừa thành thục bình tĩnh thực hiện các thao tác cấp cứu, vừa không ngừng liên tục nói: “Cố lên, cố lên, cố lên con…”

Clip: Khoảnh khắc nghẹt thở nữ điều dưỡng ở Hải Phòng cấp cứu em bé trên xe taxi

Không chỉ vậy, nữ điều dưỡng còn trấn an người mẹ đang liên tục khóc ngất vì mất bình tĩnh: "Chị đang cố gắng hết sức đây, chị là y tá nhi. Đừng có khóc nữa để cho chị bình tĩnh. Đánh mạnh vào chân con đi cho con có phản xạ khóc đi xem nào”.

Trong suốt thời gian chiếc xe taxi chạy về Bệnh viện, nữ điều dưỡng vẫn tập trung cao độ xử lý cấp cứu cho bé như ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt, hút mũi miệng trực tiếp... May mắn, sau quá trình nỗ lực cấp cứu, trẻ đã có thể hô hấp trở lại.

Đoạn video khiến bất cứ ai chứng kiến, dù cách một màn hình vẫn cảm nhận được sự căng thẳng, được ranh giới sinh tử mong manh trên chiếc xe nhỏ hẹp, lại càng cảm phục tấm lòng, sự bình tĩnh và chuyên nghiệp của nữ điều dưỡng trên.

Sau khi tìm hiểu, người ta biết được sự việc đã xảy ra từ trước đó hơn 1 tuần, ngày 4/7 và người điều dưỡng chính là chị Nguyễn Thị Thảo – khoa Hô hấp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.

Khi những y bác sĩ, điều dưỡng "cấp cứu ngoài giờ"- Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thảo

Chia sẻ về buổi tối định mệnh hôm ấy, chị Thảo cho hay, khi đang trên đường chở con đi về nhà thì thấy một người đàn ông (ông nội cháu bé) bế trên tay một cháu nhỏ sơ sinh 7 ngày tuổi đã ngừng thở, tím tái…, chạy đằng sau là mẹ bé đang khóc thất thanh.

Trong tình huống đó, chị Thảo dã dừng xe lại giới thiệu là nhân viên y tế và nhanh chóng thực hiện ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt, hút mũi miệng trực tiếp… để cấp cứu cho bé.

Khi xe taxi tới, chị Thảo tiếp tục bế trẻ lên xe, liên tục hỗ trợ sơ cứu em bé trong suốt quá trình đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thủy Nguyên để cấp cứu. Sau đó, Bệnh viện Thủy Nguyên đã chuyển cháu bé đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Sau khi được sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên, bé được chuyển tới Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tiếp tục điều trị. May mắn, bé đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định.

Theo người nhà bệnh nhi, vào buổi tối 4/7, mẹ bệnh nhi đang cho con uống sữa thì bị sặc. Khi xảy ra việc sặc sữa, bố mẹ bệnh nhi đã hoảng loạn không biết cách xử lý. Rất may mắn lúc đó chị Thảo đi qua.

Khi những y bác sĩ, điều dưỡng "cấp cứu ngoài giờ"- Ảnh 2.

Chị Thảo khá bất ngờ khi video của cấp cứu cho cháu bé của chị lại được lan truyền mạnh mẽ đến vậy trên mạng xã hội. Chị cho rằng đó là phản xạ nghề nghiệp để cứu giúp nạn nhân, cũng là trách nhiệm, là điều đương nhiên của một người có chuyên môn nên làm. Được biết, chị Thảo học chuyên ngành về sơ sinh, kỹ năng sơ cứu khi trẻ bị sặc sữa là kỹ năng cơ bản mà chị đã được học và thực hành khi làm việc.

Ngày 15/7, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng khen thưởng điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo, sinh năm 1990, Khoa hô hấp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất trong cấp cứu ngoại viện cứu sống bệnh nhi.

Nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu du khách nước ngoài bị ngừng tim đột ngột

Trước đó không lâu, đoạn clip ghi lại hình ảnh một du khách nước ngoài ngừng tim đột ngột khi đi ăn tại nhà hàng ở Đà Nẵng được chia sẻ cũng đã gây xôn xao mạng xã hội. Và hình ảnh "lương y như từ mẫu" lại hiện lên thật đẹp, không chỉ trong mắt người Việt Nam mà còn trong mắt của bạn bè quốc tế, những người từ phương xa đến.

Khoảng 20 giờ ngày 24/3, trong khi đang ăn cùng với vợ, ông N.J. (quốc tịch Ấn Độ) xuất hiện choáng, đi lại loạng choạng, ngã quỵ xuống đất, mất ý thức, vệ sinh không tự chủ. Chứng kiến sự việc, cô gái đang ngồi ăn cùng bạn ở bàn bên cạnh lao đến kiểm tra mạch cảnh, tri hô nhân viên nhà hàng xung quanh gọi cấp cứu 115 hỗ trợ. Cô gái này ngay sau đó cũng nhanh chóng tiến hành cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực cho nạn nhân.

Clip: Nữ điều dưỡng cấp cứu du khách nước ngoài

Sau khoảng vài chục lần ép tim ngoài lồng ngực theo chu kỳ thì bệnh nhân có ý thức trở lại, ổn định chức năng sống và được xe cấp cứu 115 Đà Nẵng vận chuyển đến cấp cứu tại một bệnh viện lớn ở địa phương.

Theo thông tin ban đầu, người đàn ông nói trên đi du lịch cùng vợ tại TP Đà Nẵng. Du khách này có tiền sử bệnh lý mạch vành, đã phải phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành. 2 ngày nay bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, đang ăn tối cùng vợ thì xuất hiện ngừng tim (ngừng tuần hoàn) và may mắn được cấp cứu kịp thời. 

Và nữ điều dưỡng trong đoạn video được chia sẻ chính là chị Nguyễn Thị Hạ (SN 1995) nhân viên của Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai.

Chị Hạ chia sẻ, khi đang ngồi ăn với bạn bè trong nhà hàng thì bắt gặp tình huống bất ngờ trên:

"Người đàn ông khi đứng dậy di chuyển thì bắt đầu bị choáng, bước đi loạng choạng và dần mất đi ý thức. Khi thấy tình huống ấy, mình cùng bạn bè đã nhanh chóng chạy lại kiểm tra. Khi thấy người đàn ông mất đi ý thức, gục xuống thì người vợ đã nhanh chóng chạy đến ôm chặt để đỡ lấy.

Lúc này mình nhanh chóng quàng tay qua cổ bắt mạch thì thấy mạch khá yếu, khó bắt, da nhợt nhạt, dần mất ý thức và vệ sinh không tự chủ".

Khi những y bác sĩ, điều dưỡng "cấp cứu ngoài giờ"- Ảnh 3.

Vì hai vợ chồng người đàn ông là người nước ngoài không hiểu tiếng Việt nên ngay sau đó, Hạ đã nhanh chóng đỡ người đàn ông, cho nằm xuống sàn và thực hiện ép tim liên tục.

“Mình thực hiện ép tim đến lần thứ hai thì người đàn ông đã có mạch trở lại và có thể hít thở, sau đó từ từ mở mắt. Thấy vậy, mình nhanh chóng hỏi "Are you ok?" (Ông ổn chứ? - PV) thì thấy người đàn ông gật đầu. Lúc này mọi người mới thở phào".

Hạ cho biết đây là lần đầu tiên cô gặp tình huống cấp cứu ngừng tim như vậy ở ngoài bệnh viện. Nhưng có lẽ bởi vì là "bệnh nghề nghiệp" nên cô đã nhanh chóng xử lý tình huống theo phản xạ và sử dụng những kiến thức chuyên môn của bản thân.

"Mọi chuyện diễn ra như trong phim ấy. Mình không kịp suy nghĩ gì chỉ nhanh chóng kiểm tra tình trạng sức khỏe bệnh nhân, thực hiện kỹ thuật ép tim và liên tục quan sát, theo dõi các phản ứng của bệnh nhân để có thể duy trì đến khi xe cấp cứu đến", Hạ chia sẻ.

Được biết, chị Hạ đã có 7 năm làm việc tại Trung tâm cấp cứu A9 và chứng kiến rất nhiều ca ngừng tim, ngừng tuần hoàn phải cấp cứu ngay trong phòng bệnh và đây là lần đầu tiên chị gặp tình huống cấp cứu ngoài cộng đồng.

Vào chiều ngày 28/3, Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã khen thưởng, tặng giấy khen nữ điều dưỡng Đặng Thị Hạ. Cùng với đó, cũng trong tối cùng ngày, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cũng cho hay Sở đã có quyết định về việc tặng Giấy khen cho nữ điều dưỡng vì nghĩa cử cao đẹp này.

Vợ chồng bác sĩ ép tim cứu người gặp tai nạn giữa đường

Lúc 16h45 ngày 13/4, trên quốc lộ 24 qua huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, xe chở đoàn cán bộ Cục Quản lý thị trường TP.HCM trên đường đến thị trấn Măng Đen du lịch thì gặp nạn. Vụ tai nạn khiến xe khách lật nghiêng bên đường, một hành khách tử vong, nhiều hành khách khác bị thương.

Theo thông tin từ VTC News, có mặt tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn và tham gia hỗ trợ giải cứu các nạn nhân, vợ chồng bác sĩ Nguyễn Văn Giáp (khoa phụ sản) và vợ là bác sĩ Lương Hải Yến (khoa khám bệnh, cùng công tác tại Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai) vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc dừng xe cứu người gặp nạn.

Bác sĩ Giáp cho biết, chiều 13/4, anh và vợ đang cùng đoàn lên thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông). Khi đến địa phận huyện Kon Rẫy, vợ chồng anh bắt gặp vụ tai nạn giữa xe ô tô khách và xe ô tô tải trên đường.

"Chúng tôi có mặt khi vụ tai nạn đã xảy ra được khoảng 10 phút. Khung cảnh lúc đó vô cùng hỗn loạn, người bị thương nằm la liệt, đau đớn. Chúng tôi không ai bảo ai, nhanh chóng phối hợp cùng người dân, lực lượng chức năng giúp đỡ đưa các hành khách bị kẹt trong xe ra ngoài" - bác sĩ Giáp nói.

Với kinh nghiệm nghề y, cả hai vợ chồng bác sĩ Giáp chia nhau ra hỗ trợ sơ cứu những người bị nạn. Đối với những hành khách bị thương, hai vợ chồng băng bó, nẹp chân, tay bị gãy để chờ xe cấp cứu tới chở đi.

Khi những y bác sĩ, điều dưỡng "cấp cứu ngoài giờ"- Ảnh 4.

Theo bác sĩ Giáp, thời điểm nguy cấp và bất ngờ, mọi vật dụng đều được hai vợ chồng tận dụng để băng bó, cầm máu cho nạn nhân.

"Vì tình huống cấp bách nên tôi đành dùng hai chiếc khăn quàng cổ là vật kỷ niệm của hai vợ chồng để xé thành các mảnh nhỏ, cố định vết thương cho người bị nạn. Mỗi chiếc khăn chúng tôi cắt thành 4 mảnh vải, tìm xung quanh các miếng gỗ, chọn miếng nào sạch thì quấn một lớp vải rồi nẹp cố định chấn thương cho nạn nhân, chỗ chảy máu thì được băng ép" - bác sĩ Giáp kể lại và cho biết người dân tham gia cứu nạn đều hỏi ý kiến chuyên môn, hướng dẫn cách làm để cùng vợ chồng anh sơ cứu cho người bị nạn.

Khi những y bác sĩ, điều dưỡng "cấp cứu ngoài giờ"- Ảnh 5.

Anh nói bình thường, khi gặp các vụ tai nạn, không ít người có hành động xốc, bế, vác nạn nhân bị thương lên xe hoặc chạy đi cấp cứu. Tuy nhiên, hành động đó có thể làm tổn thương nặng thêm. Việc bác sĩ có mặt tại hiện trường, tham gia cấp cứu sẽ hướng dẫn người dân cách cấp cứu, sơ cứu đúng phương pháp.

Trong số những người bị nạn, có một nạn nhân bị chấn thương nặng phần đầu, ngừng tuần hoàn, được xe bán tải của cảnh sát giao thông đưa đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, cách địa điểm xảy ra tai nạn khoảng 13km.

Suốt hành trình, bác sĩ Yến cùng một người đi đường ngồi trên thùng xe bán tải hỗ trợ ép tim cho nạn nhân khi tới bệnh viện. Trên chuyến xe này còn có 2 nạn nhân khác bị chấn thương vùng đầu cũng được đưa đi cấp cứu.

"Thực ra việc làm của chúng tôi vô cùng nhỏ bé, tôi nghĩ ai trong hoàn cảnh đó cũng sẽ làm như vậy thôi" - bác sĩ Giáp bộc bạch.

Phạm Trang (t/h)