Không phải chịu thuế đối ứng nhưng nước ASEAN này vẫn có thể bị hạ dự báo tăng trưởng

Thứ sáu, 04/04/2025 - 21:23

Các nước Châu Á khác chịu mức thuế đối ứng rất cao.

Thị trường khắp châu Á lao dốc sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố mức thuế chung là 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ, bao gồm cả hàng nhập khẩu từ Singapore.

Trong khi Singapore tránh được nhiều mức thuế khắc nghiệt hơn, chẳng hạn như tổng cộng 54% đối với Trung Quốc, 24% đối với Nhật Bản, 25% đối với Hàn Quốc, các nhà phân tích tin rằng lợi thế này sẽ không là gì so với tác động đến triển vọng tăng trưởng và xuất khẩu của Singapore do nhu cầu và thương mại toàn cầu suy giảm.

Ngoài ra, vẫn còn mối đe dọa dai dẳng về mức thuế suất 25% đối với tất cả các mặt hàng bán dẫn và dược phẩm nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Các nhà phân tích cho biết vẫn đang xem xét và có thể áp dụng sau.

Chua Hak Bin, đồng giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại Maybank, cho biết hiệp định thương mại tự do và thâm hụt thương mại song phương của Singapore không hoàn toàn bảo vệ nước này khỏi mức thuế quan chung 10%, nhưng bảo vệ nước này khỏi mức thuế quan trừng phạt qua lại mà nhiều quốc gia châu Á khác phải đối mặt.

"Tuy nhiên, Singapore sẽ bị ảnh hưởng bởi cú sốc giảm phát lớn đối với nhu cầu và thương mại. Sản xuất và xuất khẩu có khả năng sẽ giảm và thu hẹp trong các quý tới", ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng Maybank đang xem xét lại dự báo của mình đối với Singapore và có thể hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội cho năm 2025.

Cú sốc giảm phát là tình huống giá cả chung của hàng hóa và dịch vụ giảm đột ngột và đáng kể, dẫn đến sản lượng giảm, tiền lương giảm và nhu cầu từ doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng giảm.

Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong cả năm 2025 ở mức 1% đến 3%. Con số này đã thấp hơn so với mức tăng trưởng 4,4% đạt được vào năm 2024.

Ang Wee Seng, Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Singapore, cho biết mức thuế quan trả đũa của Hoa Kỳ sẽ gây xáo trộn các kế hoạch quản lý chi phí và đầu tư của các nhà sản xuất chip trên toàn thế giới.

Ông cho biết: "Mức thuế quan mới được công bố của Hoa Kỳ làm phức tạp thêm chuỗi cung ứng chất bán dẫn vốn đã phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu", đồng thời nói thêm rằng điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào cách các doanh nghiệp phản ứng và quan trọng hơn là liệu các quốc gia khác có trả đũa bằng các biện pháp thuế quan của họ hay không.

Ông nói với tờ The Straits Times rằng: "Trong khi tác động tức thời vẫn đang diễn ra, rõ ràng động thái này sẽ mang đến những cân nhắc mới về chi phí và kế hoạch của các công ty tham gia sản xuất và buôn bán chip và thiết bị điện tử".

Không phải chịu thuế đối ứng nhưng nước ASEAN này vẫn có thể bị hạ dự báo tăng trưởng- Ảnh 1.

Một số nhà phân tích khá lạc quan về triển vọng của cổ phiếu Singapore.

James Ooi, chiến lược gia thị trường tại Tiger Brokers, cho biết: "Cổ phiếu Singapore có thể hoạt động tốt hơn các cổ phiếu cùng loại trong khu vực trong thời gian tới do mức thuế quan của Hoa Kỳ tương đối thấp, phạm vi thị trường chứng khoán mở rộng, thu nhập doanh nghiệp ổn định và tâm lý nhà đầu tư được cải thiện".

Khả năng phục hồi sẽ phụ thuộc vào mức độ thích ứng

Hầu hết các nhà phân tích cho rằng vẫn còn quá sớm để nói Singapore sẽ phản ứng như thế nào vào thời điểm này.

Selena Ling, nhà kinh tế trưởng và là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và chiến lược ngân quỹ của OCBC, cho biết khả năng phục hồi của Singapore sẽ phụ thuộc vào mức độ thích ứng của nước này với các dòng chảy thương mại đang thay đổi.

Singapore có thể hưởng lợi từ việc các công ty đa dạng hóa khỏi các quốc gia có mức thuế quan cao hơn. Nhưng Singapore vẫn có thể phải quản lý những bất ổn kinh tế rộng lớn hơn và sự biến động của thị trường tài chính.

"Hiện tại, chúng ta phải chờ xem điều gì sẽ xảy ra trong giai đoạn đàm phán và trả đũa", Selena Ling nói.

Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đảm bảo với thị trường rằng họ sẵn sàng hành động nếu cần.

"MAS sẵn sàng hạn chế sự biến động quá mức của đồng đô la Singapore và đảm bảo thị trường ngoại hối và tiền tệ của Singapore tiếp tục hoạt động một cách có trật tự", ngân hàng trung ương cho biết.

Cơ quan này cho biết thêm rằng thị trường ngoại hối và tiền tệ của Singapore vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Họ cũng đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến và đánh giá những tác động đối với nền kinh tế Singapore.

Hsien-Hsien Lei , giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Singapore, cho biết một cuộc khảo sát nhanh gần đây do họ tiến hành về tác động của thuế quan đối với doanh nghiệp cho thấy thuế quan và căng thẳng thương mại khiến các công ty cảm thấy bất ổn hơn. Có gần 6.000 công ty Hoa Kỳ đang kinh doanh tại Singapore.

Lei cho biết: "Các doanh nghiệp đang trì hoãn những quyết định quan trọng có thể ảnh hưởng đến hoạt động", đồng thời nói thêm rằng gần một nửa số người trả lời khảo sát có kế hoạch chuyển chi phí tăng thêm cho người tiêu dùng.

Dy Khoa