Làm dâu trưởng, tôi cảm thấy việc cúng giỗ rất nhẹ nhàng, tất cả nhờ vào quyết định từ 10 năm trước

Thứ bảy, 26/10/2024 - 20:28

Khi tôi đưa ra quyết định đó, chồng là người phản đối đầu tiên. Nhưng rồi chính anh lại cảm thấy tôi rất đúng đắn và ủng hộ nhiệt tình.

Thấy mọi người đang xôn xao việc "gộp giỗ" nên tôi cũng muốn chia sẻ câu chuyện của mình. Bởi nhà tôi "gộp giỗ" từ 10 năm trước.

Lúc Kiệt cầu hôn, tôi cũng phân vân, đắn đo lắm. Bởi anh là con trai trưởng trong nhà, gia đình lại gia giáo, truyền thống. Bố mẹ chồng tôi cũng là người coi trọng việc cúng giỗ, vì là nhà từ đường nên một năm có tới 7 cái giỗ. Mà cái nào cũng cúng kính rất chu đáo, mời đông đảo khách khứa, làng xóm. Mẹ tôi bảo tính tôi không cẩn thận, sợ là lo chuyện cúng kính không được chu toàn, lại làm nhà chồng phật ý.

Nhưng tôi không thể chỉ vì chuyện cúng giỗ mà từ bỏ chuyện tình yêu đương 4 năm của mình với Kiệt được. Tôi vẫn chấp nhận lời cầu hôn của anh, cũng dự tính những khó khăn, cực nhọc nếu mình về làm dâu trưởng. Cũng may chồng tôi là người thương vợ, thấy vợ khổ thì anh sẽ xót xa nên luôn phụ giúp tôi trong mọi việc.

Năm đầu tiên làm dâu, tôi bị choáng bởi việc giỗ chạp. Trung bình chưa tới 2 tháng là lại tới một cái đám giỗ. Lần nào cũng mời họ hàng, làng xóm, đãi tiệc từ 4-5 mâm cỗ. Sau 3 cái giỗ như thế, tôi kiệt quệ về sức khoẻ lẫn tiền bạc nên đã bàn với chồng chuyện cúng giỗ "gộp". Nghĩa là một năm chỉ cúng giỗ lớn một lần, đãi tiệc mời khách. Còn những đám giỗ khác thì chỉ cúng bánh, trái cây gọn nhẹ thôi. Ban đầu chồng tôi từ chối, phản bác gay gắt lắm. Nhưng khi nghe tôi phân tích, anh dần xiêu lòng.

Làm dâu trưởng, tôi cảm thấy việc cúng giỗ rất nhẹ nhàng, tất cả nhờ vào quyết định từ 10 năm trước- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Tôi nói rằng chuyện cúng giỗ, mục đích là để tưởng nhớ người đã khuất chứ không phải để đãi tiệc tùng. Việc đãi tiệc cũng là để "người sống" ăn uống linh đình chứ ông bà đã mất rồi thì ăn làm sao? Chưa kể đến việc tốn kém. Tôi tính toán sơ sơ, mỗi cái đám giỗ cũng tốn trên dưới 5 triệu, cộng dồn một năm sẽ là một số tiền lớn. Rồi việc thường xuyên cúng giỗ, mời khách cũng ảnh hưởng đến người khác khi họ phải đến nhà mình ăn giỗ 7 lần/năm. Mà ở quê tôi, khi được mời đám giỗ cũng phải đem bánh trái hoặc thùng bia sang. Một năm mời một lần thì họ còn quý, đằng này cứ liên tục thành ra lại thấy phiền.

Chồng tôi bàn lại với bố mẹ chồng và ban đầu cũng vấp phải sự phản đối từ ông bà. Cho đến lần vì thức đêm chuẩn bị đám giỗ mà mẹ chồng tôi kiệt sức, tụt huyết áp, ngất xỉu thì họ mới nhận ra tầm quan trọng của vấn đề. Tôi bầu bì mà phải lo nấu cúng, đãi khách, chạy bàn, dọn rửa 5 mâm bát đĩa. Thấy cảnh đó, bố mẹ chồng quyết định làm theo lời tôi, một năm chỉ đãi giỗ một lần vào tháng 6, các đám giỗ còn lại thì chỉ cúng bánh và trái cây thôi.

10 năm nay, tuy là dâu trưởng nhưng tôi lại thấy việc cúng giỗ khá nhẹ nhàng. Tôi nghĩ rằng việc "gộp" đám giỗ là chuyện nên làm. Thời hiện đại rồi, cúng giỗ chỉ là hình thức để tưởng nhớ người đã khuất thôi, đừng biến việc này thành gánh nặng và áp lực. Để rồi từ đó, ý nghĩa của đám giỗ cũng chẳng còn mà bản thân cũng mệt mỏi, cáu kỉnh. Ý kiến của mọi người về vấn đề này như thế nào?

Mỹ Hạnh