Lời cổ nhân nghìn năm vẫn đúng, đặc biệt thấm trong thời đại ngày nay: 4 BUÔNG - Giàu có, tự tại sớm tìm đến!

Thứ năm, 03/04/2025 - 21:56

Muốn thoát khỏi sự tiêu hao năng lượng trong giao tiếp, có được những mối quan hệ và môi trường xã hội thoải mái hơn, cần bắt đầu từ 4 sự buông bỏ sau đây.

Trong chương trình tạp kĩ có tên "Kỳ Ba Thuyết", Hoàng Chấp Trung từng nói một câu: "10 phần phiền não của đời người thì có đến 8,9 phần bắt nguồn từ các mối quan hệ xã hội". Phần lớn những phiền muộn, ấm ức, đau khổ của con người đều xuất phát từ giao tiếp xã hội.

Khi giao tiếp với người khác, nếu nhập vai quá sâu, lòng ắt sẽ khổ. Một khi chấp niệm nảy sinh, phiền não cũng theo đó mà đến. Muốn thoát khỏi sự tiêu hao năng lượng trong giao tiếp, có được những mối quan hệ và môi trường xã hội thoải mái hơn, cần bắt đầu từ 4 sự buông bỏ sau đây.

Lời cổ nhân nghìn năm vẫn đúng, đặc biệt thấm trong thời đại ngày nay: 4 BUÔNG - Giàu có, tự tại sớm tìm đến!- Ảnh 1.

01. Buông bỏ những kỳ vọng không thực tế

Nhà tư vấn người Mỹ Roland Miller, trong suốt 25 năm nghiên cứu về các mối quan hệ xã hội, thường xuyên nhận được câu hỏi: "Tại sao một mối quan hệ, càng để tâm, lại càng khiến con người ta lạnh lòng?"

Câu trả lời của ông rất đơn giản: Nếu bạn mong muốn ai đó làm một điều gì đó hoặc trở thành một hình mẫu nào đó, mà họ không làm, bạn sẽ cảm thấy đau khổ. Bản thân kỳ vọng không khiến con người ta đau khổ, mà chính sự vỡ mộng do kỳ vọng mang lại mới là liều thuốc độc gặm nhấm tinh thần.

Nhà văn Phùng Luân từng kể về hai trải nghiệm khiến ông ấn tượng sâu sắc nhất trong đời. Khi sự nghiệp ông đang trên đà phát triển, cơ quan đã cấp cho ông một chiếc xe riêng cùng tài xế. Người tài xế này vô cùng chu đáo, ngày nào cũng đúng giờ đưa đón, hai người nói chuyện không chút ngại ngần, gần như trở thành bạn bè thân thiết. Thế nhưng, khi ông rơi vào cảnh sa sút, theo thói quen, ông gọi cho tài xế như mọi lần. Nào ngờ, người tài xế ấy chỉ chở ông được nửa đường, rồi buông một câu: "Đến đây thôi." Sau đó, ông ta lập tức đuổi ông xuống xe. Phùng Luân sững sờ tại chỗ, mất một lúc lâu mới hoàn hồn, rồi đành bắt xe buýt về nhà.

Lần thứ hai là vào năm 1989, khi Phùng Luân thất bại trong việc khởi nghiệp, tình hình tài chính eo hẹp đến mức ngay cả vé tàu về nhà cũng không mua nổi. Ông bèn gọi điện nhờ một người bạn thân, người mà trước đây ông từng giúp đỡ về tài chính. Ông đầy hy vọng nhấc máy gọi, nhưng khi người kia nghe nói đến chuyện vay tiền, liền ấp úng viện đủ lý do, nói chưa được vài câu đã vội vàng cúp máy.

Sau hai lần trải nghiệm đó, Phùng Luân cảm thấy vô cùng thất vọng và đau lòng, đến mức một thời gian dài sau đó ông vẫn không thể nguôi ngoai. Ông không thể hiểu nổi, tại sao trước đây mình đối xử với họ rất tốt, nhưng cuối cùng lại nhận về kết cục như vậy?

Mãi đến khi trải qua đủ nhiều chuyện, ông mới hiểu ra: Trên đời này, không ai có nghĩa vụ phải đáp ứng mọi yêu cầu của ai, cũng không ai có trách nhiệm giúp đỡ ai vô điều kiện. Dùng suy nghĩ của bản thân để ép buộc người khác không khác gì tự làm khó mình, cũng chỉ là một ảo tưởng mà thôi. Việc quen thói đặt kỳ vọng cao vào người khác, cuối cùng chỉ khiến bản thân chịu tổn thương và dằn vặt chính mình. Đừng bao giờ đánh giá quá cao bất kỳ mối quan hệ nào.

Buông bỏ những kỳ vọng không thực tế là một cách yêu thương chính mình. Khi không đặt kỳ vọng quá cao vào bất cứ ai, mối quan hệ mới có thể thoải mái và nhẹ nhàng hơn.

Lời cổ nhân nghìn năm vẫn đúng, đặc biệt thấm trong thời đại ngày nay: 4 BUÔNG - Giàu có, tự tại sớm tìm đến!- Ảnh 2.

02. Buông bỏ suy nghĩ phải lấy lòng người khác

Dạo gần đây, khi xem lại bộ phim truyền hình, tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến câu chuyện của Mạc Vũ. Mạc Vũ là một người nổi tiếng hiền lành và dễ tính trong công ty. Tan làm, đồng nghiệp nhờ anh quay lại công ty để gửi một email, anh liền nói "Được thôi". Ngày nghỉ, sếp yêu cầu anh đi làm thêm, anh cũng chỉ đáp "Không sao đâu." Trước đó, anh đã hẹn ăn tối với nhóm đồng nghiệp, nhưng họ tự ý thay đổi địa điểm mà không báo cho anh. Mãi đến khi buổi tiệc kết thúc, họ mới chợt nhớ ra anh đã không đến. Khi đối diện với sự xa lánh ấy, anh chỉ có thể tự tìm lý do để biện hộ: "Là do tôi có việc bận nên không đến được." Dù trong lòng tủi thân và buồn bã, nhưng hôm sau anh vẫn mang trà sữa đến cho từng người theo sở thích của họ.

Thế nhưng, việc không ngừng lấy lòng người khác chẳng những không giúp anh nhận được sự trân trọng, mà còn khiến cuộc sống anh trở nên tồi tệ hơn. Đồng nghiệp vẫn xa lánh anh, sếp cũng không mấy coi trọng anh. Mỗi ngày, anh đều sống trong sự chán chường và u uất.

Thế nhưng, anh lại không dám ngừng làm hài lòng người khác. Anh chỉ biết tiếp tục nhún nhường và hy sinh, tự đánh mất chính mình.

Cuối cùng, không thể chịu đựng thêm áp lực tinh thần, anh tìm đến nhà tâm lý học. Sau khi lắng nghe câu chuyện của anh, vị chuyên gia kết luận rằng anh mắc phải "hội chứng làm hài lòng người khác":

Luôn cố gắng lấy lòng, không dám từ chối, chỉ khiến bản thân chịu thiệt thòi và đau khổ mà thôi.

Khi coi trọng người khác quá mức, thậm chí sẵn sàng đánh mất bản thân để đổi lấy sự công nhận, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang tự chuốc lấy khổ đau.

Nhà sử học Tôn Quân Khải từng nói: "Sống là để hoàn thiện chính mình, chứ không phải để làm vừa lòng người khác."

Hãy buông bỏ suy nghĩ phải lấy lòng người khác và cho phép bản thân được là chính mình. Khi bạn không ngừng khám phá và bồi đắp giá trị nội tại của bản thân, muộn phiền sẽ tan biến, và những người thật sự trân trọng bạn rồi cũng sẽ tự khắc tìm đến.

Lời cổ nhân nghìn năm vẫn đúng, đặc biệt thấm trong thời đại ngày nay: 4 BUÔNG - Giàu có, tự tại sớm tìm đến!- Ảnh 3.

03. Buông bỏ chấp niệm hơn thua

Bậc thầy quốc học Trung Quốc, Tăng Sĩ Cường, từng đưa ra một quan điểm: "Nếu một người có năng lực nhưng lại không thể xử lý tốt các mối quan hệ xã hội, thường xuyên bị tiêu hao năng lượng trong giao tiếp, thì phần lớn là do hai nguyên nhân. Một trong số đó chính là sự hiếu thắng."

Lúc nào cũng muốn hơn người, xem người khác như đối thủ tưởng tượng, chỉ khiến bản thân kiệt quệ về tinh thần, khiến cuộc sống trở nên rối ren.

Nhà văn chuyên viết những án văn liên quan tới chủ đề tình cảm Diêu Linh Đang từng chia sẻ về mối quan hệ của cô với một người bạn.

Hai người quen biết nhau suốt mười năm, nhưng cũng chính mười năm đó là khoảng thời gian cô đau khổ nhất. Người bạn ấy lúc nào cũng thích so sánh và hạ thấp cô, nên cô cũng tìm mọi cách để vượt lên.

Bạn khoe ba câu lại có một câu nhắc đến chuyện kiếm được bao nhiêu tiền, mua bao nhiêu túi xách, thì cô liền lao đầu vào làm thêm giờ, kiếm nhiều hơn, mua những món đắt đỏ hơn.

Bạn chê bai ngoại hình cô, nói rằng mặt cô to, trông già, thì cô cũng đáp trả bằng những lời lẽ cay nghiệt hơn.

Cứ như thế, cô dần trở nên phô trương trong mọi hành động, chỉ để chắc chắn rằng bạn sẽ nhìn thấy. Thế nhưng, càng như vậy, nội tâm cô càng trở nên méo mó và bức bối. Chỉ cần có một khía cạnh nào đó thua kém bạn, cô liền rơi vào trạng thái đau khổ, lo lắng, tự phủ định chính mình. Mãi đến khi cả hai hoàn toàn cắt đứt quan hệ, cô mới thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của sự so đo hơn thua này.

Nhà văn Chu Lăng từng nói: "Chìm đắm trong vòng xoáy so sánh với người khác, đó không chỉ là một nỗi đau, mà còn là một sự bi ai."

So sánh chẳng khác nào một kiểu hành hạ tinh thần. Cuộc sống của mình tốt hay không, chỉ bản thân mới là người quyết định. Thay vì tự đày đọa bản thân trong vũng lầy của sự ganh đua, để từng dây thần kinh đều bị căng thẳng đến mức kiệt quệ, chi bằng dành thời gian đó để tập trung hoàn thiện bản thân và cùng nhau tiến bộ.

Suy cho cùng, một mối quan hệ thực sự lành mạnh luôn giúp đôi bên cùng nâng đỡ nhau, chứ không phải kéo nhau xuống vực thẳm.

Lời cổ nhân nghìn năm vẫn đúng, đặc biệt thấm trong thời đại ngày nay: 4 BUÔNG - Giàu có, tự tại sớm tìm đến!- Ảnh 4.

04. Buông bỏ ham muốn sửa chữa, thay đổi người khác

Nhà biên kịch nổi tiếng Sơ Tiểu Quỹ từng kể về một người hâm mộ nam của cô. Cậu ấy là sinh viên năm hai, đã chuyển phòng ký túc xá ba lần, sống thử qua tất cả các phòng trong lớp, nhưng không ai muốn ở chung với cậu.

Cậu cảm thấy vô cùng bức bối và khó hiểu, không biết tại sao lại bị tất cả mọi người xa lánh, nên đã lặn lội tìm đến Sơ Tiểu Quỹ để than phiền.

Cậu nói: "Mấy đứa bạn cùng phòng thật ngốc nghếch, chẳng biết phân biệt ai tốt ai xấu. Tôi sẵn sàng khuyên nhủ, giúp họ sửa sai cũng chỉ vì có lòng tốt thôi, sao không ai chịu hiểu cho tôi chứ?"

Thì ra, trong cuộc sống, cậu ấy luôn thích chỉ bảo người khác. Chỉ vì đọc thêm vài cuốn sách trong thư viện, cậu đã cho rằng mọi người xung quanh đều kém cỏi, chuyện gì cũng phải xen vào, sửa sai cho họ. Có một người bạn cùng phòng đam mê chơi guitar, muốn tiếp quản một cửa hàng đàn, vừa kinh doanh vừa mở lớp dạy học. Những người khác trong phòng hoặc là góp vốn, hoặc là gửi lời chúc mừng. Chỉ có cậu ta, kéo người bạn kia ra, hết lòng phân tích rủi ro, liên tục khuyên can rằng không nên tiếp quản cửa hàng đó. Không chỉ riêng chuyện này, trong cuộc sống hàng ngày, cậu luôn lấy danh nghĩa "vì muốn tốt cho người khác" mà can thiệp vào suy nghĩ và quyết định của họ. Nhưng kết quả là chẳng ai trân trọng lòng tốt của cậu. Ngược lại, chính cậu mới là người cảm thấy kiệt sức và đau khổ trong quá trình liên tục sửa sai cho người khác.

Nhà văn Lý Thượng Long từng nói: "Phần lớn những điều khiến con người không vui đều bắt đầu từ việc cố gắng thay đổi người khác."

Cứ nhất quyết chống lại những suy nghĩ đã ăn sâu trong tâm trí người khác, cứ khăng khăng thách thức quan điểm mà họ đã bảo vệ suốt hàng chục năm, cuối cùng ai sẽ là người mệt mỏi, ai sẽ là người đau khổ, nếu không phải chính bạn?

Mỗi người đều có số phận riêng, chúng ta không thể thay đổi, cũng không thể cưỡng cầu. Hãy buông bỏ ham muốn sửa chữa người khác và thu lại ý định chỉ bảo họ. Tôn trọng mọi thứ, chấp nhận mọi thứ, những tủi thân và phiền muộn trong giao tiếp rồi cũng sẽ tan biến.

Lời cổ nhân nghìn năm vẫn đúng, đặc biệt thấm trong thời đại ngày nay: 4 BUÔNG - Giàu có, tự tại sớm tìm đến!- Ảnh 5.

Phật gia có câu: "Một niệm buông bỏ, vạn sự an nhiên."

Con người rơi vào vòng xoáy tiêu hao năng lượng trong các mối quan hệ, chẳng qua là vì suy nghĩ quá nhiều, cuối cùng vừa làm khó người khác, vừa làm khổ chính mình.

Hãy rộng lượng hơn, mở lòng hơn.

Không tranh giành, không đấu đá, không kỳ vọng.

Không chấp nhặt, không phán xét, không tủi hờn.

Tự khắc, bạn sẽ thoát khỏi mọi gánh nặng tinh thần và có được một vòng quan hệ nhẹ nhàng, tự tại.