Dù Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 đã qua được 2 ngày, nhưng những dư âm của nó vẫn còn đọng lại. Trên mạng xã hội, các các bạn học sinh vẫn thi nhau “flex” xem ai tổ chức 20/11 “xịn xò” nhất cho thầy cô, nhìn thấy sự sáng tạo của các bạn học sinh Gen Z trong cách tặng quà cho các thầy cô mà ai cũng trầm trồ.
Để nói về độ sáng tạo trong cách tặng quà thầy cô năm nay không thể không kể đến các bạn học sinh 11A7 hay còn gọi là A7K12 của trường THPT Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội). Món quà “siêu to khổng lồ” theo đúng nghĩa đen mà các bạn gửi tặng cô giáo chủ nhiệm của mình khiến dân tình không khỏi thích thú.
Theo đó, cả lớp đã in hẳn một tấm áp phích dài 3m có lời chúc dành tặng mình, ảnh của mình và ảnh của tập thể lớp và thả từ tầng cao xuống. Sau khi cô giáo xuất hiện ở sân, các bạn còn không quên reo hò to với nội dung “Cô Hạnh Kiss 8386 mãi đỉnh”.
Cả trường hò reo để chúc mừng cô giáo Hạnh.
Chưa dừng lại ở đó, tới khi lên lớp, các bạn học sinh này tiếp tục bí mật chuẩn bị 1 thùng quà rất to, được bọc giấy xinh xắn và buộc nơ cùng với 2 chiếc bánh gato và lời chúc 20/11. Học sinh yêu cầu cô tự tháo nơ bóc quà, và phía trong hộp quà là 1 bạn học sinh ở trong đó bất ngờ đứng bật dậy, rồi chúc mừng 20/11 khiến cô “ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa”.
Chứng kiến loạt khoảnh khắc này, netizen đã dành nhiều lời khen cho món quà và tình cảm mà các bạn học sinh dành cho cô giáo của mình. Bên cạnh đó, cộng đồng mạng còn hài hước cho rằng “cô Hạnh” chắc hẳn là người hạnh phúc nhất 20/11 năm nay.
Lần theo các bài đăng, cuối cùng cũng tìm ra được “cô Hạnh” trong truyền thuyết mà mọi người đang rầm rì suốt mấy ngày qua. Được biết, nhân vật chính của màn trao quà trên chính là cô Hữu Thị Hạnh - giáo viên Giáo dục kinh tế và pháp luật của trường THPT Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội), đồng thời là GVCN lớp 11A7 hay còn gọi là A7K12.
Chia sẻ về cảm xúc của bản thân trước những món quà mà học trò dành cho mình, cô Hạnh không giấu nổi xúc động, chỉ trong một ngày mà cô đã đi hết từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Đặc biệt khi đứng đứng ở giữa sân trường, thấy ảnh của mình và ảnh của tập thể lớp được treo trên tấm áp phích dài 3m, cô đã bật khóc.
Đáng nói trước đó, các bạn học sinh không để lộ bất kỳ “hint” nào về việc tổ chức 20/11 cho cô Hạnh. Hơn nữa, vì đây là năm đầu tiên cô đứng lớp chủ nhiệm, nên những ý niệm về việc được học sinh tổ chức Ngày Nhà giáo Việt Nam gần như không có, điều đó khiến cô thêm phần bất ngờ.
“Các bạn quả thực đã trở thành những đạo diễn và diễn viên rất chuyên nghiệp, phối hợp diễn kịch với nhau khiến cô chủ nhiệm không cảm thấy bất thường và nghi ngờ chút nào”, cô Hạnh chia sẻ.
Đến thời điểm hiện tại, cô Hạnh đã đứng trên bục giảng được 10 năm và đã dìu dắt rất nhiều khóa học sinh với rất nhiều kỉ niệm khó quên. Trong đó, kỉ niệm đặc biệt khiến nữ giáo viên khó quên nhất có lẽ là vào chính đám cưới của mình. Các bạn học sinh khóa năm đó cô dạy đã tự tay làm hoa giấy để trang trí phông cho cô, rồi thuê quần áo để mặc đi đón lễ ăn hỏi giúp cô.
“Thời điểm lúc đó tôi đang làm công tác Đoàn – và hôm tổ chức đám cưới, rất nhiều các học sinh trong đội văn nghệ, cán bộ lớp, bí thư các lớp bí mật bất ngờ thuê xe lên chúc mừng cô, tổ chức ca nhạc, nhảy và hát rất vui. 1 xe 35 chỗ học sinh, khiến gia đình phải khẩn trương nấu chuẩn bị thật nhanh thêm cỗ cho học sinh”, cô Hạnh kể lại.
Ngoài công tác chủ nhiệm, cô Hạnh cũng luôn luôn xác định mình là người giáo viên, nên công tác chuyên môn được cô quan tâm hàng đầu. Đặc biệt trước những thay đổi của chương trình GDPT 2018 ở cả 3 khối lớp, cô Hạnh xác định cần tự bồi dưỡng và cập nhật kiến thức chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học để đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình mới.
“Bộ môn tôi giảng dạy có các kiến thức về lĩnh vực xã hội, tôi xây dựng các nội dung dựa trên kiến thức trong SGK thành các dự án, các vấn đề liên hệ thực tiễn, để học sinh làm các sản phẩm học tập như thiết kế áp phích, làm video, làm các slide trình chiếu”.
Để học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả mà không cảm thấy áp lực, cô thường áp dụng các cách sau:
- Tạo không khí lớp học thoải mái, bằng các trò chơi học tập khởi động đầu giờ học.
- Lắng nghe học sinh, lồng ghép những tình huống thực tế hoặc câu chuyện thú vị để minh họa bài học.
- Khuyến khích sự cố gắng và tiến bộ của học sinh, việc ghi chép bài theo hình thức sơ đồ giúp học sinh nhớ nhanh và khoa học hơn.
Ảnh: NVCC
Đông