Trung Quốc vừa kích hoạt hệ thống máy tạo "siêu trọng lực" tiên tiến nhất thế giới, mang tên Centrifugal Hypergravity and Interdisciplinary Experiment Facility (CHIEF), với tham vọng giải mã các hiện tượng khoa học phức tạp và giải quyết những thách thức kỹ thuật lớn. Đặt tại thành phố Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, hệ thống này có khả năng tạo ra lực mạnh gấp hàng nghìn lần trọng lực trên Trái Đất.
Khi chính thức đi vào hoạt động, CHIEF sẽ trở thành nền tảng đa ngành hàng đầu thế giới, hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực từ kỹ thuật, địa chất, đến vật liệu học. Chính quyền Hàng Châu ca ngợi sự kiện này như một cột mốc quan trọng, đưa Trung Quốc vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu siêu trọng lực.
Được phê duyệt từ năm 2018 bởi Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC), dự án CHIEF bắt đầu được xây dựng vào năm 2020 dưới sự giám sát của Đại học Chiết Giang. Hệ thống này bao gồm ba máy ly tâm tạo siêu trọng lực chính và 18 đơn vị thí nghiệm đi kèm.
Máy ly tâm đầu tiên, với thiết kế như hai cánh tay khổng lồ giữ các giỏ thí nghiệm, đã được lắp đặt. Hai máy ly tâm còn lại cùng 10 đơn vị thí nghiệm đang trong quá trình chế tạo. Các máy ly tâm này có thể tạo ra môi trường siêu trọng lực – những điều kiện vật lý cực đoan vượt xa sức tưởng tượng trong đời sống hàng ngày.
Khái niệm "siêu trọng lực" (hypergravity) chỉ lực mạnh hơn trọng lực tiêu chuẩn của Trái Đất (1g). Để dễ hình dung, các phi hành gia khi trở lại bầu khí quyển Trái Đất phải chịu lực siêu trọng lực ở mức 4g – tương đương với trọng lượng cơ thể họ tăng gấp 4 lần.
Hệ thống CHIEF dự kiến vượt qua cả cơ sở siêu trọng lực của Quân đoàn Kỹ sư Lục quân Hoa Kỳ (1.200 g-t). Với sức mạnh lên tới 1.900 g-t, đây sẽ là công trình siêu trọng lực hiện đại nhất thế giới. CHIEF bao gồm sáu buồng thí nghiệm siêu trọng lực chuyên dụng, tập trung vào các lĩnh vực như: kỹ thuật đê đập, địa kỹ thuật động đất, thăm dò biển sâu, nghiên cứu lòng đất, và xử lý vật liệu.
Một trong những ứng dụng đầy tiềm năng của CHIEF nằm trong lĩnh vực kỹ thuật biển sâu, đặc biệt là nghiên cứu về hydrat khí tự nhiên – một nguồn năng lượng sạch tiềm năng nằm dưới đáy biển và băng vĩnh cửu. Bằng cách mô phỏng và tối ưu hóa quy trình khai thác, hệ thống này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả trong việc khai thác nguồn tài nguyên dồi dào này.
CHIEF được đưa vào Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc (2016–2020) như một trong mười cơ sở hạ tầng khoa học trọng điểm, với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 276,5 triệu USD). Đây không chỉ là công trình khoa học, mà còn là biểu tượng của sự đầu tư mạnh mẽ vào khoa học công nghệ, khẳng định vị thế của Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.
Anh Việt