Khi vụ việc Hằng Du Mục bị chồng bạo hành gây xôn xao MXH, nhiều người bày tỏ sự xót xa đồng cảm cho thân phận phụ nữ. Họ bảo nhau: Tốt nhất là không nên lấy chồng xa, không nên lấy chồng đã từng có nhiều đời vợ, không nên lấy chồng hơn quá nhiều tuổi… Nhưng có phải những cái “không nên” này nếu tránh được sẽ không rơi vào cảnh như Hằng Du Mục?
Chị Hoàng Phượng (50 tuổi, giáo viên tại trường tiểu học Hữu Nghị, Hòa Bình) bày tỏ quan điểm: “Chúng ta có dạy con cái cách yêu, cách chọn bạn đời, cách tỉnh táo trong mối quan hệ tốt đến đâu, thận trọng đến mấy mà không tạo cho con 1 môi trường sống lành mạnh thì mọi thứ cũng chỉ là lý thuyết”.
Kết hôn 22 năm, có 2 con gái nhưng quan điểm sống của chị rất đơn giản: Cố gắng nỗ lực mỗi ngày để cống hiến hết mình.
Môi trường gia đình, hôn nhân của bố mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến con cái
Có nhiều câu chuyện bi kịch hôn nhân đau lòng được đăng tải trên các mặt báo hàng ngày. Ngay cả sự việc vừa xảy ra với gia đình Hằng Du Mục cũng là 1 phần xuất phát từ gốc rễ gia đình. Một người chồng thất bại hôn nhân đến lần thứ 3, liên tục sử dụng bạo lực từ đời vợ này đến đời vợ khác để chính con đẻ cũng “quay lưng”. Điều đó cho thấy môi trường gia đình độc hại hay lành mạnh ảnh hưởng đến các thành viên nhiều thế nào.
Là giáo viên, hàng ngày tiếp xúc với nhiều bạn nhỏ, không chỉ dạy học mà đóng rất nhiều vai như chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ, thậm chí làm “quan tòa” đứng ra hòa giải mỗi lần học sinh mâu thuẫn nên chị Phượng cần rất nhiều sự kiên nhẫn. Không chỉ với công việc, chị cho rằng kiên nhẫn là 1 yếu tố quan trọng để chị quản lý gia đình.
Chị chia sẻ: “Mối quan hệ bố mẹ là mô hình đầu tiên về các mối quan hệ mà trẻ tiếp xúc. Cách bố mẹ giao tiếp, giải quyết mâu thuẫn sẽ ảnh hưởng đến cách trẻ xây dựng các mối quan hệ trong tương lai. Môi trường gia đình ấm áp, hòa thuận giúp trẻ cảm thấy an toàn và phát triển lành mạnh về mặt cảm xúc. Sự tôn trọng và yêu thương giữa bố mẹ dạy trẻ về giá trị của tình yêu và sự tôn trọng trong các mối quan hệ. Cách bố mẹ giải quyết vấn đề cùng nhau dạy trẻ kỹ năng giải quyết xung đột và giao tiếp hiệu quả. Môi trường căng thẳng hoặc bạo lực có thể gây tổn thương tâm lý lâu dài cho trẻ. Đặc biệt rất có thể hình thành tính cách xấu khi trẻ trưởng thành (rập khuôn sự bạo lực của bố)”.
Theo chị, bố mẹ cũng nên nhìn vào phản ứng của con trước mọi tình huống trong cuộc sống mà học cách sửa mình.
Phụ nữ cần đặt ra giới hạn cho riêng mình
Chị Phượng dù ở thế hệ trước nhưng rất chịu khó học hỏi để hiểu giới trẻ, những suy nghĩ, tư duy của Gen-z. Chị thấy ở thế hệ trước phụ nữ hay có xu hướng hy sinh, cam chịu vì chồng vì con. Còn các bạn trẻ bây giờ thì có phần “cả thèm chóng chán”. Vậy nên việc dung hòa 2 quan điểm này là điều khá cần thiết.
Trong xã hội phức tạp mà người ta thường bảo nhau “tốt nhất là độc thân chứ yêu đương vào lại được tặng thùng xốp”, chị Phượng vẫn hướng cho 2 cô con gái những điều tích cực.
“Đứng trước một con suối nước chảy xiết không còn con đường nào khác, chúng ta không thể quay đầu hoặc ngồi chờ trợ giúp, việc cần làm là tính toán thật kĩ, trang bị đầy đủ thứ cần thiết để vượt qua nó 1 cách an toàn. Có 2 con gái lớn nên tôi thường dạy con:
1. Dạy con tự tin vào bản thân và không phụ thuộc vào người khác để xác định giá trị của mình. Khuyến khích con phát triển tài năng và sở thích riêng, sự nghiệp riêng, không cần vội vã lấy chồng vì đã đến tuổi cưới.
2. Hướng dẫn con cách đặt và duy trì ranh giới cá nhân trong các mối quan hệ, cần biết từ chối những điều không phù hợp với giá trị của mình.
3. Đôi khi cần tin tưởng vào trực giác, nếu thấy không an toàn trong một tình huống, không thoải mái trong 1 mối quan hệ cần tìm cách rời đi ngay lập tức.
4. Sớm cho con nhận biết được 1 mối quan hệ lành mạnh hay độc hại sẽ thể hiện ở những khía cạnh nào. Không được nhẫn nhịn với bạo lực, không thỏa hiệp với sự lừa dối.
5. Dạy con cách nhận biết và tránh xa các tình huống nguy hiểm. Đừng nghĩ con lớn rồi thì không cần dạy, những cạm bẫy, hố đen trong yêu đương, hôn nhân còn đáng sợ hơn rất nhiều so với cạm bẫy ngoài xã hội.
6. Truyền đạt các giá trị đạo đức cốt lõi như trung thực, lòng tốt và sự tôn trọng. Không dạy con phải hy sinh vì những gì không đáng, hay làm tất cả để có được tình yêu, có thể giải quyết những bất đồng 1 cách xây dựng và hòa bình nhưng phải tự đặt ra ranh giới, giới hạn để người khác không được phép làm tổn thương mình”.
Có không ít gia đình xảy ra vấn đề: Người mẹ cam chịu sẽ vô tình “đào tạo” ra 1 đứa con gái cũng cam chịu, người bố bạo lực sẽ vô tình tạo ra 1 đứa con trai bạo lực. Vậy nên, nền móng hôn nhân, gia đình góp phần rất lớn vào hạnh phúc của những đứa con sau này.