Mới đây, hình ảnh được một giáo viên chia sẻ trên diễn đàn Baidu (Trung Quốc) đã gây xôn xao cộng đồng mạng nước này. Trong bức ảnh, ông Lưu Tấn Bân - Hiệu trưởng Trường thực nghiệm ngoại ngữ Tiền Giang (Hàng Châu, Trung Quốc) đang ngồi cùng một bé trai trên sàn nhà ngay tại khu vực nghỉ ngơi bên ngoài lớp học.
Nhìn thấy khoảnh khắc này, nhiều người đã tỏ ra thắc mắc về việc tại sao họ lại ngồi dưới đất và họ đang nói với nhau điều gì?
"Thực ra cũng chỉ có chút chuyện nhỏ thôi. Hôm đó tâm trạng của đứa nhỏ trong giờ học hơi trầm nên tôi đã nói chuyện để giúp cậu bé thoải mái hơn", hiệu trưởng Lưu nói.
Thì ra cậu nhóc đang ngồi bên cạnh hiệu trưởng chính là học sinh lớp 201 của trường. Trong tiết học Khoa học buổi chiều hôm ấy, cậu bé trong giờ học trông có vẻ hơi chán nản và trầm tính, khác với sự năng động thường ngày.
Thầy Lưu chia sẻ thêm đây là một cậu bé khá thông minh và lễ phép, thường xuyên chào hỏi thầy cô mỗi khi gặp mặt nên thầy rất ấn tượng. Là hiệu trưởng của trường, thầy Lưu cũng thường xuyên dự giờ một số lớp học, và trong tiết Khoa học của lớp 201, thầy đã quan sát thấy cậu bé năng động thường ngày có gì đó không ổn, vậy nên thầy đã gọi cậu bé ra ngoài để hỏi thăm.
Bởi vì ngoài hành lang đã hết chỗ nên hai thầy trò quyết định ngồi dưới sàn để trò chuyện. Thầy hiệu trưởng Lưu Tấn Bân rất nhẹ nhàng lắng nghe cậu học trò, thầy còn nói với cậu rất nhiều điều mới mẻ về khoa học và khen cậu rất chăm chỉ khi thường xuyên có thói quen đọc sách sau mỗi buổi học. Tuy nhiên, thầy Lưu cũng nhắc nhở cậu bé nên tập trung lắng nghe cả lời thầy cô giảng dạy trên lớp, có như thế cậu mới có thể hiểu về bài học sâu sắc hơn được. Sau khi được hiệu trưởng an ủi, tâm trạng của cậu học sinh đã khá hơn rất nhiều.
Và cảnh tượng ấm lòng này được một giáo viên tình cờ đi ngang qua chụp lại.
"Trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc nhất thời. Do đó, việc tạo ra một không gian để trẻ được chia sẻ, được lắng nghe là vô cùng quan trọng". Hiệu trưởng Lưu giải thích: "Những đứa trẻ cũng có thế giới nội tâm riêng. Người lớn nên quan tâm và trò chuyện cùng trẻ để giúp chúng bình tĩnh và cởi mở hơn".
Và quả thực, sau khoảng 10 phút trò chuyện với hiệu trưởng Lưu, cậu bé cuối cùng cũng cảm thấy thoải mái hơn và vui vẻ trở lại lớp để tiếp tục buổi học.
Dù chỉ là một hành động nhỏ, nhưng chính sự chân thành trong khoảnh khắc ấy đã khiến bức ảnh trở nên viral. Có thể thấy, vị hiệu trưởng già trong câu chuyện đã có cách giáo dục trẻ vô cùng tâm lý và đầy thấu hiểu. Rõ ràng, ngay cả đối với trẻ nhỏ, việc được đối xử một cách tôn trọng và bình đẳng cũng là điều vô cùng quý giá. Đó chính là nền tảng để xây dựng một mối quan hệ tin cậy giữa người lớn và trẻ em. Việc thầy ngồi xuống tâm sự cùng em nhỏ đã cho thấy một bầu không khí giáo dục ấm áp, điều này có thể giúp trẻ dễ dàng mở lòng hơn.
1. Cúi xuống và đưa tầm mắt ngang bằng với trẻ, chúng ta không chỉ nhìn thấy thế giới qua đôi mắt của con, mà còn cảm nhận được tâm hồn của con.
Các bậc phụ huynh thường có xu hướng đánh giá hành vi của con trẻ qua lăng kính của người lớn. Tuy nhiên, tiền đề của giáo dục là sự thấu hiểu. Chỉ khi hiểu được hành vi và tâm lý của trẻ, ta mới có thể bước vào thế giới của chúng và giúp chúng phát triển tích cực hơn.
Người lớn khi thấy trẻ mắc lỗi thường nói một số câu quen thuộc như: "Con có biết tại sao mẹ tức giận không?", "Con có biết mình đã sai ở đâu không?", "Con có nghĩ làm như vậy là đúng không?"...
Trong khoảnh khắc đó, ánh mắt trẻ thơ thường chứa đựng sự sợ hãi và bối rối. Với bộ não non nớt, trẻ cố gắng phân tích tình huống để tìm ra lỗi lầm của mình, nhưng lại dễ dàng bị ảnh hưởng bởi thái độ của người lớn.
Trẻ em thường có những cách nhìn nhận vấn đề rất riêng. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể hiểu được động cơ và suy nghĩ của chúng. Đôi khi, có thể những hành vi mà chúng ta cho là "sai trái" lại hoàn toàn hợp lý trong mắt trẻ.
Có một lần, hiệu trưởng Lưu vô tình thấy một cậu học sinh đang ném những mảnh gỗ nhỏ vào cây bạch quả cổ thụ. Khi bị hỏi lý do, cậu bé nói rằng đang cố gắng hái quả bạch quả.
Thầy hiệu trưởng thắc mắc: "Tại sao em lại hái quả bạch quả?". Bởi trong trường học luôn có quy định là phải bảo vệ cây cối và không được phép ngắt hoa hái quả tuỳ tiện.
Câu trả lời của cậu bé đã khiến thầy vô cùng bất ngờ: "Em muốn hái để mang về cho ông nội. Bởi vì bạch quả có thể giúp hạ huyết áp, ông nội chỉ cần ăn 10 quả một ngày là có thể khỏi bệnh rồi".
"Vậy em nhặt được bao nhiều rồi?", thầy Lưu nhẹ nhàng đáp.
Cậu bé cười vui vẻ đáp: "Không nhiều lắm ạ!" và đổ từ trong túi ra khoảng bảy tám quả nhỏ đã nhặt được.
Hiểu được lý do, hiệu trưởng Lưu không hề trách phạt mà ngược lại còn rất ủng hộ hành vi của cậu bé: "Không thể chỉ vì vi phạm nội quy mà lại quy chụp đứa trẻ hái quả là đứa trẻ hư được. Chúng ta hơn hết cần phải tìm hiểu nguyên nhân đằng sau hành vi đó thì mới có thể đưa ra đánh giá rõ ràng".
Cậu bé hiếu thảo ấy đã để lại trong lòng hiệu trưởng Lưu một ấn tượng sâu sắc. Vào mùa thu năm sau, thầy hiệu trưởng đã đặc biệt nhặt một túi lớn bạch quả để chờ đưa cho cậu bé.
2. Thay vì vội vàng dán nhãn "đứa trẻ hư" cho con, hãy cố gắng hiểu rõ lý do tại sao con lại hành động như vậy. Bởi đằng sau mỗi hành vi của trẻ đều có một câu chuyện.
Có một câu chuyện khác cũng từng khiến dân tình chú ý với nhân vật chính là một vị hiệu trưởng tên Lý Hải Lâm.
Một tối thứ Hai nọ, hiệu trưởng Lý đang đi tuần trong khuôn viên trường trong trang phục thường ngày thì có một cậu học sinh lớp 1 đột nhiên chạy tới hỏi: "Thầy là hiệu trưởng Lý Hải Lâm ạ?".
"Đúng vậy, em không thấy thầy bao giờ sao?".
"Có ạ, nhưng vì bình thường thầy không mặc quần áo như vậy".
"Phải rồi, bình thường thầy sẽ mặc vest, còn đây là trang phục thường ngày của thầy".
Đứa trẻ hiển nhiên không hiểu được tính chất khác nhau giữa hai bộ quần áo. Nó suy nghĩ một lúc rồi nói: "Ngày mai thầy có định mặc đồ như này không?".
"Vậy em có thích thầy mặc đồ như vậy không?", hiệu trưởng Lý hỏi.
Cậu bé gật đầu.
"Được rồi, ngày mai thầy sẽ mặc bộ quần áo này".
Nghe thấy vậy, cậu bé tỏ ra vô cùng vui mừng, nhưng hành động sau đó của cậu vô cùng bất ngờ và khó hiểu khi cậu giơ chân lên và đá thầy hiệu trưởng, rồi nhanh chóng chạy về lớp học.
Thầy hiệu trưởng suy nghĩ một lúc rồi bước vào lớp và ngồi cạnh cậu bé, hỏi: "Em có thích thầy mặc bộ quần áo này không?".
Cậu bé gật đầu.
"Em có yêu quý thầy không?".
Cậu bé gật đầu, chân cậu lại cử động, như thể muốn đá thầy một lần nữa.
Hiệu trưởng Lý đã nhanh tay chặn lại và nói: "Em muốn đá thầy phải không?".
Cậu bé ngượng ngùng tiếp tục gật đầu.
"Thầy biết hành động của con đang muốn thể hiện là con rất yêu quý thầy. Nhưng thầy đau quá, con có thể xoa cho thầy được không?".
Đứa trẻ ngập ngừng một vài giây và nhẹ nhàng chạm vào chân hiệu trưởng Lý.
"Nếu sau này con muốn thể hiện rằng con yêu quý thầy thì thay vì đá, con chỉ cần đập tay với thầy thôi nhé", Hiệu trưởng Lý đưa tay ra, đứa trẻ không chút do dự giơ tay lên đập tay cùng ông.
Sau câu chuyện này, hiệu trưởng Lý nhận ra: "Thế giới và suy nghĩ của trẻ con thật khác với người lớn".
Trong thế giới người lớn, việc đá người khác là điều vô cùng bất lịch sự. Nhưng với trẻ con, đó có thể chỉ là một cách thể hiện tình cảm ngây thơ. Nếu không thấu hiểu điều này, chúng ta có thể dễ dàng trách mắng sai và làm tổn thương trẻ.
"Tôi thích bạn nên tôi đá bạn" rõ ràng không phải là cách thể hiện cảm xúc chính xác và phù hợp. Vì vậy, chúng ta cần dạy trẻ một cách khác để thể hiện cảm xúc, nhưng trước hết chúng ta cần hiểu rõ tại sao trẻ lại hành động như vậy. Chỉ khi hiểu được tâm lý của trẻ, chúng ta mới có thể giúp trẻ thay đổi.
Việc nhắc nhở trẻ không được phép đá hay có những hành động bất lịch sự là đúng. Nhưng khi trẻ cảm thấy không được bạn thấu hiểu, thêm vào đó còn bị chỉ trích, la mắng sẽ khiến trẻ sẽ cảm thấy chán ghét và bày tỏ thái độ không tốt.
Chúng ta thường mắc sai lầm khi cố gắng hiểu trẻ con bằng kinh nghiệm của người lớn. Thực tế, thế giới nội tâm của trẻ con phức tạp và đa dạng hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng. Việc cố gắng áp đặt cách suy nghĩ của người lớn lên trẻ con sẽ khiến chúng ta bỏ lỡ nhiều điều thú vị và gây ra những hiểu lầm không đáng có.
Để có thể giáo dục và nuôi dạy trẻ một cách hiệu quả, điều quan trọng là chúng ta cần đặt mình vào vị trí của trẻ. Điều này có nghĩa là chúng ta cần cố gắng nhìn thế giới qua đôi mắt của trẻ, lắng nghe những suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm của chúng một cách chân thành. Chỉ khi làm được như vậy thì ta mới có thể xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp với trẻ và tạo ra một môi trường nuôi dưỡng sự phát triển toàn diện của trẻ.
Theo Sohu
Trang Vũ