Ngoài diễn xuất, nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu hiện đang giảng dạy bộ môn Tiếng nói sân khấu tại trường Sân khấu Điện ảnh.
Tại chương trình 5W1H tuần này, nghệ sĩ Hữu Châu đã chia sẻ về chuyên môn nghề nghiệp.
Anh nói: "Những lúc không nói gì lại là lúc nói nhiều nhất trên sân khấu. Không phải cứ nói ra lời mới là tiếng nói sân khấu. Một tiếng thở dài, tiếng ho, tiếng thở hắt ra cũng là tiếng nói sân khấu. Ngay cả trong tiếng ho cũng không phải tiếng ho nào cũng giống tiếng ho nào, ho hen suyễn khác ho lao phổi nên phải học để ho cho đúng.
Các em nghệ sĩ trẻ nên nhớ rằng, cơm mình ăn, quần áo mình mặc, tiền nuôi cha mẹ, nuôi vợ con… đều là tiền của khán giả, là tiền người ta bỏ ra cho mình.
Vì vậy, khi ra sân khấu diễn phải vắt óc suy nghĩ, hết mình với vai diễn, sao cho xứng với cái tiền khán giả bỏ ra cho mình. Dù rằng hiện nay, tiền mua vé vào xem kịch rẻ lắm, nhưng diễn viên sân khấu vẫn phải hết mình.
Vì thế nên đến giờ, tôi và anh Thành Lộc đã ở tuổi U70 nhưng vẫn được khán giả thương. Trong vở Bí mật vườn Lệ Chi, không ai có thể đóng qua được Thành Lộc ở đoạn lên cơn hen suyễn. Nhà hát Bến Thành to như thế mà tiếng ho vang vọng đến rùng mình. Thành Lộc không diễn cho khán giả coi mà diễn cho Tổ coi, cho chính anh ấy, tôi cũng vậy.
Không ai diễn được đoạn đó qua Thành Lộc vì nó đầy kỹ thuật nhưng vẫn chân thực. Kỹ thuật của Thành Lộc giỏi tới mức khán giả coi tưởng là thật. Nhiều người diễn chỉ có bên ngoài không có bên trong nhưng có người diễn từ bên trong toát ra. Đó là những cái tôi dạy cho học trò của tôi.
Khi dạy học trò, bài học đầu tiên của tôi là cho chúng coi clip NSND Bảy Nam diễn vở Lá sầu riêng. Tôi tin, học trò tôi phải rớt nước mắt khi xem vở kịch này. Tôi nhìn qua thấy đứa học trò nào rớt nước mắt là biết có thể truyền nghề được, dễ dạy, còn rửng rưng thì khác.
Bản thân tôi mỗi khi đi đường thấy có cãi lộn đều dừng lại coi. Không phải tôi nhiều chuyện mà xem ngôn ngữ của họ như thế nào, xem cách họ nhấn trọng âm khi cãi lộn ra sao".
Tùng Ninh