Mới đây, tại chương trình Kịch và Nghệ, nghệ sĩ Phương Hồng Thủy tiết lộ cô rời sân khấu tới giờ cũng được hơn 20 năm.
Cô nói: "Tôi rời sân khấu đến nay cũng được hơn 20 năm rồi. Vở diễn cuối cùng tôi diễn là Cô đào hát năm 1998, tới năm 2000 tôi chỉ diễn vài trích đoạn chơi thôi, không đứng trên sân khấu nữa, và tới 2004 thì đi nước ngoài. Nói nôm na là tôi theo chồng bỏ cuộc chơi.
Cái gì cũng có lý do của nó. Ban đầu tôi vẫn đi đi về về trong nước để hát hò nhưng tới một lúc cảm thấy không còn người bạn đứng chung trên sân khấu nữa thì đành thôi.
Thi thoảng tôi vẫn đi xem các bạn như Thành Lộc diễn kịch nói để còn giữ được cái lửa nghề không bị mất. Lâu lâu tôi vẫn ngồi ca hát chơi để giữ lửa nghề trong lòng, không bị đánh mất nó.
Dù sao đây cũng là cái nghề tôi học ở trường, được thầy cô dạy dỗ. Nhờ cái nghề này mà tôi nuôi sống được bản thân, gia đình và các em nên không bao giờ tôi được phép đánh mất cái nghề này.
Ở bên nước ngoài mà diễn cải lương là rất khó vì mọi người ở xa nhau quá, khó tập trung lại để ráp tuồng, hát hò với nhau, mời được người này thì người kia bận.
Vì thế nên bên nước ngoài có diễn cải lương cũng chỉ là chắp vá. Để có được một sân khấu hoàn chỉnh thì không được như trong nước, chỉ là nghe tiếng đờn rồi hát theo, không thể gọi là làm nghề được, chỉ là hát cho đỡ nhớ nghề.
7, 8 năm nay tôi chỉ hát cho chùa. Nhiều bầu show cũng mời tôi diễn nhưng tôi bảo thôi, tôi đã rời xa sân khấu rồi, giờ diễn lại chắc tôi nhớ nghề, chịu không nổi rồi chết đó.
Cái đau lòng của tôi ở nước ngoài là khi nghe tin có nghệ sĩ nào trong giới cải lương ra đi. Chị em tôi lại nhắn tin cho nhau rồi bùi ngùi, nếu bay được tới thắp nén nhang cho người đã khuất thì tốt.
Chẳng hạn, hồi nghệ sĩ Ngọc Đáng qua đời, chúng tôi đau lòng lắm. Chị Ngọc Đáng đúng nghĩa là người đàn chị, lo cho các em đủ thứ. Ở bên đó, chúng tôi có làm show Cải lương tôi yêu để bảo tồn cải lương, nhưng làm được đến số thứ 4 là ngưng vì không còn chị Ngọc Đáng nữa.
Lúc còn sống, chị Ngọc Đáng lo hết mọi thứ, làm cả phục trang, ngồi đeo kính nhắc tuồng mọi người, thương lắm, rất tình nghĩa.
Khán giả đến xem show toàn người già, người trẻ không có. Họ chở cha mẹ, ông bà tới xem rồi đi đâu mất, xong show thì quay lại đón. Tôi thương những người khán giả đó, không biết sau này cải lương có còn".
Tùng Ninh