Cha mẹ quan tâm, con khó chịu
Một thời gian trước, tôi có dịp gặp gỡ vài người bạn thân. Trong buổi trò chuyện, một người bạn than phiền rằng mối quan hệ giữa cô và con trai đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Cô kể rằng mình luôn quan tâm, thường xuyên mang trái cây, nước uống cho con khi con đang học bài. Nhưng đáp lại, con trai chỉ hét lên: "Có để yên cho con không? Đừng lúc nào cũng làm phiền con nữa!".
Một lần khác, con trai về nhà lúc 9 giờ tối. Quá tức giận, cô hỏi: "Con đi đâu mà giờ này mới về?". Nhưng con trai tỏ vẻ bất cần: "Việc của mẹ à?". Cô lập tức không kiềm chế được mà lớn tiếng: "Mẹ không lo thì ai lo? Con xem con lông bông thế này, không thấy áy náy với ba mẹ à? Con nhìn thử xem có đứa nào kém như con không?".
Con trai cũng không vừa, đáp trả: "Đâu phải con cầu xin ba mẹ nuôi con? Nếu mẹ thấy con nhà khác tốt, thì tìm con nhà khác mà nuôi đi!".
Câu chuyện kết thúc trong sự bùng nổ cảm xúc, nhưng không ai hiểu ai.
"Luật của quạ"
Câu chuyện của cô bạn khiến tôi nhớ đến "Luật của quạ". Trong một khu rừng, có con quạ sống cùng bồ câu. Một ngày, quạ nói với bồ câu rằng nó sẽ rời đi vì con người không thích tiếng kêu của nó. Bồ câu trả lời: "Nếu bạn không thay đổi tiếng kêu của mình, dù bạn đi đến đâu, cũng không ai chào đón bạn"."
"Luật của quạ" dạy rằng, nếu không thay đổi chính mình, bạn không thể thay đổi hoàn cảnh.
Trong mối quan hệ cha mẹ - con cái, nhiều bậc phụ huynh thường nhìn mọi thứ từ góc nhìn của mình, dùng lý lẽ để ép con cái nghe theo. Nhưng kết quả thường là con phản kháng. Nếu cha mẹ hiểu và áp dụng bài học từ "Luật của quạ", chủ động thay đổi cách tiếp cận, mối quan hệ gia đình sẽ thay đổi tích cực.
Hiệu ứng Heracles
Trong tâm lý học, có một hiện tượng gọi là Hiệu ứng Heracles, mô tả hành vi phản kháng giống như lò xo bị nén. Cha mẹ càng ép, con càng phản kháng mạnh mẽ. Trong chương trình "Biến hình ký" của Trung Quốc, có cậu bé tên Trịnh Tử Hào rất mê chơi game. Cha cậu, một luật sư, thường xuyên giảng giải: "Chơi game là sai!" hoặc "Con sẽ nghiện, giống như thuốc phiện, hại thân mất trí!" Nhưng thay vì nghe lời, Tử Hào càng đắm chìm vào thế giới game, ngó lơ mọi lời khuyên.
Rõ ràng, khi cha mẹ dùng quyền uy để áp đặt, kết quả thường là sự chống đối mạnh mẽ từ con cái.
Cha mẹ thay đổi, con cái thay đổi
Nhà giáo dục Suhomlinsky từng nói: "Hiệu quả giáo dục lớn nhất chính là khi trẻ không cảm thấy mình đang bị giáo dục". Những bậc cha mẹ khôn ngoan không cố gắng chiến thắng con cái, mà trở thành điểm tựa tinh thần để con tự mình thay đổi.
Muốn thay đổi mối quan hệ với con, cha mẹ cần thay đổi chính mình. Đừng nói quá nhiều, thay vào đó hãy lắng nghe. Một học sinh giỏi từng chia sẻ rằng ba mẹ em rất ít can thiệp vào việc học của em. Sự tin tưởng này khiến em tự giác hơn. Khi cha mẹ nói ít đi, con cái cảm thấy bớt áp lực, từ đó dễ dàng kết nối hơn với gia đình.
Ngoài ra, cha mẹ cần học cách yêu thương vô điều kiện. Một người cha từng nói: "Khi con đáng yêu, hãy yêu con. Nhưng khi con không đáng yêu, càng phải yêu con nhiều hơn".
Trong tình yêu thương, mọi đứa trẻ đều có thể thay đổi. Hơn nữa, thay vì chỉ tập trung vào khuyết điểm của con, hãy nhìn nhận ưu điểm của chúng. Có lần, một cậu bé làm vỡ bình hoa rồi nói dối rằng do con mèo làm rơi.
Người mẹ không trách phạt mà khen: "Con giỏi thật, tưởng tượng được con mèo biết mở cửa sổ. Con sẽ viết được tiểu thuyết trinh thám hay đấy!". Cậu bé xấu hổ, từ đó không nói dối nữa.
Khi cha mẹ nhận ra ưu điểm trong hành vi của con, con sẽ cảm nhận được giá trị bản thân và tự thay đổi.
Vai trò của cha mẹ không phải là mang lại cuộc sống dễ dàng cho con, mà là trở thành nguồn cảm hứng và sức mạnh tinh thần. Hiểu "Luật của quạ", từ bỏ áp đặt, yêu thương và thấu hiểu, cha mẹ sẽ giúp con tự tin tỏa sáng trong cuộc sống.
Thanh Hương