Nghiên cứu hơn 200 mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, chuyên gia chỉ ra cách nuôi dạy giúp con THÀNH CÔNG hơn người: Nếu bạn làm được điều này thì xin chúc mừng!

Thứ sáu, 30/05/2025 - 14:42

“Đứa trẻ cảm thấy an toàn về mặt cảm xúc hôm nay sẽ trở thành người lớn có khả năng tự điều chỉnh cảm xúc, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, tin vào bản thân và sống tự tin”.

Bài chia sẻ của Reem Raouda - chuyên gia hàng đầu về nuôi dạy con trên CNBC

*** 

Có nhiều cách để nuôi dạy con. Nhiều cha mẹ chọn kiểu nuôi dạy dung hòa giữa kỷ luật nghiêm khắc và sự yêu thương, hỗ trợ. Một số khác lại nghiêng về kiểu “cha mẹ độc đoán”, nhấn mạnh vào luật lệ và hình phạt.

Gần đây, tôi chứng kiến nhiều phụ huynh áp dụng “nuôi dạy nhẹ nhàng”, ưu tiên sự đồng cảm và công nhận cảm xúc.

Nhưng nếu nuôi dạy con thành công không phải là chuyện nghiêm khắc hay dịu dàng thì sao? Nếu câu trả lời nằm ở việc tạo ra một nơi an toàn về mặt cảm xúc?

Sau nhiều năm nghiên cứu hơn 200 mối quan hệ cha mẹ và con cái, cùng với quá trình thực hành các thói quen lành mạnh với chính con mình, tôi đã tận mắt chứng kiến điều gì giúp trẻ phát triển và điều gì âm thầm khiến chúng thu mình lại.

Chính vì vậy, tôi đã phát triển một mô hình nuôi dạy theo tôi là hiệu quả dựa trên thứ trẻ cần nhất nhưng lại hiếm khi nhận được: Cảm giác an toàn cảm xúc.

Nuôi dạy con một cách an toàn về mặt cảm xúc là gì?

Với phương pháp này, mục tiêu là lắng nghe sâu sắc những nhu cầu cảm xúc của trẻ. Tôi dạy phụ huynh không chỉ quản lý hành vi con trẻ, mà còn giúp các con xây dựng khả năng phục hồi cảm xúc, lòng tin và sự kết nối thông qua những cuộc trò chuyện cởi mở, chân thành.

Giống như phong cách “cha mẹ có thẩm quyền”, cách tiếp cận này vẫn thiết lập ranh giới rõ ràng và khuyến khích sự tự lập. Điều khác biệt nằm ở trọng tâm, cảm xúc, sự tự nhận thức và quá trình chữa lành bên trong chính người làm cha mẹ.

Nghiên cứu hơn 200 mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, chuyên gia chỉ ra cách nuôi dạy giúp con THÀNH CÔNG hơn người: Nếu bạn làm được điều này thì xin chúc mừng!- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Những đặc điểm phổ biến của cha mẹ tạo được cảm giác an toàn cảm xúc:

Họ chấp nhận cảm xúc của con mà không vội vàng sửa chữa hay gạt đi.

Họ không làm con cảm thấy xấu hổ, tránh những câu nói tạo cảm giác tội lỗi hay bẽ mặt, kể cả khi chính họ từng lớn lên với điều đó.

Họ xem những hành vi “xấu” (la hét, cãi lại) là dấu hiệu của căng thẳng, không phải sự chống đối.

Họ sẵn sàng nhận lỗi sau những xung đột, xin lỗi và kết nối lại, thay vì phạt hay im lặng rút lui.

Họ làm công việc chữa lành bên trong, qua viết nhật ký, trị liệu, hay chánh niệm, không phải để “giữ bình tĩnh” trong khoảnh khắc, mà là để ít phản ứng tiêu cực hơn ngay từ đầu.

Họ tạo ra một môi trường mà con cảm thấy an toàn khi bộc lộ cảm xúc mạnh, đặt câu hỏi, và sống đúng với bản thân.

Họ chấp nhận toàn bộ con người của trẻ, cả những nét tính cách dễ chịu lẫn khó chịu – chứ không chỉ khi con “ngoan ngoãn”.

Họ thể hiện sự dẫn dắt điềm tĩnh giữ vững giới hạn mà không sợ hãi, và vẫn mở lòng đón nhận cả những cảm xúc dữ dội nhất bằng sự từ bi và rõ ràng.

Nghiên cứu hơn 200 mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, chuyên gia chỉ ra cách nuôi dạy giúp con THÀNH CÔNG hơn người: Nếu bạn làm được điều này thì xin chúc mừng!- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

Làm sao để thực hành nuôi dạy con một cách an toàn về mặt cảm xúc?

Cảm giác an toàn cảm xúc chính là mảnh ghép còn thiếu trong rất nhiều gia đình, không phải vì cha mẹ không quan tâm, mà vì phần lớn chưa từng được dạy cách tạo ra chốn bình an trong những cơn bão cảm xúc.

Dưới đây là cách bắt đầu:

1. Bắt đầu từ chính bản thân

Nuôi dạy an toàn cảm xúc bắt đầu từ người lớn, không phải đứa trẻ.

Tập thói quen soi chiếu: Tuổi thơ của bạn và những tổn thương chưa lành đang ảnh hưởng thế nào đến phản ứng hiện tại?

Trong những giây phút nóng giận, hãy tự hỏi: “Phần nào trong tôi đang cảm thấy không an toàn?”

Nếu bạn lặp lại những điều cha mẹ từng nói với mình, hãy dừng lại và nghĩ: “Đây có phải là cách tôi muốn hiện diện trước con?”

2. Xem hành vi là tín hiệu, không phải mối đe dọa

Thay vì nhìn hành vi sai trái là sự thiếu tôn trọng, cha mẹ an toàn cảm xúc xem đó là một dạng giao tiếp, là lời kêu gọi cần giúp đỡ, chứ không phải để bị trừng phạt.

Nếu con đóng sầm cửa, hãy nghĩ “có thể con đang bị quá tải” thay vì “con thật hỗn”.

Hỏi: “Hành vi này đang muốn nói gì với mình?” thay vì “Làm sao để chấm dứt chuyện này?”. Thay vì phạt ngay, hãy tỏ ra tò mò: “Con có thể giúp mẹ hiểu chuyện gì vừa xảy ra không?”

3. Đặt ranh giới với sự đồng cảm, không kiểm soát

Giới hạn là cần thiết, nhưng không nhất thiết phải đi kèm với nỗi sợ hay sự xấu hổ.

Một số cách nói gợi ý:

Giữ vững giới hạn và vẫn đồng cảm: “Mẹ biết con đang buồn, nhưng câu trả lời vẫn là không.”

Hỗ trợ thay vì chỉ sửa sai: “Chuyện này khó thật. Mẹ ở đây để cùng con tìm cách giải quyết.”

Công nhận cảm xúc mà không thay đổi quy tắc: “Mẹ biết con đang rất bực vì mọi chuyện không theo ý con.”

4. Ngăn ngừa cảm giác xấu hổ

Nuôi dạy an toàn cảm xúc không yêu cầu sự hoàn hảo – mà đòi hỏi cha mẹ biết sửa chữa mối quan hệ một cách lành mạnh.

Thay vì đổ lỗi hay rút lui, hãy chủ động kết nối lại sau những mâu thuẫn – cho trẻ thấy rằng xung đột không đồng nghĩa với sự xa cách hay xấu hổ.

Ví dụ:

Nhận lỗi về phần mình: “Mẹ không nên hét lên như vậy. Điều đó không đúng và mẹ xin lỗi”.

Công nhận cảm xúc trong lúc uốn nắn: “Con có thể tức giận, nhưng mình cần tìm cách thể hiện an toàn hơn là đánh người khác”.

Khôi phục kết nối trước khi xử lý: “Mình cùng hít thở sâu vài nhịp nhé, rồi chúng ta sẽ nói chuyện lại”.

Nghiên cứu hơn 200 mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, chuyên gia chỉ ra cách nuôi dạy giúp con THÀNH CÔNG hơn người: Nếu bạn làm được điều này thì xin chúc mừng!- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ.

Giao tiếp là tất cả

Cách bạn nói chuyện với con sẽ trở thành cách con nói chuyện với chính mình.

Cha mẹ an toàn cảm xúc luôn lưu ý rằng giọng điệu, ngôn từ và phản ứng của mình sẽ hình thành cái nhìn của trẻ về bản thân – nhất là trong những thời điểm khó khăn.

Tôi luôn cố giữ giọng điệu điềm tĩnh và tôn trọng khi nói chuyện với con, kể cả khi cần thiết lập giới hạn. Tôi cho con biết rằng cảm xúc của con luôn được chấp nhận: “Con có quyền buồn,” hay “Nếu là mẹ, mẹ cũng sẽ cảm thấy như vậy.” Và quan trọng nhất, tôi luôn để con thấy: “Dù có chuyện gì xảy ra, mẹ vẫn luôn ở đây.”

Hãy trao cho con điều lớn hơn cả kỷ luật, đó là cảm giác an toàn, được hỗ trợ và được yêu thương vô điều kiện.

Tôi luôn nói với các bậc phụ huynh: Đứa trẻ cảm thấy an toàn về mặt cảm xúc hôm nay sẽ trở thành người lớn có khả năng tự điều chỉnh cảm xúc, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, tin vào bản thân và sống tự tin.

Theo CNBC

Mini