Bài chia sẻ của một tác giả được đăng tải trên Toutiao (MXH Trung Quốc) đã thu hút nhiều sự chú ý.
***
Trong môi trường công sở, nghệ thuật giao tiếp, lắng nghe và được lắng nghe cũng rất quan trọng. Giao tiếp tốt, cả hai bên đều hài lòng, hiệu quả hợp tác sẽ cao hơn, nếu giao tiếp, mối quan hệ không tốt, vấn đề cũ chưa giải quyết xong đã gây ra những vấn đề mới.
Đáng tiếc là, nhiều người không thể nhận ra ẩn ý phía sau lời nói của mọi người ở nơi làm việc, cũng như không biết cách diễn đạt đúng suy nghĩ của mình. Và người EQ cao trong môi trường công sở cũng sẽ không tùy tiện nói với sếp 3 kiểu câu này.
1. "Đó không phải lỗi của tôi"
Hãy thử tưởng tượng một tình huống như sau: Đứa trẻ vô tình làm đổ cốc sữa, mảnh vỡ văng khắp nơi. Phản ứng đầu tiên của bạn là gì?
Đầu tiên có thể là thay đổi cảm xúc nhanh chóng, tức giận, đổ lỗi, hoặc lo lắng. Ngay sau đó, bạn sẽ nói đứa trẻ: "Con làm gì vậy? Con xem nhà cửa bị con làm rối tung lên rồi kìa!"
Đứa trẻ có thể cảm thấy bối rối khi nhận thấy sự giận dữ của bạn và nói: "Không phải lỗi của con. Đó là tại cái chân bàn, nếu không phải là..."
Nhưng khi lần sau đứa trẻ cầm cốc sữa, vẫn có thể làm đổ lần nữa, vì sợ hãi, đứa trẻ sẽ lại đổ lỗi cho một cái gì đó khác.
Bây giờ chúng ta hãy thử đối chiếu tình huống này vào môi trường công sở. Đứng từ góc nhìn của sếp, họ có thể rất tức giận vì sự sai sót của nhân viên, còn từ góc nhìn của nhân viên, họ cũng có thể cảm thấy ấm ức vì bản thân cũng không muốn mắc lỗi.
Và ngay khi họ nói "Việc này không phải lỗi của tôi", vấn đề nhỏ này sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, chối bỏ trách nhiệm, xảy ra lần nữa, chối bỏ và lại xảy ra.
Cuối cùng, vấn đề không những không được giải quyết, mà cả hai bên đều cảm thấy bất bình. Do đó, dù đứng từ góc độ nào, đây cũng không phải là một cách giao tiếp tốt. Cách làm đúng là hãy giải quyết vấn đề trước, sau đó mới bộc lộ cảm xúc.
Nếu bạn là lãnh đạo, sự việc đã xảy ra, điều đầu tiên cần quan tâm là mức độ ảnh hưởng mà sai sót này gây ra, khắc phục như thế nào. Sau khi xác nhận mọi thứ đều ổn, hãy nhanh chóng sắp xếp nhân sự để khắc phục. Cuối cùng, xem xét chuyện này xảy ra như thế nào, có yếu tố bên ngoài nào không, ai cần phải chú ý. Việc tìm hiểu nguyên nhân, đặt câu hỏi nhằm ngăn chặn việc này tái diễn, chứ không phải chỉ để "trút giận".
Nếu bạn là nhân viên, trước tiên hãy giữ bình tĩnh, nhận ra vấn đề, lỗi sai của mình, báo cáo chi tiết sự việc cho sếp và đưa ra giải pháp. Khi sếp đã hiểu rõ vấn đề và đưa ra quyết định, bạn cần tham gia để giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của việc làm mà bạn gây ra. Sau đó, nếu lãnh đạo hỏi thêm, bạn có thể bổ sung các chi tiết và nêu ra những vấn đề khó khăn gặp phải.
Bằng cách này, vấn đề không chỉ được giải quyết hiệu quả mà quy trình tiếp theo cũng được đẩy nhanh hơn.
Việc có nói "Điều này không phải lỗi của tôi" hay không, thực chất lại là câu nói minh chứng cho việc liệu bạn có tính trách nhiệm trong công việc hay không.
Dù bạn đang ở vai trò nào, điều cần làm là giải quyết vấn đề chứ không phải trốn tránh trách nhiệm.
2. "Tôi không có thời gian"
Khi sếp hỏi: “Bây giờ bạn có bận không?”, bạn nên trả lời thế nào?
Nếu bạn trả lời theo nghĩa đen rằng bạn đang bận làm việc này việc kia, sếp sẽ cảm thấy họ hỏi một câu mà nhân viên trả lời tới 10 câu, phải chăng nhân viên không muốn nhận nhiệm vụ này? Nhưng nếu bạn trả lời ngay lập tức là “không bận” thì cũng không phù hợp, sếp có thể nghĩ rằng khối lượng công việc của bạn bị ít.
Bản chất điều sếp muốn hỏi là: “Bây giờ bạn có thời gian để làm giúp tôi một việc không?”. Vì vậy, trong trường hợp này, bạn chỉ có một cách trả lời đúng: “Sếp nói đi ạ”.
Tại nơi làm việc, sếp khó có thể để ý đến cảm xúc của từng người. Khi có việc cần nhân viên xử lý, điều đầu tiên lãnh đạo cần là nhân viên hiểu ý, sau đó mới là giao nhiệm vụ cụ thể.
Nhiều người mắc sai lầm ở chỗ, khi sếp vừa thể hiện ý này, thậm chí chưa nói hết câu, bạn đã vội vàng trả lời “Tôi không có thời gian”, tỏ ra mình rất bận rộn và không muốn nhận nhiệm vụ.
Vậy nếu thực sự không có thời gian hoàn thành nhiệm vụ này, chúng ta nên diễn đạt như thế nào cho tích cực?
Có một gợi ý được đưa ra, đó là “lắng nghe có cấu trúc”, có nghĩa là sau khi nhận được thông tin do đối phương truyền tải, bạn nên vẽ ra 3 ý trong đầu, lần lượt đặt 3 ý vào: cảm xúc của đối phương, thực tế và kỳ vọng.
Nói cách khác, chúng ta cần xác định những suy nghĩ sau lời nói của đối phương, sau đó kết hợp với thực tế và cảm xúc để suy ra kỳ vọng của đối phương rồi đưa ra câu trả lời phù hợp.
Khi khối lượng công việc dồn dập đến, chúng ta không nên than vãn “Tôi không có thời gian”, mà hãy thử suy nghĩ về mong muốn, kỳ vọng của cấp trên, diễn đạt một cách tích cực, giao tiếp một cách chủ động.
Như vậy, vừa không làm mất lòng sếp, vừa giúp chúng ta giao tiếp hiệu quả hơn nơi công sở và góp phần tạo ra một môi trường làm việc tích cực.
3. "Tôi không biết"
Câu nói "Tôi không biết" nghe có vẻ khiêm tốn, chân thành, nhưng trong mắt sếp, có lẽ câu nói này lại mang ý nghĩa rằng khả năng giải quyết vấn đề của bạn chưa đủ mạnh.
Nhiều người khi bước vào môi trường công sở mới nhận ra rằng: Học hỏi suốt đời mới là con đường đúng đắn.
Tầm quan trọng của việc học tập là điều không thể bàn cãi, nhưng có một hiện tượng là nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học đã dừng việc học tập. Một khi một người rời xa môi trường học tập, họ dễ dàng trở nên chai lì trong công việc từ ngày này qua ngày khác, không chịu học hỏi thêm dẫn đến việc phát triển trì trệ.
Cũng có người nhận ra tầm quan trọng của việc học, nhưng khi hành động, lại luôn tìm lý do để biện minh cho bản thân.
Chỉ có không ngừng biến những nhận thức thành hành động thực tế, duy trì sự nhạy bén trong việc học hỏi, rèn luyện năng lực thực hành của bản thân thì chúng ta mới có thể thực sự đưa kiến thức vào công việc thực tế một cách hiệu quả.
Trong môi trường làm việc, chúng ta học hỏi ở sự kiện, mối quan hệ và dự án cụ thể. Thay vì viện cớ để né tránh, hãy học cách học hỏi để nâng cao năng lực, giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Kỹ năng giao tiếp có thể học, nhưng thái độ cần cù, chăm chỉ học hỏi, nâng cao khả năng để làm việc hiệu quả cùng sự trung thực mới mang lại chiến thắng lâu dài.
Theo Toutiao
Minh Nguyệt