Trong khi giao tiếp, có người khiến bạn dễ chịu, vui vẻ, có người lại khiến bạn cảm thấy khó chịu. Tương tự như vậy, cùng một việc, có người xử lý rất suôn sẻ, nhưng lại có người lại làm rối tung, căng thẳng hơn.
Cùng một câu nói, nhưng khi được diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau, sẽ truyền tải những sắc thái ý nghĩa khác nhau. Đó chính là sự khác biệt của EQ. Thông thường, người có EQ thấp khó giành được tình cảm của người khác, còn người có EQ cao luôn tạo ra sự gắn kết trong các mối quan hệ. Người có EQ thấp sẽ bộc lộ qua 4 điểm sau đây.
1. Luôn phản bác, khiến người khác khó chịu
Trong cuộc sống, không có ai đồng điệu với nhau hoàn toàn. Ngay cả anh chị em ruột cũng sẽ có những quan điểm khác nhau do trải nghiệm sống, kiến thức và nhận thức xã hội khác nhau.
Người có EQ cao sẽ tôn trọng sự khác biệt giữa mọi người. Bởi có sự khác biệt nên mới có thể bổ sung lẫn nhau, lấy điểm mạnh bù vào điểm yếu.
Người có EQ thấp lại luôn cố ý phóng đại vấn đề "không cùng quan điểm", phản bác suy nghĩ của người khác. Hoặc nói cách khác, họ cố tình làm sự việc trở nên rắc rối hơn. Họ nghĩ rằng chỉ cần tìm ra "điểm khác biệt", họ có thể biến nó thành "chuyện để bàn tán", để chê cười hoặc phủ nhận người khác.
Có nhiều chuyện, bản thân sự việc không hề thay đổi, chỉ là cách nói khác đi khiến người ta khó chịu. Không tôn trọng quan điểm của người khác và tranh cãi, đối đầu với nhau, tưởng như là trao đổi bằng lời nói nhưng thực ra là dùng lời để công kích người khác, EQ thấp thể hiện rõ ràng qua điều này.
2. Vượt quá giới hạn, luôn can thiệp vào việc của người khác
Dù ở nơi làm việc, trong gia đình hay trong xã hội, mỗi người đều phải tìm được vị trí, chỗ đứng của riêng mình.
Nếu một người tìm được vị trí tốt, họ sẽ như “hổ mọc thêm cánh”, nếu không có vị trí phù hợp, họ sẽ khó làm tốt được. Những người EQ cao không chỉ hiểu vị trí của mình, mà còn thường xuyên điều chỉnh lại vị trí của bản thân và cũng sẵn sàng từ bỏ những vị trí không phù hợp với mình.
Người có EQ thấp lại không hiểu vị trí của mình và thường thích "lấn sân”. Trong công việc, chúng ta luôn thấy "bảng phân công công việc”, mọi người đều hiểu mình phải làm gì. Bạn có thể nhắc nhở và giúp đỡ đồng nghiệp nhưng không thể thay thế họ làm việc đó.
Trong mối quan hệ với bạn bè, nhiều việc có thể giúp đỡ lẫn nhau, nhưng phải có giới hạn. Không hiểu rõ vị trí của mình, tự ý can thiệp vào việc của người khác, dù có ý tốt, cũng có thể gây ra thêm những rắc rối, hiểu lầm không đáng có.
3. Đã nói chuyện thì không có “điểm dừng”
Có người chỉ cần bắt đầu nói chuyện là nói không có điểm dừng. Vốn dĩ câu chuyện chỉ cần 1-2 phút để nói, nhưng họ kéo dài thành câu chuyện cả giờ đồng hồ, khiến người nghe cảm thấy chán nản.
Trong nhiều trường hợp, sự giao tiếp giữa mọi người có thể dẫn đến hiểu lầm. Nếu bạn cứ giải thích liên tục, cứ nhấn mạnh rằng mình đúng, bạn sẽ rơi vào tình huống "càng nói càng không rõ ràng”.
Nói quá nhiều chuyện sẽ có thể gây ra những rắc rối không đáng có. Gặp những người không kiểm soát lời nói của mình, bạn nên tránh xa. Nếu không, một lúc nào đó, họ sẽ nói những lời không hay, làm tổn thương bạn hoặc tạo ra vô số tin đồn vô căn cứ.
4. Cố chấp, tự cho mình là luôn đúng
Những lời khuyên, góp ý hợp lý có thể giúp bạn sửa sai, thay đổi hướng đi kịp thời và giữ cho tâm trí luôn tỉnh táo.
Người có EQ thấp luôn nghĩ rằng những lời khuyên của người khác là không tốt, do "ghen tị với mình” nên họ không chịu lắng nghe. Thậm chí, họ biết rằng ý kiến của mình rõ ràng sai, họ cũng không chịu sửa đổi.
Mỗi người nên có hướng đi riêng, cần kiên trì theo đuổi hướng đi đó nhưng cũng không nên phủ nhận tất cả lời khuyên. Thay vào đó, cần lắng nghe, xem xét toàn diện và suy nghĩ kỹ lưỡng về những lời khuyên từ người khác.
Có câu nói: "IQ quyết định điểm khởi đầu của bạn, còn EQ sẽ quyết định sự phát triển của bạn”.
Nếu một người muốn tiến xa hơn, phát triển hơn, họ cần không ngừng nâng cao EQ của mình.
Thứ nhất, kiểm soát tốt cảm xúc của mình, tránh sự giận dữ, thờ ơ, lạnh lùng, hoặc quá mức nhiệt tình,... Thay vào đó, hãy bình tĩnh phân tích sự việc và cân nhắc hậu quả và trách nhiệm về lời nói của mình trước khi phát ngôn.
Thứ hai, đọc nhiều sách để nâng cao hiểu biết xã hội, tránh nói những điều không phù hợp. Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, đừng cố gắng ép người khác phải công nhận mình, cũng không nên nghĩ rằng mình luôn đúng.
Thứ ba, tôn trọng sự khác biệt. Khi lòng bạn rộng mở, lời nói sẽ nhẹ nhàng, không gây tổn thương người khác, giúp bạn thân thiện hơn, dễ dàng kết giao với mọi người.
Theo Toutiao
Minh Nguyệt