Sohu đưa tin, một bệnh nhân nữ 59 tuổi (bà Li.) bị chẩn đoán ung thư tuyến tụy dù bà không có thói quen uống rượu hay hút thuốc lá. Trái lại bà luôn uống đủ nước và đều đặn mỗi ngày đều tập thể dục. Lối sống của bệnh nhân này được coi là hình mẫu về cách bảo vệ sức khỏe và tuổi thọ. Nhưng trớ trêu thay, bà lại bị chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy - căn bệnh được mệnh danh là "Vua của các bệnh ung thư" với tỷ lệ tử vong cao.
Tại sao lại như vậy? Sau khi thăm hỏi về lối sống hàng ngày của bệnh nhân, bác sĩ đã chỉ ra hai điều thúc đẩy tế bào bất thường trong cơ thể phát triển thành khối u ác tính mà nhiều người bỏ qua, đó là: Căng thẳng quá mức và thói quen ăn uống "giả lành mạnh".
Căng thẳng tinh thần quá mức kéo dài và nguy cơ ung thư
Trò chuyện với bệnh nhân, bác sĩ phát hiện ra rằng, mặc dù bề ngoài bà Li có vẻ lạc quan, vui vẻ nhưng thực ra bà đang phải gánh chịu rất nhiều áp lực kép từ gia đình và công việc.
Do phải chịu áp lực và căng thẳng cường độ cao trong thời gian dài, nồng độ hormone cortisol do tuyến thượng thận tiết ra liên tục tăng cao, thúc đẩy tình trạng viêm trong cơ thể cũng như hệ miễn dịch suy giảm, từ đó tạo điều kiện cho sự phát triển của các tế bào bất thường dẫn tới khối u ung thư ác tính.
Một nghiên cứu trên Tạp chí SSM—Population Health số tháng 9 năm 2022 được thực hiện trên 41.000 người tham gia cũng cho thấy, việc tiếp xúc với các tác nhân gây căng thẳng liên tục có thể khiến mức cortisol luôn ở mức cao, có thể làm cơ thể suy yếu ở cấp độ tế bào và phản ứng này có thể làm tăng nguy cơ ung thư hoặc khiến tế bào ung thư hiện có lây lan nhanh hơn.
Nói cách khác, căng thẳng không trực tiếp gây ra ung thư nhưng cách mà mọi người đối phó hoặc kiểm soát căng thẳng sẽ ảnh hưởng tới nguy cơ này. Ví dụ, những người bị căng thẳng mãn tính có thể phát triển một số hành vi không lành mạnh, chẳng hạn như hút thuốc, ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo hay đồ ngọt, ít vận động hoặc uống rượu, bản thân những hành vi này có liên quan đến việc hệ miễn dịch bị suy yếu, sức khỏe giảm sút và tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, theo NIH.
Như vậy, việc học cách kiểm soát và quản lý căng thẳng là vô cùng quan trọng để bảo vệ hệ miễn dịch và ngăn ngừa bệnh tật.
Thói quen ăn uống "giả lành mạnh"
Như đã nói ở trên, bà Li có thói quen thường xuyên uống nước nhưng bên cạnh đó, bệnh nhân lại yêu thích những thực phẩm nhiều đường và chất béo, đặc biệt bà thường ăn tối quá no và ăn muộn.
Thói quen ăn uống này được duy trì trong thời gian dài, gây gánh nặng rất lớn cho tuyến tụy, dễ gây viêm mãn tính, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư cùng nhiều rủi ro bệnh tật khác như bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa như mỡ máu, béo phì,...
Bác sĩ khuyên mọi người nên xây dựng chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, giảm các thực phẩm nhiều đường bổ sung và nhiều chất béo, thay vào đó nên ăn nhiều trái cây và rau củ tươi. Bữa tối cũng không nên ăn quá no và nên ăn càng sớm càng tốt.
Để phù hợp với nhịp sinh học cá nhân, khung thời gian ăn uống được khuyến nghị là ít hơn hoặc bằng 8 - 12 giờ một ngày trong ban ngày. Ăn ngoài khung thời gian này có thể khiến cơ thể xử lý calo kém hiệu quả hơn, từ đó góp phần gây tăng cân đồng thời làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường và tim mạch, theo một nghiên cứu năm 2017 trên NCBI.
Cuối cùng, việc khám sức khỏe định kỳ là rất quan trọng, dựa trên các yếu tố như tuổi tác, tiền sử gia đình, tiền sử bệnh tật của bản thân mà mọi người nên sàng lọc ung thư định kỳ, điều này giúp phát hiện mầm mống ung thư từ sớm, ngay cả khi chưa có triệu chứng và biểu hiện rõ ràng.
Nguồn: Sohu, Harvard Health, NIH
Kim Phụng