Bà Zheng, ngoài 60 tuổi (Đài Loan, Trung Quốc) vốn là người rất tiết kiệm, lại không có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ. Hơn mười năm qua, bà thường xuyên gặp 2 khó chịu: một là đau thắt lưng vào ban ngày và tiểu nhiều lần vào ban đêm. Tuy nhiên, bà cho rằng những người ở vùng nông thôn, sinh nở nhiều lại toàn làm việc nặng ngoài đồng đến tuổi trung niên đều như vậy.
Ba năm trước, bà Zheng có một lần đau thắt lưng tới mức khó đi lại. Người nhà thuyết phục rất nhiều bà mới chịu đi khám xương khớp. Bác sĩ cho rằng bà bị cong vẹo cột sống nhưng khi nằm xuống nghỉ ngơi một lúc bà liền thấy đỡ hơn. Bác sĩ thấy vậy khuyên bà nên đi khám thêm thận, vì ông từng gặp bệnh nhân thận nằm sai vị trí có triệu chứng tương tự. Nhưng Zheng thấy thận nằm sai chỗ rất vô lý, bác sĩ đang cố lấy tiền của mình nên không làm theo, chỉ uống thuốc giảm đau khi cần.
Cho tới gần đây, cơn đau thắt lưng của bà trở nên dữ dội vô cùng. Bà sụt cân rất nhanh vì ban đêm đi tiểu liên tục, không thể ngủ ngon giấc. Lần này, con cái nhất quyết đưa bà tới bệnh viện lớn trong thành phố để khám bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa tiết niệu Lu Jinheng cho biết: “Lúc đầu, bệnh nhân tới khoa Cơ xương khớp. Kiểm tra triệu chứng đau cùng vị trí đau của bệnh nhân không giống bệnh về cột sống, lại có dấu hiệu rối loạn tiểu tiện. Cuối cùng, bệnh nhân được chuyển tới khoa Tiết niệu.
Người nhà cho hay trước đây cũng từng có bác sĩ khuyến nghị khám thận nhưng bệnh nhân chủ quan không làm theo. Sau khi khám sơ bộ và siêu âm, chúng tôi không tìm thấy dấu hiệu phù nề, sỏi hay viêm nhiễm - những vấn đề về thận dễ gây đau lưng và tiểu đêm. Nhưng nghiêm trọng hơn, thận của bệnh nhân không nằm đúng vị trí - tức bệnh thận di động. Nói cho dễ hiểu là nó có thể chạy lung tung”.
Nguyên nhân và triệu chứng căn bệnh khiến thận “chạy lung tung”
Theo lời kể của bác sĩ Lu, bà Zheng sốc vô cùng khi nhận được kết quả chẩn đoán. Người nhà thì trách móc bà vì hóa ra 3 năm trước vị bác sĩ Đông y kia nói đúng. Hóa ra, thận của bà Zheng bị sa xuống đã lâu. Nghĩ kỹ lại thậm chí bà thỉnh thoảng còn có cảm giác như có quả bóng hay vật gì đó lăn qua lại trong người lúc di chuyển nhanh hoặc thay đổi tư thế đột ngột.
Bác sĩ Lu giải thích: “Bệnh thận di động, hay bệnh sa thận là tình trạng một trong số hai thận sa xuống vùng bên dưới, thường là hố chậu. Do thận di chuyển lên, xuống, trái và phải ở khoang bụng sau nên cơn đau ở thắt lưng và bụng có thể xảy ra sau khi hoạt động, gắng sức, đứng lâu hoặc sau khi ăn uống.
Tình trạng này thuyên giảm hoặc biến mất khi nằm xuống do thận có thể trở về vị trí bình thường. Đây cũng là lý do bệnh khó phát hiện bởi bởi gần như tất cả các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, từ siêu âm cho tới chụp cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ, đều đòi hỏi bệnh nhân phải nằm.
Khi thận sa xuống, niệu quản sẽ bị xoắn khiến nước tiểu và bài tiết bị tắc nghẽn, gây ra tình trạng đi tiểu thường xuyên hoặc tiểu gấp, thận sẽ dao động lên xuống khiến mạch máu thận bị căng ra và sinh ra tiểu máu. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó có thể gây phù thận, đau thận, sỏi thận và viêm bể thận mãn tính, thậm chí là thiếu máu cục bộ thận, tăng huyết áp… Hoặc cũng có thể gây khó chịu ở đường tiêu hóa như khó tiêu, trướng bụng, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn và nôn”.
Về phần nguyên nhân gây bệnh này, ngoài cấu trúc bẩm sinh thì thường liên quan tới các mô mỡ quanh thận. Bình thường, lượng mô mỡ này có vai trò bảo vệ và đỡ cho thận nằm cố định tại vị trí bình thường của nó. Nhưng khi số lượng mô mỡ không đủ, giá đỡ này trở nên thiếu chắc chắn và làm thận sa xuống dưới. Vì vậy, những người giảm cân đột ngột trong thời gian ngắn có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Ngoài ra, những người hoạt động thể chất quá mức, sai tư thế thường xuyên cũng có thể làm sa trễ thận.
Bác sĩ Lu nhấn mạnh, bệnh thận di động có thể điều trị bảo tồn có hiệu quả, hoàn toàn không ảnh hưởng tới chức năng thận nếu thực hiện sớm. Với trường hợp của bà Zheng, phẫu thuật cố định thận trên thành bụng trong bằng phương pháp nội soi đã giải quyết cơn đau thắt lưng. Tuy nhiên, vì phát hiện quá muộn nên chức năng thận và một số cơ quan gần đó cũng bị ảnh hưởng, cần điều trị kết hợp trong thời gian dài.
Nguồn và ảnh: ETtoday, Family Doctor