Những giọt nước mắt lễ Vu Lan: “Bố mẹ mất, muốn báo hiếu, muốn trả ơn như thế nào đây?”

Thứ bảy, 17/08/2024 - 20:26

Đại lễ Vu Lan, là dịp con cháu thể hiện lòng hiếu thảo với tổ tiên, cha mẹ. Những ngày này nhiều người ăn chay hướng về tổ tiên ông bà rồi làm việc thiện, phóng sinh… hoặc đến chốn chùa cầu nguyện cho tâm linh.

Tối 26/8 (tức ngày 13/7 âm lịch), hàng trăm tăng ni, phật tử đã về chùa Kim Sơn Lạc Hồng, xã Mông Hoá, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình dự lễ Vu Lan báo hiếu.

Nghi thức tụng kinh, niệm Phật cầu cho quốc thái dân an, cầu cho cha mẹ và những người đã khuất được thực hiện theo hướng dẫn của Đại đức Thích Trí Thịnh trụ trì chùa.

Hàng nghìn người dự lễ Vu Lan

Hàng nghìn người dự lễ Vu Lan

Chia sẻ với PV, chị Từ Kim Oanh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, từ khi có người thân mất được chôn cất tại công viên nghĩa trang, năm nào gia đình chị Oanh cũng dành trọn vẹn một ngày vào dịp này để dự lễ Vu Lan báo hiếu, thắp hương tưởng nhớ cha mẹ và tổ tiên.

"Những người nào trong hoàn cảnh không còn cha mẹ như tôi, thì sẽ hiểu cảm giác lúc này. Bố mẹ mất, tôi chưa thể báo đáp được công ơn dưỡng dục, sinh thành. Nay anh chị em đều đã trưởng thành, muốn báo hiếu, muốn trả ơn như thế nào đây", chị Oanh khóc nghẹn.

Nhiều người đã xúc động khi nghe những bản kinh cầu hướng về người quá cố

Nhiều người đã xúc động khi nghe những bản kinh cầu hướng về người quá cố

Hơn 19h tối khi dòng người vừa hoàn tất công việc thả hoa đăng, chị Nguyễn Thị Hường (46 tuổi, ở TP Hòa Bình) và con gái vẫn lưu luyến đứng lại trước ngôi mộ người thân. Người phụ nữ cho biết, cách đây 4 năm, cha của chị qua đời sau thời gian chống chọi với bệnh hiểm nghèo.

"4 năm nay, gia đình tôi đều đến chùa dự lễ Vu Lan báo hiếu. Tôi mong các con noi theo gương báo hiếu với cha mẹ, biết được công sinh thành dưỡng dục. Đó cũng là những món quà thể hiện tấm lòng con thảo đối với cha mẹ", chị Hường chia sẻ.

Những giọt nước mắt lễ Vu Lan: “Bố mẹ mất, muốn báo hiếu, muốn trả ơn như thế nào đây?”- Ảnh 3.

Đại lễ Vu Lan, là dịp con cháu thể hiện lòng hiếu thảo với tổ tiên, cha mẹ

Cũng như nhiều người đang có mặt tại buổi lễ, anh Trần Văn Tường – quê ở Nghệ An, cho hay, năm đầu tiên gia đình anh chị em ruột tập trung các gia đình thuê chuyến xe khách gần 30 người.

"Mẹ tôi nằm ở trên này được 7 tháng, đây là năm đầu tiên anh chị em chúng tôi tập trung lên thắp hương cho mẹ và hứa sẽ mãi mãi làm việc này đến trọn đời. Quê hương của bà ở Nghệ An, theo bố tôi ra Hà Nội công tác rồi sinh anh em chúng tôi ở ngoài này, cả cuộc đời chăm lo cho 5 người con, nhưng lúc nào mẹ cũng vui vẻ…", anh Tường cho biết, do quê hương không còn nhiều mối liên hệ và tất cả anh chị em đều làm ăn sinh sống ở Hà Nội, khi mẹ mất, gia đình thống nhất chọn địa điểm này để thuận tiên cho việc thờ cúng mẹ. Cũng vì lẽ này, anh chị em trong gia đình anh Tường gắn bó hơn và tình cảm nối lại.

Người Việt Nam xưa nay nặng về chữ hiếu

Chia sẻ với PV, Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Ban trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, lễ Vu lan đối với Phật giáo Việt Nam là một ngày lễ trọng đại.

Những giọt nước mắt lễ Vu Lan: “Bố mẹ mất, muốn báo hiếu, muốn trả ơn như thế nào đây?”- Ảnh 4.

Đại đức Thích Trí Thịnh: "Dịp đại lễ Vu Lan báo hiếu này, tại các cơ sở tự viện thường được tổ chức với các hoạt động như Tụng kinh-sám Vu Lan, kinh báo hiếu phụ mẫu, kinh Mục Liên sám pháp kinh A Di Đà…; lễ cầu siêu cho anh linh anh hùng liệt sỹ, tổ tiên trong gia đình; pháp thoại thuyết giảng ý nghĩa Vu Lan báo hiếu".

Theo Đại đức, người Việt Nam xưa nay nặng về chữ hiếu, tổ tiên ông bà cha mẹ đều lấy chữ hiếu làm đầu, đạo Phật cũng là đạo hiếu. Gương hiếu hạnh của ngài Mục Kiền Liên là một gương sáng, rất thích hợp với phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam. 

Trên thế gian này không có ơn nào quý báu cao cả hơn ơn cha mẹ, nếu chúng ta quên đi ơn này, thì những cái ơn thường trong xã hội chắc gì chúng ta nhớ, chắc gì chúng ta có lòng biết ơn và đền ơn. Cho nên muốn thành con người đạo đức, trước tiên phải là người con hiếu thảo. Phật tử tu theo Phật, không phải chỉ để cầu thoát ly sanh tử, mà còn phải làm tròn bổn phận làm người, làm con, cho nên cha mẹ là trên hết.

"Tất cả chúng ta đều thừa hưởng sự trao truyền từ cha mẹ mới có hình hài này. Đó là huyết thống chớ không phải chuyện bên ngoài. Cho nên cái hay dở tốt xấu của con cái là niềm vinh dự hay tủi buồn của cha mẹ. Vì vậy phận làm con không thể quên ơn cha mẹ, một trọng ơn không ai có thể từ bỏ được".

Đại đức Thích Trí Thịnh nói thêm: "Nếu một người nào đó thấy cha mẹ già cả lẩm cẩm mà xem thường, như vậy là lỗi lầm lớn. Dù cha mẹ có lẩm cẩm đi nữa, chúng ta cũng nhớ rằng bản thân mình là một phần thân thể của cha mẹ, không thể tách rời, không thể đứng riêng, dù muốn chối bỏ cũng không chối bỏ được. Đã là thân phần của cha mẹ mà mình phụ rẫy, vong ơn thì không xứng đáng là một con người".

Những giọt nước mắt lễ Vu Lan: “Bố mẹ mất, muốn báo hiếu, muốn trả ơn như thế nào đây?”- Ảnh 5.

Nghi thức "Bông hồng cài áo" tri ân công đức sinh thành của cha mẹ.

Tại buổi lễ nổi bật là nghi thức "Bông hồng cài áo", trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho hay, nghi thức này mang tính chất tôn vinh cao nhất. Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ "Hiếu" mà con cái gửi đến bậc sinh thành.

Với ý nghĩa đó, những ai còn cha, còn mẹ sẽ cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm tự hào với niềm hạnh phúc vô biên vì còn cha còn mẹ là còn tất cả, còn những nghĩa tình cao quý, thân thương. Còn đóa hồng màu trắng như một nỗi buồn bất hạnh, sự thiếu vắng tình thương và niềm nhớ nhung da diết khi đã mất cả cha mẹ mùa Vu Lan.

"Đại lễ Vu Lan, con cháu thể hiện lòng hiếu thảo với tổ tiên, cha mẹ. Những ngày này mọi người thường đến chốn chùa cầu nguyện cho tâm linh. Nhiều người ăn chay hướng về tổ tiên ông bà rồi làm việc thiện, phóng sinh… Ngoài việc thể hiện tấm lòng hiếu thảo thì mình phải sống sao cho thật hạnh phúc. Con người có cuộc sống tốt đời đẹp đạo thì bố mẹ sẽ an tâm an hưởng tuổi già", Đại đức Thích Trí Thịnh chia sẻ thêm.

Sau nghi lễ bông hồng cài áo là nghi lễ thả đèn hoa đăng. Theo ý nghĩa của Phật giáo đối với nghi lễ này là cầu cho quốc thái, dân an, mọi nhà đều an lành, hạnh phúc.

Sau nghi lễ bông hồng cài áo là nghi lễ thả đèn hoa đăng. Theo ý nghĩa của Phật giáo đối với nghi lễ này là cầu cho quốc thái, dân an, mọi nhà đều an lành, hạnh phúc.

Người dân tâm niệm, thả đèn hoa đăng cầu mong cho người thân luôn mạnh khỏe, bình an và gặp mọi điều tốt lành.

Người dân tâm niệm, thả đèn hoa đăng cầu mong cho người thân luôn mạnh khỏe, bình an và gặp mọi điều tốt lành.

Minh Ngọc