Nói thật: Đi mua sắm mà còn giữ 5 thứ này thì không khác gì “đào hố chôn mình”

Thứ hai, 12/05/2025 - 23:00

Vấn đề không nằm ở việc bạn mua gì mà là cách bạn mua.

Có bao giờ bạn tự hỏi: Tại sao tiền luôn "không cánh mà bay" dù mình chẳng mua sắm gì quá tay? Tại sao mỗi lần nhận lương thì thấy rủng rỉnh, nhưng chỉ vài hôm sau đã phải thắt lưng buộc bụng?

Sự thật là, vấn đề không nằm ở việc bạn mua gì mà là cách bạn mua. Nhiều người vẫn đi chợ, mua quần áo, đặt đồ online với tâm lý "bình thường thôi mà", cho đến khi nhìn lại mới giật mình vì những thứ nhỏ nhặt ấy đã âm thầm bào mòn ví tiền. Tệ hơn, nếu mỗi lần mua sắm mà bạn vẫn mang theo 5 "gánh nặng" dưới đây, thì chẳng khác nào tự tay đào hố chôn chính mình trong nợ nần và stress tài chính.

1. Tâm lý mua sắm theo cảm xúc

Một trong những sai lầm lớn nhất khi mua sắm là để cảm xúc dẫn đường. Cảm thấy buồn, cô đơn, mệt mỏi, vừa trải qua một ngày tồi tệ? Rất dễ để bạn click "đặt hàng" hay tấp vào trung tâm thương mại để tìm cảm giác dễ chịu tạm thời.

Tuy nhiên, những quyết định mua hàng trong trạng thái cảm xúc không ổn định thường thiếu lý trí. Bạn dễ chọn mua những món không cần thiết, chỉ để lấp đầy cảm giác trống rỗng và khi cảm xúc qua đi, món đồ đó sẽ nhanh chóng bị bỏ xó.

Mua sắm không phải là liệu pháp tinh thần. Thay vì biến nó thành cách giải tỏa tâm trạng, hãy học cách phân biệt rõ: khi nào bạn thật sự cần một món đồ, và khi nào bạn chỉ đang tìm kiếm sự khuây khỏa tức thời.

2. Sở hữu quá nhiều thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng giúp việc chi tiêu trở nên dễ dàng, thậm chí còn đi kèm nhiều ưu đãi hấp dẫn. Nhưng đó cũng chính là lý do khiến bạn dễ vung tay quá trán.

Việc sở hữu nhiều thẻ tín dụng, mỗi thẻ có hạn mức riêng, khiến người dùng rơi vào cảm giác "có sẵn tiền", trong khi đó thực chất chỉ là khoản vay. Càng nhiều thẻ, bạn càng khó kiểm soát tổng số tiền mình đang nợ và hậu quả là đến cuối kỳ, số tiền phải trả có thể vượt xa khả năng tài chính của bạn.

Không những thế, việc trả chậm còn kéo theo lãi suất cao, phí phạt và ảnh hưởng đến điểm tín dụng cá nhân. Vì vậy, thay vì mở quá nhiều thẻ, hãy chọn lọc 1-2 thẻ thực sự phù hợp với nhu cầu, và luôn đảm bảo bạn có đủ khả năng thanh toán toàn bộ vào cuối tháng.

Nói thật: Đi mua sắm mà còn giữ 5 thứ này thì không khác gì “đào hố chôn mình”- Ảnh 1.

3. Niềm tin sai lệch: "Thứ gì giảm giá là hời"

Khuyến mãi, giảm giá là chiến lược phổ biến của ngành bán lẻ nhằm kích thích hành vi tiêu dùng. Và điều trớ trêu là rất nhiều người rơi vào "bẫy tâm lý" này, tức là mua một món đồ chỉ vì nó đang được giảm giá, chứ không phải vì họ cần.

Sự thật là: Dù một món đồ có giảm 70%, thì nếu bạn không thực sự cần đến nó, đó vẫn là tiền tiêu hoang. Việc liên tục săn sale, tích trữ những món đồ rẻ chỉ khiến bạn mất tiền cho những giá trị không sử dụng đến.

Nguyên tắc nên ghi nhớ trước mỗi lần mua hàng là: Nếu món đồ đó không cần thiết khi chưa giảm giá, thì nó cũng không cần thiết ngay cả khi đang giảm giá. Tư duy tiêu dùng thông minh là mua thứ phù hợp, đúng lúc, đúng nhu cầu, chứ không phải chạy theo những con số phần trăm hấp dẫn.

4. Không kiểm soát chi tiêu hằng ngày

Một trong những lý do khiến người ta không nhận ra mình đang tiêu nhiều đến mức nào, là vì họ… không hề ghi lại. Tâm lý "chút thôi mà", "đồ ăn vặt vài chục", "thẻ xe vài ngàn" lâu dần tích tụ thành con số lớn vào cuối tháng.

Thiếu đi thói quen ghi chép hoặc theo dõi chi tiêu khiến bạn không có bức tranh tổng thể về dòng tiền cá nhân. Bạn sẽ không biết mình đang lãng phí ở đâu, khoản nào đang chi vượt kế hoạch, hay thậm chí không có cơ sở để lập ngân sách hợp lý.

Trong khi đó, chỉ cần một bảng Excel đơn giản, hoặc một ứng dụng ghi chép tài chính, bạn đã có thể hình dung rõ ràng hơn về mức sống thực tế của mình. Kiểm soát tốt chi tiêu là bước đầu tiên để tiến đến tự do tài chính.

Nói thật: Đi mua sắm mà còn giữ 5 thứ này thì không khác gì “đào hố chôn mình”- Ảnh 2.

5. Tâm lý so sánh "Người ta có, mình cũng phải có"

Sống trong một xã hội nhiều hình ảnh, mạng xã hội và áp lực đồng trang lứa, con người rất dễ rơi vào trạng thái tiêu dùng để "không bị tụt hậu". Bạn thấy bạn bè mua điện thoại mới, đồng nghiệp đổi xe, hàng xóm sắm đồ hiệu và bạn cũng bắt đầu cảm thấy "mình nên có".

Tâm lý tiêu dùng để khẳng định bản thân hoặc để không thua kém người khác là con đường nhanh nhất dẫn đến mất cân đối tài chính. Bạn mua món đồ không vì nó phục vụ nhu cầu thực tế, mà chỉ để "cho bằng người ta". Nhưng sau sự thỏa mãn ngắn ngủi ấy là khoản chi vượt thu, áp lực tài chính và cảm giác hụt hẫng.

Tiêu dùng cần xuất phát từ nội lực, hiểu rõ mình là ai, cần gì, đủ gì. Khi bạn tự tin vào giá trị cá nhân, bạn sẽ không còn bị kéo theo bởi những tiêu chuẩn xã hội nhất thời.

Nguyệt