Nước Châu Á từng có cuộc "đại sáp nhập" đơn vị hành chính, GDP năm nay có thể chạm mốc 4.400 tỷ USD

Thứ sáu, 28/03/2025 - 21:29

Nước này đã trải qua không chỉ 1, mà là nhiều cuộc đại sáp nhập, và có nền kinh tế rất phát triển.

Nhật Bản là quốc gia thịnh vượng thuộc khu vực Đông Á. Hiện nay, chính quyền hành chính của Nhật Bản được chia thành ba cấp cơ bản: trung ương, tỉnh và dưới tỉnh. Cơ cấu này được xác định bởi Đạo luật tự trị địa phương năm 1947.

Theo đó, Nhật Bản hiện được chia thành 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh, bao gồm 43 tỉnh, hai thành phố (Osaka và Kyoto), một tỉnh khu vực (Hokkaido) và thành phố đặc biệt (Tokyo).

Người đứng đầu chính quyền của mỗi tỉnh là một thống đốc được bầu trực tiếp. Các sắc lệnh và ngân sách được ban hành bởi một hội đồng đơn viện, có các thành viên được bầu cho nhiệm kỳ 4 năm.

Dù vậy, Nhật Bản là một quốc gia đơn nhất. Chính quyền trung ương ủy quyền nhiều chức năng (như giáo dục và lực lượng cảnh sát) cho các tỉnh và thành phố nhưng vẫn giữ quyền kiểm soát chung đối với các tỉnh và thành phố đó.

Nước Châu Á từng có cuộc "đại sáp nhập" đơn vị hành chính, GDP năm nay có thể chạm mốc 4.400 tỷ USD- Ảnh 1.

Trong quá trình phát triển, Nhật Bản đã thực hiện sáp nhập và giải thể đơn vị hành chính, diễn ra từ thời Minh Trị để hợp nhất các cơ sở và ranh giới pháp lý của các quận, thị trấn và thành phố.

Thông thường, những đợt sáp nhập này được thúc đẩy bởi nhu cầu hợp nhất các khu dân cư và "khu định cư tự nhiên" thành các thành phố quy mô lớn hơn khi quá trình hiện đại hóa tiến triển và việc hợp nhất được thúc đẩy để cung cấp khả năng tiếp cận tốt hơn với các cơ sở công cộng.

Cụ thể, làn sóng đầu tiên, được gọi là "đại sáp nhập thời Minh Trị", diễn ra trong giai đoạn từ năm 1888 đến năm 1889, khi hệ thống thành phố hiện đại được thành lập. Trước khi sáp nhập, các thành phố hiện tại là những đơn vị kế thừa trực tiếp của các thôn tự phát hoặc các làng nhỏ.

Cuộc sáp nhập khi đó đã đã cắt giảm số lượng "khu định cư tự nhiên" tồn tại vào thời điểm đó từ 71.314 xuống còn 15.859 thành phố, thị trấn và làng.

Làn sóng thứ hai, được gọi là "cuộc sáp nhập Shōwa vĩ đại" diễn ra trong giai đoạn từ năm 1953 đến năm 1956. Cuộc này đã làm giảm số lượng thành phố, thị trấn và làng mạc xuống hơn một nửa, từ 9.868 xuống còn 3.472 với mục đích thiết lập Hệ thống trợ cấp kho bạc quốc gia. 5.000 ngôi làng đã biến mất nhưng số lượng thành phố đã tăng gấp đôi.

Năm 1965, Luật đặc biệt về sáp nhập thành phố đã được ban hành.

Nước Châu Á từng có cuộc "đại sáp nhập" đơn vị hành chính, GDP năm nay có thể chạm mốc 4.400 tỷ USD- Ảnh 2.

Từ thế kỷ 20, tỷ lệ sinh giảm ở Nhật Bản và tình trạng tài chính đã khiến chính quyền trung ương Nhật Bản thúc đẩy cải cách củng cố quốc gia, trong đó có giải pháp tiếp tục sáp nhập.

Đến 1999-2010, một số lượng lớn các cuộc sáp nhập thành phố, được gọi là "các cuộc sáp nhập Heisei vĩ đại" tiếp tục diễn ra. Số lượng thành phố đã giảm từ 3.232 xuống còn 1.727 trong giai đoạn này.

Nhật Bản - quốc gia đầu tiên ở Châu Á là quốc gia phát triển

Nền kinh tế Nhật Bản là một nền kinh tế hỗn hợp phát triển cao, thường được gọi là mô hình của Đông Á. Là thành viên sáng lập của G7 và là thành viên đầu tiên của OECD, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên ở Châu Á đạt được vị thế quốc gia phát triển.

Nhật Bản có nền kinh tế dịch vụ chiếm ưu thế cao, đóng góp khoảng 70% GDP, phần lớn còn lại đến từ khu vực công nghiệp. Nhật Bản thường được xếp hạng là một trong những quốc gia đổi mới nhất thế giới, dẫn đầu một số biện pháp về hồ sơ nộp bằng sáng chế toàn cầu. Tính đến năm 2022, 47 trong số 500 công ty thuộc Fortune Global có trụ sở tại Nhật Bản.

Năm 2024, nền kinh tế Nhật Bản đã đạt được tiến triển rõ ràng trong việc thoát khỏi tình trạng giảm phát. "Chúng tôi dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng vững chắc vào năm 2025, nhờ nhu cầu trong nước. Các yếu tố chính là sự gia tăng tiêu dùng cá nhân nhờ tăng trưởng tiền lương thực tế và tăng trưởng chi phí vốn (capex) đang diễn ra trong bối cảnh thu nhập doanh nghiệp mạnh mẽ" - Viện Nghiên cứu MITSUBISHI dự báo.

Tuy nhiên, báo cáo này cũng nêu: Các chính sách của chính quyền mới của Hoa Kỳ và tình hình bất ổn địa chính trị khiến triển vọng kinh tế ở nước ngoài trở nên cực kỳ không chắc chắn và có khả năng cản trở nền kinh tế Nhật Bản.

Theo IMF, tính theo dự báo GDP 2025, Nhật Bản đứng thứ 4 toàn cầu, sau Mỹ, Trung Quốc và Đức; xếp trên Ấn Độ và Vương quốc Anh. Tổ chức này dự báo GDP của Nhật Bản sẽ đạt 4.390 tỷ USD.

Dy Khoa