Nước giàu nhất ASEAN đã biết "thóp" của người Mỹ, đang triển khai kế hoạch thâm nhập

Thứ ba, 01/04/2025 - 20:16

Nước này đang đặt mục tiêu rất cao.

Indonesia đang khám phá những cơ hội xuất khẩu mới trong cái gọi là "lạm phát trứng" hiện đang tấn công Hoa Kỳ. Jakarta nhận thấy tình trạng thiếu hụt trứng đã mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu.

Một đợt bùng phát cúm gia cầm đã gây ra tình trạng thiếu hụt trứng và giá cả tăng vọt ở Hoa Kỳ. Theo các báo cáo của phương tiện truyền thông, giá bán lẻ trứng đã tăng gần gấp đôi so với một năm trước. Agung Suganda, một quan chức cấp cao của Bộ Nông nghiệp, cho biết Indonesia có thể cung cấp cho Hoa Kỳ loại trứng mà nhiều người Mỹ coi là thực phẩm chính cho bữa sáng.

Indonesia đã đặt mục tiêu xuất khẩu 1,6 triệu quả trứng sang Hoa Kỳ mỗi tháng. Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á hiện đang cố gắng thuyết phục Hoa Kỳ rằng trứng của họ đáp ứng các tiêu chuẩn của mình. Các nỗ lực cũng đang được tiến hành để đáp ứng các giao thức xuất khẩu.

Agung cho biết với tờ Jakarta Globe (Indonesia): "Trứng mà chúng ta xuất khẩu phải có chất lượng cao và không có vi khuẩn salmonella. Chúng ta phải đảm bảo rằng trứng không chứa dư lượng kháng sinh để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ [FDA] đặt ra".

Theo ước tính của Chính phủ nước này, các trang trại của Indonesia trên toàn quốc có thể sản xuất tới 6,5 triệu tấn trong năm nay. Lượng tiêu thụ trứng ở mức khoảng 6,2 triệu tấn, do đó dẫn đến thặng dư 288.700 tấn. Agung hứa rằng chính phủ sẽ ưu tiên nhu cầu trứng trong nước hơn là các lô hàng đến Hoa Kỳ nếu thỏa thuận xuất khẩu thực sự diễn ra.

"Chúng tôi sẽ xuất khẩu [trứng] mà không làm gián đoạn nguồn cung trong nước và sự ổn định giá cả", Agung cho biết.

Nước giàu nhất ASEAN đã biết "thóp" của người Mỹ, đang triển khai kế hoạch thâm nhập- Ảnh 1.

Dù nhận ra cơ hội nhưng Indonesia thừa nhận cơ hội trứng nước này thâm nhập thị trường Mỹ là không dễ dàng.

Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Indonesia (GPPU) cho biết họ đang mong đợi các kế hoạch xuất khẩu. Tuy nhiên, Chủ tịch GPPU Achmad Dawami thừa nhận rằng việc xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ không dễ dàng, nêu ra các yêu cầu của Hoa Kỳ là một trong những lý do.

"Tất nhiên là có cơ hội. Nhưng xuất khẩu [trứng] nói thì dễ hơn làm. Trước tiên, chúng tôi phải đáp ứng một số yêu cầu", Dawami nói.

Indonesia lo ngại thuế quan mới từ chính quyền Hoa Kỳ

Theo số liệu chính thức, thương mại Indonesia-Hoa Kỳ đã tăng vọt từ 34,5 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 38,3 tỷ USD vào năm 2024. Những con số này đã mang lại cho Indonesia khoản thặng dư 14,3 tỷ USD vào năm 2024. Jakarta đang cho thấy dấu hiệu duy trì xu hướng tích cực này khi thương mại song phương đạt đỉnh 3,3 tỷ USD vào tháng 1/2025. Con số này đánh dấu mức tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.

Giữa những con số thương mại ấn tượng, thuế quan ám ảnh Indonesia khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang tìm cách giải quyết thâm hụt của Washington. Thâm hụt có nghĩa là Hoa Kỳ đang nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu sang Indonesia.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani cách đây không lâu thậm chí còn cảnh báo rằng Indonesia có thể là mục tiêu trong tương lai cho thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump vì quốc gia này là đối tác mất cân bằng thương mại lớn thứ 15 của Washington.

Theo Xinhua, Indonesia ghi nhận tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 5,02% trong quý 4/2024, đưa quốc gia Đông Nam Á này đạt mức tăng trưởng kinh tế 5,03% trong suốt năm ngoái.

Amalia Adininggar Widyasanti, Quyền Giám đốc BPS, cho biết nền kinh tế Indonesia vào năm 2024, tính theo GDP theo giá hiện tại, đạt 22.139 nghìn tỷ rupiah (khoảng 1,35 nghìn tỷ USD) và GDP bình quân đầu người đạt 78,6 triệu rupiah hoặc 4.960,3 . Đây là mức GDP cao nhất các nước ASEAN.

"Sự tăng trưởng chủ yếu được hỗ trợ bởi mức tiêu dùng công cộng ngày càng tăng. Mức tiêu dùng hộ gia đình tăng trưởng tích cực, cho thấy sức mua của người dân được cải thiện, đặc biệt là trong những dịp lễ Giáng sinh và Năm mới. Mọi lĩnh vực kinh doanh đều tăng trưởng tích cực trong suốt năm 2024", Widyasanti cho biết.

Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Phát triển Châu Á đều ước tính nền kinh tế Indonesia sẽ tiếp tục tăng trưởng trong khoảng 5-5,1% vào năm 2025.

Indonesia được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới vào năm 2030 và lọt vào top 5 nền kinh tế lớn nhất vào năm 2050.

Dy Khoa