Phụ huynh Hà Nội phải tịch thu điện thoại vì con chểnh mảng học tập, hành động sau đó của con khiến chị bế tắc hoàn toàn

Thứ hai, 18/11/2024 - 17:03

Trước hành động của con, người mẹ này đã phải lên mạng "cầu cứu" ý kiến của các phụ huynh khác.

Ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã mang lại cho trẻ em nhiều cơ hội tiếp cận các thiết bị điện tử hơn bao giờ hết. Từ máy tính bảng, điện thoại thông minh đến các loại máy chơi game, không thể phủ nhận rằng, các thiết bị này đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống và cả quá trình giáo dục của trẻ em hiện đại. Việc tiếp xúc với thế giới số từ nhỏ giúp trẻ mở rộng kiến thức và kỹ năng sống, nhưng cũng đặt ra những thách thức về việc quản lý thời gian và tác động đến sự phát triển của chúng. 

Mới đây, một người mẹ Hà Nội đã chia sẻ câu chuyện của con mình lên một hội nhóm phụ huynh. Theo đó, vì thấy suốt ngày con chỉ ngồi bấm điện thoại mà chểnh mảng học hành nên người mẹ này đã quyết tịch thu điện thoại. Nhưng hành động của con sau đó mới khiến phụ huynh lo lắng.

Cụ thể, trong suốt 2 tuần trời, con không nói chuyện với mẹ, điều này khiến phụ huynh lo lắng không biết nên xử lý thế nào."Có nhà anh chị nào như em không cho em chút lời khuyên với ạ, chứ em bế tắc quá", người mẹ này hỏi ý kiến.

Phụ huynh Hà Nội phải tịch thu điện thoại vì con chểnh mảng học tập, hành động sau đó của con khiến chị bế tắc hoàn toàn- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bên dưới phần bình luận, netizen thi nhau để lại quan điểm của mình. Nhiều netizen đồng cảm với vị phụ huynh này. Khi thấy con cái chểnh mảng học tập, mà việc chểnh mảng này lại do các thiết bị điện tử, phụ huynh nào cũng sẽ lo lắng. 

Song song với đó, không ít người lại cho rằng việc người mẹ này tịch thu con mà không có bất kỳ sự khuyên nhủ nào như vậy sẽ khiến con sinh ra tâm lý phản kháng. Hơn nữa, nếu việc học tập của con có vấn đề thì phụ huynh cần bình tĩnh tìm hiểu nguồn cơn, thay vì đổ hết cho điện thoại.

- Thu điện thoại phải có cớ, chứ độp một cái mà thu luôn thì con chắc chắn sẽ phản kháng. Bởi dù gì đi chăng nữa, ban đầu cha mẹ mua cho dùng mà. 

- Nhà mình khi phát điện thoại cho con dùng thì có hẳn nội quy sử dụng điện thoại, con đồng ý thì ký tên vào, dán ở bàn học. Hàng ngày điện thoại bị giới hạn thời gian chỉ được dùng không quá 2 tiếng ngày thường, 4 tiếng ngày nghỉ và giới hạn từng ứng dụng (YouTube và Facebook không quá 1 tiếng), điện thoại có 3G định vị cả ngày nhưng chỉ được mở sau giờ tan học tại trường buổi chiều của con. Khi con hoàn thành xong bài và công việc hàng ngày thì có thể thưởng thêm thời gian. Vì tất cả đã giao hẹn ngay từ đầu, nên đến hiện tại mọi việc vẫn tạm trong tầm kiểm soát, còn hồi sau chưa biết.

- Mình nghĩ nên giới hạn thời gian dùng thôi. Cái điện thoại giờ là cả thế giới của các con, tịch thu hay cấm sử dụng chẳng khác gì phá hủy thế giới của con. Mình thấy nhiều bố mẹ cũng bấm điện thoại cả ngày mà, như thế thì làm sao có thể cấm được con.

- Bạn muốn mọi người tư vấn, nhưng thật sự giờ rất khó bạn ơi. Giờ chỉ còn cách trả điện thoại lại cho con và nói với con rằng, con cứ sử dụng đi nhưng con phải chịu khó học hành. Nếu con sử dụng điện thoại mà con học tốt hơn thì mẹ sẽ mua cho con điện thoại xịn hơn, nhiều chức năng hơn, còn không thì ngược lại.

Phụ huynh Hà Nội phải tịch thu điện thoại vì con chểnh mảng học tập, hành động sau đó của con khiến chị bế tắc hoàn toàn- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Cha mẹ cần làm gì nếu con chỉ thích dùng điện thoại mà lơ là việc học tập?

Trong thời đại công nghệ số, việc trẻ em mải mê với điện thoại thông minh và lơ là học tập đã trở thành một thách thức lớn đối với cha mẹ. Để đối phó với tình trạng này, bước đầu tiên và quan trọng nhất là cha mẹ cần phải hiểu rõ nguyên nhân khiến con mình bị lôi cuốn bởi thiết bị di động. Có thể con đang tìm kiếm sự thư giãn, kết nối với bạn bè, hoặc đơn giản là tránh áp lực từ việc học hành. Thấu hiểu điều này, cha mẹ có thể bắt đầu thiết lập các quy tắc sử dụng điện thoại hợp lý, đồng thời tạo cơ hội để con tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, thể thao, hoặc nghệ thuật.

Cha mẹ cần phải trở thành tấm gương về việc cân bằng giữa công việc và giải trí, hạn chế sử dụng điện thoại trong những khoảnh khắc quan trọng như khi ăn cơm, trò chuyện với con cái. Ngoài ra, cha mẹ có thể cùng con thiết lập thời gian biểu học tập và thời gian giải trí rõ ràng, khuyến khích con tự quản lý thời gian của mình một cách hiệu quả.

Nếu con cái vẫn chưa cải thiện tình hình, cha mẹ có thể cần tới sự hỗ trợ của các chuyên gia  để tìm ra các giải pháp phù hợp với tính cách và nhu cầu của con. Đôi khi, việc sử dụng phần mềm giám sát và hạn chế thời gian trên màn hình có thể cần thiết, nhưng luôn nhớ rằng sự đối thoại và hiểu biết lẫn nhau là chìa khóa để tạo ra sự thay đổi lâu dài.

Cuối cùng, không bao giờ quên ca ngợi và khen ngợi con khi chúng có những hành động tích cực như dành thời gian cho việc học hoặc tham gia vào các hoạt động gia đình. Sự công nhận và tình yêu thương sẽ khích lệ con phát triển những thói quen tốt và cảm thấy được hỗ trợ trong mọi tình huống.

Tổng hợp

Đông