“Rất ít quốc gia có vị thế tốt hơn Việt Nam”, là điểm đến hàng đầu châu Á - TBD của nhiều tập đoàn

Thứ sáu, 16/08/2024 - 10:44

Việt Nam giờ đây nằm trong danh sách của các nhà đầu tư trên thế giới nhờ những triển vọng và lợi thế rất hấp dẫn.

Nội dung chính

  • "Sự thay đổi mà Việt Nam đạt được thật sự đáng kinh ngạc", chuyên gia quốc tế nêu.
  • Quốc tế lạc quan về kinh tế Việt Nam.

Ông Alex Hambly, Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư (Chief Investment Officer - CIO), thành viên trong Hội đồng Đầu tư của quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), nói với Báo Chính phủ: “Mặc dù tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng Việt Nam luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Sự thay đổi mà Việt Nam đạt được thật sự đáng kinh ngạc”.

Việt Nam giờ đây đã nằm trong danh sách của các nhà đầu tư trên thế giới nhờ những triển vọng và lợi thế rất hấp dẫn, ông Alex Hambly cho hay.

Cũng theo Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư (Chief Investment Officer - CIO), thành viên trong Hội đồng Đầu tư của quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund, trong nhiều cuộc khảo sát, Việt Nam luôn được xếp hạng là điểm đến hàng đầu, hoặc được ưu tiên ở châu Á-Thái Bình Dương đối với các tập đoàn đang xem xét mở rộng đầu tư trong khu vực. Có nhiều lý do để thuyết phục họ.

“Rất ít quốc gia có vị thế tốt hơn Việt Nam”, là điểm đến hàng đầu châu Á - TBD của nhiều tập đoàn- Ảnh 1.

Việt Nam có 18 hiệp định thương mại tự do với các đối tác trên toàn thế giới, giúp thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh minh hoạ.

Cụ thể là tăng trưởng kinh tế sôi động, cải cách thủ tục hành chính để thân thiện với doanh nghiệp, chi phí lao động thấp và cơ cấu nhân khẩu học rất thuận lợi.

Ông nói thêm: Những yếu tố này và nhiều yếu tố khác đang thu hút các dòng vốn FDI ổn định từ các tập đoàn đa quốc gia. Họ rất muốn tận dụng vị trí địa lý đặc biệt của Việt Nam gần các chuỗi cung ứng công nghệ cao chủ chốt của châu Á và khả năng tiếp cận một loạt thị trường nhờ 18 hiệp định thương mại tự do của Việt Nam với các đối tác trên toàn thế giới, bao gồm cả Mỹ.

Bên cạnh đó, khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng cấp lên thị trường mới nổi, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng sẽ có thêm 25 tỷ USD vốn ngoại mới được rót vào cổ phiếu Việt Nam đến năm 2030.

"Rất ít quốc gia nào có vị thế tốt hơn Việt Nam để duy trì tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai gần”, ông Alex Hambly khẳng định.

Tổ chức quốc tế lạc quan về kinh tế Việt Nam

Tương tự nhận định của ông Alex Hambly, báo cáo kinh tế của các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao khả năng tăng trưởng của Việt Nam.

Dự báo tăng trưởng của Việt Nam cho năm 2024 và 2025 không thay đổi ở mức lần lượt là 6% và 6,2%, theo Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Báo cáo cũng đưa ra dự báo kinh tế cho khu vực Đông Nam Á sẽ duy trì ở mức 4,6% trong năm nay nhờ nhu cầu trong và ngoài nước cải thiện ổn định.

ADB cho biết, tăng trưởng ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển dự kiến sẽ đạt 5,0% trong năm nay, cao hơn dự báo trước đó là 4,9%.

ADB duy trì dự báo tăng trưởng 4,9% cho khu vực Châu Á vào năm 2025.

“Rất ít quốc gia có vị thế tốt hơn Việt Nam”, là điểm đến hàng đầu châu Á - TBD của nhiều tập đoàn- Ảnh 2.

Năm 2024, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng cao nhất ASEAN.

Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN 3 (AMRO) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 6,3% vào năm 2024 trong bản cập nhật mới nhất công bố ngày 16/7.

Tốc độ tăng trưởng cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo 6% hồi tháng 4 và cao nhất trong số các nước ASEAN cho năm 2024.

Tổ chức có trụ sở tại Singapore duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 ở mức 6,5%.

Báo cáo của Nhà kinh tế trưởng Hoe Ee Khor của AMRO lưu ý rằng năm ngoái Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do nhu cầu bên ngoài suy giảm nhưng dự kiến sẽ được hưởng lợi từ sự thay đổi nhu cầu bên ngoài trong năm nay.

"Đây sẽ là một năm tăng trưởng rất mạnh mẽ của Việt Nam. Đất nước này là một trong những nền kinh tế có độ mở cao và được hưởng lợi rất nhiều từ thương mại,” ông nói.

Trong dự báo mới nhất về tăng trưởng GDP của đất nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính nền kinh tế Việt Nam có thể vượt dự báo tăng trưởng 7% trong năm nay.

Trong một kịch bản, tăng trưởng có thể đạt 6,5%, phù hợp với mục tiêu Quốc hội đề ra. Ở kịch bản lạc quan hơn, tăng trưởng có thể đạt 7%, với tốc độ cao hơn trong 2 quý cuối năm.


Dy Khoa