Vừa qua, Nhà hát kịch Idecaf đã tổ chức buổi lễ ra mắt vở kịch Dưới bóng giai nhân với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
Tuy nhiên, không lâu sau khi họp báo diễn ra, một trang Fanpage về kịch đã đăng tải bài viết nói Idecaf "thiếu khiêm tốn", gây xôn xao mạng xã hội và tạo nhiều tranh luận, ý kiến trái chiều.
Ngay lập tức, đạo diễn vở Dưới bóng giai nhân – Quang Thảo đã lên tiếng về vụ việc.
Anh nói: "Một tác phẩm nghệ thuật, dù mở cửa tự do hay có bán vé thu tiền thì tác giả hay những người làm nên tác phẩm ấy đều ít nhiều có nhu cầu được chia sẻ, mang đứa con tinh thần của mình tiếp cận tới công chúng, tới khán giả.
Hơn bất cứ ai hết, các phóng viên có mặt ở buổi gặp gỡ với báo chí hôm đó chính là những người có quyền lên tiếng nếu thấy sự say mê của các diễn viên với kịch bản đã vượt quá sự khiêm cung cần thiết của người nghệ sĩ.
Và họ đã chia sẻ sự say mê đó cùng với các nghệ sĩ với hơn một trăm bài báo, phóng sự và tin tức về dự án Dưới bóng giai nhân của Idecaf. Chúng tôi hết sức biết ơn khi thấy được sự đồng điệu đó của các phóng viên báo chí, truyền hình cũng như những chuyên gia trong và ngoài ngành sân khấu.
Sự khiêm tốn khi đứng trước một tác phẩm vĩ đại như Truyện Kiều là điều hết sức tự nhiên. Nhưng điều cốt yếu khi tiếp cận với những tác phẩm lớn như Truyện Kiều là sự trung thực và tự tin.
Dưới bóng giai nhân là kịch bản hay nhất trong sự nghiệp của tôi. Gần 20 năm gắn với công việc viết lách, với hơn 50 kịch bản, là đạo diễn cho nhiều chương trình và vở diễn lớn nhỏ được công nhận, tôi có thể tự tin nói rằng, kịch bản này là kịch bản tốt nhất của tôi từ trước tới giờ.
Tôi cũng tin rằng, chất lượng của kịch bản cũng là yếu tố quyết định để thuyết phục ban lãnh đạo Idecaf đầu tư cho vở diễn nhiều nhất từ trước tới giờ về quy mô dàn dựng, kỹ thuật sân khấu, phục trang…
Đó là lý do Idecaf mời được một tập thể nghệ sĩ diễn viên tên tuổi gạo cội với không ít người hoạt động nghệ thuật hơn 30 năm, thậm chí có người cũng đã và đang hoạt động trong vai trò của một đạo diễn. Tôi nghĩ rằng, họ có thừa khả năng để đánh giá chất lượng của kịch bản hay đến đâu và hay như thế nào.
Khiếm tốn là một đức tính tốt và luôn cần có ở bất cứ một ai, không riêng gì những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nhưng sự khiêm nhường đấy cũng cần phải được đặt đúng chỗ, theo từng hoàn cảnh và ngữ cảnh nhất định. Khiêm tốn là biết người biết ta. Nó không đồng nghĩa với việc tự hạ thấp bản thân, hạ thấp tập thể nghệ sĩ và cộng sự đang ngày đêm cống hiến vì tác phẩm, vì khán giả.
Nếu bản thân mình không biết được kịch bản mình viết hay dở ra sao, vở diễn mình dựng nên sẽ thu hút thế nào thì là thảm họa, là bi kịch của người làm nghề. Tôi sẽ không nói những câu nói kiểu thảo mai như "Dạ em không dám nhận xét, để khán giả tự đánh giá sau khi vào rạp xem", hoặc "Dạ anh chị cứ vô xem đi ạ, chứ em không dám nói kịch bản, vở diễn này hay đâu".
Hiện tại, chia sẻ của Quang Thảo đang nhận được sự quan tâm của nhiều cư dân mạng, đồng thời được nhiều nghệ sĩ gạo cội ủng hộ như NSND Việt Anh, nghệ sĩ – đạo diễn sân khấu Ái Như, NSƯT Minh Trang, đạo diễn Chánh Trực, NSƯT Tuyết Thu…
Tùng Ninh