Sự thật về bánh trung thu ít ngọt: Giảm đường nhưng tăng nguy cơ đột quỵ đau tim vì chất làm ngọt nhân tạo

Thứ tư, 11/09/2024 - 10:37

Việc lựa chọn bánh trung thu ít đường hoặc không đường có vẻ sẽ tốt cho sức khỏe hơn. Nhưng sự thật ra sao?.

Nhiều người thường cho rằng, vì không ăn bánh trung thu mỗi ngày, mỗi năm chỉ ăn một lần nên dù có ăn nhiều một chút cũng không sao. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhiều nước châu Á chuyển sang bán và sử dụng các loại bánh trung thu giảm đường, không đường khiến người tiêu dùng càng an tâm hơn. Dù vậy, một số chuyên gia đặt câu hỏi liệu nó có thực sự tốt như những lời quảng bá?.

Tờ CNA thống kê, một chiếc bánh trung thu nướng, nhân sen trứng muối chứa đến 790 calo; một chiếc bánh hai trứng muối chứa gần 890 calo, tức là gần nửa lượng calo cần thiết hàng ngày. Muốn tiêu hao hết, bạn cần ít nhất 2 giờ đạp xe hoặc 1 giờ chạy bộ.

Sự thật về bánh trung thu ít ngọt: Giảm đường nhưng tăng nguy cơ đột quỵ đau tim vì chất làm ngọt nhân tạo- Ảnh 1.

Bánh trung thu ít đường hoặc không đường được bày bán phổ biến trên thị trường

Đáng chú ý, theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mọi người nên giới hạn lượng đường nạp vào cơ thể hàng ngày ở mức 6 thìa cà phê. Tuy nhiên, một chiếc bánh trung thu chứa từ 30 đến 45 thìa cà phê đường, vượt quá lượng cho phép từ 6 đến 7 lần.

Vì vậy, việc lựa chọn bánh trung thu ít đường hoặc không đường có vẻ sẽ tốt cho sức khỏe hơn. Nhưng sự thật ra sao?.

Catherine Koh, Trưởng khoa dinh dưỡng tại Bệnh viện Alexandra, Singapore cho biết, nhân hạt sen phổ biến trong nhiều loại bánh trung thu đã chứa đường tự nhiên.

Ở các loại bánh trung thu giảm đường kiểu hiện đại, đường thêm vào được thay thế bằng chất làm ngọt nhân tạo như erythritol hoặc malitol để giảm hàm lượng carbohydrate. Đây còn đường gọi là rượu đường. Ngoài ra, nhiều đơn vị sản xuất cũng thêm mỡ vào nhân sen.

Thật không may, những loại rượu đường ít calo này không phải là không có tranh cãi. Trong nghiên cứu năm 2021, erythritol làm tăng độ kết dính của tiểu cầu trong máu, có thể làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc các vấn đề tim mạch khác. Malitol tốt cho sức khỏe răng miệng hơn so với đường, nhưng có thể gây ra đầy hơi, co thắt và tiêu chảy khi tiêu thụ với số lượng lớn. Thực tế, các nhà khoa học khuyến nghị mỗi người chỉ nên ăn dưới 10g rượu đường một ngày để tránh gặp các vấn đề sức khỏe.

Ngay cả khi đã giảm ngọt, hàm lượng chất béo trong bánh trung thu vẫn cao. Theo tiến sĩ Koh, hầu hết loại bánh trung thu đều sử dụng chất béo hoặc dầu chứa chất béo bão hòa gây hại cho người có cholesterol cao và mắc bệnh tim.

Ngoài đường, bánh trung thu chứa nhiều calo, carbohydrate, chất béo, cholesterol và natri. Theo thống kê, một chiếc bánh trung thu truyền thống chứa 381 calo, một bánh dẻo chứa 372 calo. Bánh trung thu nhân mứt chứa 454 calo, bánh trung thu thập cẩm chứa tới gần 500 calo.

Để không ảnh hưởng đến sức khỏe, các chuyên gia khuyến nghị coi bánh trung thu như một món ăn nhẹ sau bữa chính, ăn bánh khi đã no để tránh ăn quá nhiều. Người mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, mạch máu não, người gặp vấn đề về da không nên ăn quá nhiều bánh trung thu.

Một số mẹo giúp giảm bớt lượng đường nạp vào cơ thể khi ăn bánh trung thu:

- Giảm cơm và thức ăn tương đương: Nếu không chọn phương pháp tăng vận động, bạn có thể giảm bớt lượng thức ăn thường ngày. Ví dụ: Ăn thêm 1/4 chiếc bánh nướng: bớt đi 1/3 bát cơm và 30g thịt nửa nạc, nửa mỡ; Ăn thêm 1/4 chiếc bánh dẻo: bớt đi 1/3 bát cơm và 30g thịt nạc.

Sự thật về bánh trung thu ít ngọt: Giảm đường nhưng tăng nguy cơ đột quỵ đau tim vì chất làm ngọt nhân tạo- Ảnh 2.

Dùng bánh trung thu với trà xanh để giảm bớt độ ngọt có trong bánh

Với người đái tháo đường, để hiệu chỉnh chính xác hơn lượng ăn thêm/bớt, cần đo đường máu sau khi ăn 1-2 giờ. Nếu chỉ số < 11mmol/l hoặc < 200mg/dl, bạn yên tâm ăn như vậy. Nếu chỉ số đường máu cao hơn những tiêu chí trên, bạn bớt thêm chút cơm + thức ăn hoặc vận động thêm chút.

- Kết hợp với trà xanh: Trà xanh, trà bạc hà có thể thúc đẩy quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể và giảm bớt độ ngọt, rất phù hợp để kết hợp với bánh trung thu. Nước pha trà nên để ở nhiệt độ vừa phải, tốt nhất là dưới 70 độ, vì nếu nóng quá sẽ làm giảm vitamin C và acid catechinic có trong trà.

- Chỉ ăn vào buổi sáng: Do chứa nhiều calo nên bánh trung thu là một lựa chọn cho bữa sáng khi mọi người cần bổ sung năng lượng sau một đêm ngủ ngon. Tuy nhiên, không nên ăn bánh trung thu vào lúc đói hoặc sau bữa cơm, sau 7h tối. Không ăn cùng trà đặc, cà phê và nước có gas vì năng lượng, chất đường trong bánh sẽ tích tụ thành chất béo và gây tăng cân, không tốt cho huyết áp, tim mạch...

- Ăn chậm, từng miếng nhỏ: Việc ăn đồ ngọt nhiều và ăn nhanh sẽ làm lượng đường trong máu tăng cao hơn bình thường. Để tránh nạp quá nhiều calo từ đường cùng lúc, bạn nên cắt bánh trung thu thành từng miếng nhỏ và ăn chậm rãi.

- Vận động nhiều hơn: Nếu dùng phương pháp vận động để tiêu thụ lượng calo sau khi ăn thêm 1/4 chiếc bánh nướng, bánh dẻo bạn cần phải vận động thêm so với mọi ngày: lau nhà 1 giờ hoặc đi bộ chậm 45 phút, đi bộ nhanh chừng 35 phút hoặc đi xe đạp 25 phút, hoặc bơi 25 phút. Nếu lỡ ăn 1/2 chiếc thì gấp đôi thời gian vận động trên.

Theo CNA

Nguyễn Phượng