Rachel Morgan Cautero - một chuyên gia tài chính cá nhân của tờ HerMoney cho biết: mùa lễ hội năm nay, ngân sách mua sắm của cô là khoảng 1.700USD (khoảng 43 triệu đồng), trong khi đó có tận 10 người trong danh sách cần phải tặng quà. "Tôi mua sắm cho 10 người trong kỳ nghỉ, vì vậy, việc tuân thủ ngân sách của tôi đòi hỏi một chiến lược cẩn thận. Để làm được điều này, tôi chia nhỏ ngân sách cho từng người và tính toán trước những mặt hàng cần mua" - Rachel chia sẻ.
Một thống kê từ PwC (PricewaterhouseCoopers - một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới) cho biết chi tiêu cho kỳ nghỉ năm nay trung bình sẽ là 1.638USD (khoảng 41 triệu đồng) cho mỗi người, cao hơn 7% so với năm ngoái. Qua nhiều năm, Rachel đã tiết kiệm tiền tốt hơn để giảm bớt gánh nặng tài chính khi mua sắm trong kỳ nghỉ. Theo cách đó, thay vì lo lắng về ngân sách, cô có thể thong thả nhâm nhi một chút rượu trứng và tận hưởng mùa lễ. Sau đây là 5 bí quyết mà Rachel Morgan Cautero áp dụng để "tận dụng từng xu".
1. Bắt đầu sớm
Đừng bao giờ chờ đợi đến phút cuối để tránh phải tranh giành và rơi vào tình trạng chi tiêu quá mức. Hãy bắt đầu mua sắm những món quà vào đầu tháng 9, đặc biệt là khi có đợt giảm giá. Việc ghi lại danh sách các món đã mua một cách chi tiết kèm theo số tiền đã tiêu sẽ giúp bạn kiểm soát ngân sách, tránh trùng lặp khi mua quà cho mọi người.
2. Lập danh sách chi tiết
Từ tháng 10 trở đi, Rachel đã bắt đầu nhắc nhở các con thêm món quà chúng muốn vào danh sách quà Giáng sinh, đôi khi, bọn trẻ còn chụp ảnh chính xác món quà mà chúng muốn để "nhắn tin cho Ông già Noel".
Điều này sẽ giúp cắt giảm chi tiêu không cần thiết trước kỳ nghỉ và tạo ra một danh sách khá chi tiết về những món quà thiết thực, đúng sở thích, mong muốn của người được tặng quà. Đồng thời, bạn cũng có thể ước lượng trước số tiền cần phải chi tiêu, trong trường hợp có món nào đó đắt tiền, bạn còn kịp thời "săn" nó vào các đợt giảm giá.
3. Đặt ngân sách trước
Trước khi mùa tặng quà bắt đầu, hãy lập một danh sách chi tiết về những người bạn cần tặng quà và số tiền dự định chi cho mỗi người. Sau đó, tính tổng ngân sách chi tiêu của bạn. Mặc dù con số này sẽ khác nhau đối với mỗi người, nhưng trong trường hợp của Rachel, cô đã chi 75USD (khoảng 1,9 triệu đồng) cho mỗi cháu trai, cháu gái, 100USD (khoảng 2,5 triệu đồng) cho cha mẹ và khoảng 500USD (khoảng 12,6 triệu đồng) cho con trai, con gái. Điều này giúp tổng ngân sách tặng quà của cô vào khoảng 1.700 đô la.
Điều này không chỉ giúp bạn theo dõi khi mua sắm mà còn giúp lập kế hoạch cho khoản chi tiêu hàng năm trong ngân sách của mình. Sau kỳ nghỉ, hãy so sánh số tiền mình đã chi với mục tiêu ban đầu và cân đối lại chúng trong các năm sau.
4. Tranh thủ mua sắm vào Black Friday
Black Friday là đợt siêu giảm giá mỗi năm và bạn sẽ mua được những món đồ với giá cực kì tiết kiệm vào thời điểm này. Bởi vậy, hãy lập danh sách những mặt hàng đắt tiền mà mình cần mua sắm, như trong trường hợp của Rachel là xe đẩy Crazy Carts cho các con trai. Trong đợt Black Friday, cô chỉ mua những món đó hàng đã định trước.
Khuyến mãi vào Black Friday có thể rất lớn, cho dù bạn mua trực tiếp hay mua sắm trực tuyến, nhưng chúng cũng có thể gây mất tập trung và căng thẳng. Việc tập trung vào một hoặc hai mặt hàng và bỏ qua phần còn lại giúp mọi thứ dễ dàng hơn nhiều.
6. Biết cách từ chối
Cùng với những ngày lễ là những cuộc trao đổi quà tặng, tiệc bánh quy và cơ hội mua sắm cho những người có nhu cầu. Song điều đó có thể gây ra những khoản chi phát sinh khổng lồ. Bởi vậy, hay tuân thủ hoạt động tặng quà mỗi năm, tham gia các cuộc quyên góp từ thiện theo kế hoạch. Năm ngoái, gia đình Rachel tham gia tài trợ cho hai đứa trẻ thông qua trường mẫu giáo của con trai tôi. Năm nay, họ quyên góp đồ chơi và thức ăn cho thú cưng cho một trại cứu hộ động vật địa phương.
Từ chối không tham gia các cuộc quyên góp không có nghĩa là bạn là một kẻ keo kiệt hay không hưởng ứng tinh thần ngày lễ. Điều đó có nghĩa là bạn làm mọi thứ theo kế hoạch, và giữ cho ví tiền của mình được an toàn.
Trang Đào