Thấy ông lão bán trái cây ở lề đường nên tôi cho tiền, ngờ đâu ông không lấy còn chỉ vào tòa nhà phía sau và nói: "Của con trai tôi đấy!"

Thứ năm, 19/09/2024 - 11:30

Tôi cứ tưởng ông nói đùa, nhưng ngẫm nghĩ lại thì thấy có lẽ là thật, vì mấy ai đã được đứng trước một tòa khách sạn lớn như vậy để bán trái cây.

Chiều hôm qua trên đường đi làm về, tình cờ nhìn thấy một ông lão đang đứng bán trái cây ở lề đường, tôi tạt vào mua vài cân ủng hộ. Ông lão nhìn gầy gò, mặc chiếc áo nâu ướt mồ hôi, thương tình nên tôi mua 2,5kg ổi và 1kg lê, tổng hết 80 ngàn thì tôi đưa cả 100 ngàn, nói ông không phải trả lại, coi như tôi biếu ông thêm.

Thế nhưng ông lão cười khà khà, rút trong túi ra một tập tiền lẻ, đếm đủ 20 ngàn đưa cho tôi và bảo: "Cảm ơn con gái, nhưng cháu không phải cho ông đâu, ông không thiếu tiền, ông bán cho vui thôi".

Tôi rất bất ngờ trước hành động và lời nói của ông lão, chắc nhìn tôi ngơ ngác quá nên ông lão chỉ tay vào tòa khách sạn phía sau lưng và bảo: "Cái khách sạn này là của ông trai ông đấy".

Ban đầu tôi nghĩ ông lão nói đùa, nhưng ngẫm nghĩ lại thì có lẽ là thật, vì mấy ai đã được đứng ngay cạnh mặt tiền của một khách sạn lớn như vậy để bán trái cây đâu. Nếu bình thường thì bảo vệ đã ra xua đi để giữ cảnh quan rồi. Ông lão sao có thể đặt cả một xe đẩy trái cây đứng hiên ngang ở đây để bán được. Tôi vừa thấy thú vị, vừa tò mò nên quyết định hỏi thăm một chút. Như được trút bầu tâm sự, ông lão liền kể một hơi chuyện nhà ông.

Thấy ông lão bán trái cây ở lề đường nên tôi cho tiền, ngờ đâu ông không lấy còn chỉ vào tòa nhà phía sau và nói: "Của con trai tôi đấy!"- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Từ việc ông bà quê gốc ở Thái Bình, làm nghề trồng lúa và trái cây nuôi con trai ăn học, tới khi anh con trai khởi nghiệp thành công, hơn chục năm sau đã là tổng giám đốc của khách sạn lớn phía sau lưng tôi. Con trai nhất quyết đón ông bà lên thành phố sống, còn mua cho ông bà căn chung cư cao cấp gần biệt thự của vợ chồng con trai để tiện chăm sóc. Nhưng ông bà thì quen với cảnh ở quê, giờ được nghỉ ngơi hưởng thụ thì buồn bực tay chân nên ông đòi được đi bán hàng, gặp gỡ mọi người, được làm việc cho khỏe người và vui vẻ. Anh con trai không yên tâm nên đồng ý để ông đặt xe trái cây ở một góc của mặt tiền khách sạn. "Nhìn ông bán chơi chơi vậy thôi chứ phía sau bảo vệ trông coi ông còn hơn trông trẻ", ông lão nói với tôi.

Tôi rất nể phục sự chăm chỉ của ông. Nếu nhìn bề ngoài, ai có thể tin được ông lão bán trái cây nhìn nghèo khổ kia lại là "bố của chủ tịch".

Tôi cầm lại 20 ngàn tiền trả lại rồi ra về mà trong lòng cảm thấy ấm áp, như được tiếp thêm một nguồn năng lượng bởi những con người xung quanh giản dị, mộc mạc như thế. Họ giàu có nhưng vẫn làm việc hằng ngày theo sức của mình, dù tuổi đã cao song không để bản thân trở thành người thừa, người phụ thuộc.

Ngọc Thương